Ngân hàng Trung Quốc hay Mỹ mạnh hơn?

Các ngân hàng Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày một lớn mạnh và bành trướng. Theo tính toán, tài chính châu Á đang ở vị thế an toàn hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Ngân hàng Trung Quốc hay Mỹ mạnh hơn?

Chi nhánh Bank of China tại Thượng Hải.

Năm ngoái, lợi nhuận ròng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tăng 10% bất chấp suy thoái tài chính, đạt 11,9 tỷ USD. Cùng thời gian đó, khi vẫn còn giữ 19% cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Bank of America chỉ thu được 4 tỷ USD, giảm 73% lợi nhuận so với 2007,

Do đó, điều dễ hiểu là tháng 5 vừa rồi, Bank of America bán 5,8% cổ phần của họ tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc lấy 7,3 tỷ USD. Khủng hoảng tài chính đã giáng đòn mạnh vào bộ máy tài chính lớn nhất nước Mỹ. Đầu tháng 5, chính quyền Barack Obama yêu cầu Bank of America huy động 33,9 tỷ USD nhằm chống chọi với suy thoái. Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc lại đang trong thời kỳ ăn nên làm ra khi kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng.

Những đại gia tài chính hùng mạnh của Mỹ như Bank of America hay Citicorp đều đang khốn đốn. Tài sản ngày càng kiệt quệ khiến họ phải rút dần khỏi thị trường ngoài nước. Ngược lại, ngân hàng mang quốc tịch Trung Quốc và Ấn Độ, vốn ít được biết đến bên ngoài biên giới, nay hoàn toàn có cơ hội bành trướng ra toàn cầu.

Liệu Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, hay Bank of China có thực sự mong muốn và có thực hiện kế hoạch bành trướng hay không là một câu hỏi chưa lời đáp. Tuy nhiên, rõ ràng những số liệu kinh doanh gần đây cho thấy cơ hội đang ở trong tay họ.

Mới đây, Ngân hàng Nomura từ Nhật Bản, nơi mua lại chi nhánh châu Á của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, đã công bố một báo cáo so sánh tài sản của nhiều ngân hàng trên thế giới, và phát hiện ra nhiều thay đổi quan trọng. Một nhân tố nói lên sự khác biệt trong báo cáo của Nomura là tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ này càng cao, nguy cơ sụp đổ tài chính càng lớn.

Để tính toán tỷ lệ đòn bẩy tài chính, Nomura lấy tài sản hữu hình của ngân hàng (bao gồm các khoản nợ, không tính tài sản vô hình như uy tín) đem chia cho vốn hữu hình của ngân hàng. Tỷ lệ đạt được của phép chia với số liệu của hệ thống ngân hàng Mỹ là 24,8. Paul Schulte, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Nomura cho rằng đây là một con số đáng lo ngại. Kết quả của phép tính tương tự, sử dụng số liệu hồi 1993 - nhiều năm trước khi bong bóng tài sản bị thổi phồng - chỉ là 20. Để đưa tỷ lệ trên trở về mức an toàn, Nomura cho rằng các ngân hàng Mỹ phải giảm ít nhất 2,8 nghìn tỷ USD trong khối tài sản hữu hình, bằng cách bán bớt chi nhánh hay tài sản, hoặc huy động thêm ít nhất 141 tỷ USD tiền vốn.

Tình hình tại châu Âu còn tồi tệ hơn với tỷ lệ giữa tài sản hữu hình và vốn là 40,5. Nomura khuyên các nhà băng châu Âu bán đi 9,7 nghìn tỷ USD tài sản hoặc huy động 485 tỷ USD tiền vốn, nhằm đưa tỷ lệ về dưới 20. Ngân hàng Royal Bank of Scotland, với tỷ lệ cao 39,3, bắt đầu rơi vào khủng hoảng từ năm ngoái. Ngân hàng này phải cho đóng cửa nhiều hoạt động bán lẻ và thương mại tại châu Á. CEO của ngân hàng, ông Stephen Hester gần đây tuyên bố kế hoạch thành lập và rao bán một chi nhánh mới sở hữu 477 tỷ USD trong số tài sản của RBS.

Những người có khả năng mua khối tài sản trị giá 477 tỷ USD vào thời điểm này chỉ có thể là đại gia mới nổi từ châu Á, theo nhận định của Nomura. Các ngân hàng châu Á đang có tỷ lệ tài sản hữu hình trên vốn ở mức rất an toàn. Tỷ lệ của Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt là 15,8, 14,3, 11,6 và 16,7.

Trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, châu Á nay tự tin chống chọi trong suy thoái với nhiều kinh nghiệm và sức mạnh trong tay. Họ hoàn toàn có khả năng mua lại những món tài sản mà các ngân hàng phương Tây buộc phải nhả ra để huy động vốn. Đặc biệt, ngân hàng mang quốc tịch Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhờ tăng trưởng GDP của nước này được duy trì ở mức cao đáng nể. Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức 14, Bank of China thu được 9,7 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2008.

Hiện tại Trung Quốc đang tập trung vào châu Á và các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nơi ngành thương mại nước này muốn bành trướng. Năm 2007, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) mua 20% cổ phần tại Ngân hàng Standard Bank, nhà cho vay lớn nhất của Nam Phi với giá 5,6 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh làm ăn với châu Phi trong các lĩnh vực như dầu thô, vàng, đồng và các kim loại khác. Người ta cho rằng ICBC cũng đang nhòm ngó khối tài sản tại châu Á của Ngân hàng Royal Bank of Scotland.

Nhiều vụ mua bán mới sẽ diễn ra tại phương Tây, khi các ngân hàng đang muốn dần từ bỏ các hoạt động tại nước ngoài để chuyên tâm vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó khi dần lấy lại phong độ và tái thiết chiến dịch mở rộng, họ sẽ nhận ra miếng bánh toàn cầu không còn dọn sẵn cho mình nữa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast