Chợ Gôi xưa và nay

Nhắc đến chợ Gôi, không chỉ dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) mà khách thập phương đều biết một chợ quê trên bến dưới thuyền, với những sản phẩm truyền thống của người dân làng Thịnh Văn và cư dân tả ngạn sông Ngàn Phố. Những nét đẹp từ ngàn xưa của chợ quê này còn được lưu giữ đến hôm nay.

Nét đẹp chợ quê

Thuở còn nhỏ tôi đã từng được bố cho đi chợ Gôi, bây giờ nhớ lại lòng vẫn bồi hồi xúc động. Cây bàng xanh cổ thụ ngày nào vẫn còn đó, những búp bàng tơ non như đang viết lên những dòng sử ký về chợ Gôi.

Hàng đan bày bán ở chợ Gôi - Ảnh: Đậu Bình.
Hàng đan bày bán ở chợ Gôi - Ảnh: Đậu Bình.

Chợ Gôi nằm giáp ranh giữa 2 xã Sơn Thịnh và Sơn Hòa, với địa thế rất hữu tình. Ngày trước người dân chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng đò. Hàng từ Vinh lên theo đò dọc cũng tiện ích, hàng nông lâm sản từ miền thượng Hương Sơn đổ xuống bằng đò xuôi cũng thuận lợi.

Cứ thế theo nhịp tháng ngày, những bà mẹ lặn lội thân cò gánh chè gánh chuối, gánh bưởi, cam, chanh đi từ lúc gà gáy để kịp xuống chợ Gôi bán. Những người cha vào tận đại ngàn tìm giang, tìm nứa, mây, song rồi kết bè đi trong ánh trăng khuya đưa xuống chợ Gôi.

Có lần tôi hỏi bố tôi: "Chợ Gôi có nhiều hàng không bố?". Bố tôi nói: "Đi chợ Gôi sắm hàng gì cũng có, chỉ sợ mình không đủ sức mua". Bố tôi kể lại rằng: "Trước kia ở khu chợ này còn có cả những ông chủ chuyên kinh doanh tiền bạc để lấy lãi bằng cách đổi bạc nhỏ lấy bạc lớn của khách hàng. Khi người khách cần đổi một tờ giấy bạc "Con cuông" (5 đồng Đông Dương) để lấy bạc nhỏ về tiêu thì họ chỉ được nhận giá trị thấp hơn tiền mình đưa (chỉ nhận được 4 đồng 6 hào). Riêng đối với những loại giấy bạc khác còn phải "các" cho chủ hiệu 4 hào) ".

Một buổi chiều mùa thu, sông Ngàn Phố nước xanh biêng biếc, tôi về thăm lại chợ Gôi vẫn bắt gặp một nét duyên quê mà mình đã từng yêu da diết tuổi ấu thơ. Vẫn còn đây những mặt hàng của miền sơn cước xuống, từ sợi dây thừng buộc trâu đến nuộc lạt giang để lợp nhà. Vẫn còn đây lưỡi cày lưỡi cuốc từ làng rèn Trung Lương lên. Vẫn còn đây con cá gáy, cá rô đánh được của ngư dân làng vạn chài. Mùa thu là mùa trám chín - hôm nay tôi vẫn được thưởng thức món trám quả xuất hiện tại chợ Gôi. Văn hóa của chợ Gôi lại cảm kích tôi từ những cọng rau nằm trên đôi quang của mẹ của em tảo tần khuya sớm.

Nhiều người ở xóm Thịnh Văn đến nay vẫn còn nhắc những ông chủ biết vận dụng địa thế quầy của mình để kinh doanh buôn bán, khéo thu hút khách hàng như ông Ký, ông Tham lục bộ. Một nét rất văn minh của chợ Gôi của đời xưa còn giữ được cho đến ngày nay, đó là sự sòng phẳng với nhau trong buôn bán, không có sự sát phạt nhau, không có sự giành giật nhau. Các chủ hàng khi khách vào chợ đều biết tìm đúng vị thế của mình.

Chợ Gôi là một chợ quê đượm tình đượm nghĩa nhất, ít xuất hiện những trường hợp chửi bới và lăng mạ nhau, ngay cả những người hành khất xuất hiện giữa đám đông cũng rất lễ phép và từ tốn. Người bán không bị mất hàng. Người mua không sợ mất tiền. Văn minh được xây dựng trên một nền văn hóa làng đã ăn sâu trong tiềm thức. Chợ họp buổi sáng nhưng buổi trưa tan chợ đã có những bác lao công cần mẫn làm công tác thu gom rác rưởi.

Thuở trước chưa có đội quản lý chợ như bây giờ nhưng xem ra chợ Gôi vẫn được xếp diện sạch sẽ nhất trong các chợ quê miền Trung. Tiền công trả cho những người đảm trách lao công được các gia đình trong chợ trích lại mỗi người ít đồng bạc. Người lao công không bao giờ đắn đo câu nệ giá tiền công của mình. Một điều hiếm thấy trong hàng chục thập kỷ qua, mặc dầu chợ Gôi dựng nhiều quán lá tro và bốn cột tre chôn đất mùa hè gió lào thổi ràn rạt, lá khô rúm lại, ấy vậy mà chưa bao giờ xẩy ra hỏa hoạn.

Nhiều người đi chợ Gôi không phải chỉ mua hàng mà để nhân thêm niềm vui, nhận thêm thông tin giá trị các mặt hàng từng thời điểm thông qua sự lưu thông.

Chợ Gôi hôm nay hiện đại hơn thuở xưa nhiều. Những ki -ốt xây dãy ngang dãy dọc với những sạp hàng đủ màu sắc công nghiệp. Nhiều nhất là hàng may mặc được nhập từ Thái Lan về rồi hàng điện tử. Âm thanh chợ Gôi náo nhiệt hơn. Bởi có ánh sáng lung linh của điện, bởi những đĩa băng thu hình và mạng internet được kết nối.

Những sản vật thôn quê

Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh, cho biết: "Toàn xã hiện nay có 3.258 nhân khẩu mà chỉ có 212ha đất nông nghiệp. Do diện tích canh tác ít nên đa số người dân chủ yếu dựa vào chợ Gôi để tìm kế mưu sinh". Tôi hỏi ông Cường: “Từ khi hợp tác xã Minh Thịnh làm nghề xuất khẩu thảm bị giải thể các gia đình tự chèo chống có đủ ăn không?”. Ông Cường trả lời: "Nói thật với anh, hiện nay ai lo nhà nấy nhưng cũng nhiều người làm ăn được".

Trong muôn vàn màu sắc, âm thanh của thời mở cửa, hình như chợ Gôi vẫn neo lại trong tim mỗi con người một nét đặc trưng không thể lẫn vào các chợ khác. Đó là kẹo cu -đơ ngon nổi tiếng và bánh đa, bánh đúc. Đó là thịt dê được bày bán sẵn mỗi phiên chợ họp. Thứ nào cũng có thể làm quà cho người ở nhà, người đi xa. Chợ Gôi là điểm tựa cho người dân 2 xã Sơn Thịnh, Sơn Hòa mở mang, tồn tại và phát triển làng nghề.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Hùng (xóm Thịnh Bình), người kế nghiệp kỹ thuật nấu kẹo cu-đơ ngon nổi tiếng của làng. Dân làng Thịnh Văn gọi ông Cu-đơ là ông Cu Hai (theo tiếng Pháp, đơ nghĩa là hai). Thuở đầu ông Cu -đơ tập làm kẹo lạc bằng mật bọc lá chuối khô để bày bán chợ Gôi như mọi người. Nhưng kẹo lạc của ông lúc ấy đã khiến cho người xa kẻ gần muốn thưởng thức bởi có vị ngọt đậm thơm của thứ mật mía mà ông chọn rất kỹ để bỏ vào chum.

Từ kẹo lạc ông muốn cải tiến cả mẫu mã và chất lượng kẹo ngon hơn. Chiếc bánh cu -đơ trông như nửa vầng trăng của chiếc bánh đa gấp lại. Khách nếm bánh cu -đơ vừa thơm vừa bùi vừa ngọt, một vị ngọt thấm sâu vào tận đáy lòng. Sau khi ông qua đời, người con đẻ của ông là anh Lê Cầm tiếp tục nối nghiệp bố. Lê Cầm nối nghiệp bố được khoảng mươi năm thì theo con ra Vinh ở. Trước lúc bán toàn bộ tư cơ nhà cửa cho người hàng xóm thủy chung và tốt bụng, Lê Cầm còn ân nghĩa truyền lại nghề nấu kẹo cu -đơ của gia đình mình cho anh Nguyễn Hùng.

Chúng tôi tới nhà anh Hùng lúc trời đã trưa, nhưng vợ chồng anh và mấy nhân viên giúp việc vẫn đứng say sưa bên nồi chảo mật đang nghi ngút khói. Ngôi nhà hai tầng bề thế khang trang. Vừa uống nước chè thơm mới om trong ấm nhôm vừa thưởng thức món cu -đơ do tay anh chị nấu, tôi càng cảm kích trước món kẹo đặc biệt dân dã này. Chị Hợi (vợ anh Hùng) giải thích cho tôi hiểu kẹo của chị ngon bởi chị bao giờ cũng làm đúng theo kỹ thuật đã được truyền lại.

Khâu khó nhất là làm sao bỏ lạc vào đúng lúc mật sôi khiến kẹo không bị già và cũng chẳng bị non, chỉ cần sơ sểnh tý là hỏng cả nồi kẹo. Khâu tuyển lựa chất lượng mật và chất lượng lạc cũng phải hết sức tỷ mẩn. Vợ chồng anh Hùng đã lên tận Đông Tràng để mua mật mía. Một loại mật chất lượng thật nhất, ngon nhất. Tôi đảo mắt nhìn phía trong thấy nhà anh Hùng có vô số chum sành, thứ thì đựng mật, thứ đựng lạc. Tất cả mọi nguyên liệu được dự trữ dồi dào và được kiểm tra thường xuyên tránh sự ẩm mốc.

Anh Hùng bảo tôi: "Khi chưa có nghề này gia đình cũng vất vả lắm, bây giờ chúng tôi cảm thấy yên tâm bởi kẹo cu -đơ làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Nguồn tiêu thụ chính của nhà tôi vẫn là nhập cho các quầy bán lẻ ở chợ Gôi và các đại lý trên đất Hương Sơn. Nhờ ngon nên những ngày lễ tết khách nhiều nơi vẫn đến tận nhà mua để làm quà". Những gói kẹo cu -đơ thời đổi mới cũng được gia đình anh Hùng đóng gói với hình thức khá bắt mắt.

Chợ quê - Ảnh: Internet.
Chợ quê - Ảnh: Internet.

Số nhà làm kẹo như nhà anh Hùng ở đất Sơn Thịnh không nhiều lắm nhưng nghề đan thì khối người làm. Chả trách gì người ta bảo người Sơn Thịnh là người làng đan. Tôi tới nhà cụ Nguyễn Hân để xem cuộc sống của cụ bây giờ ra sao, bởi ngày xưa cụ là một trong những xã viên giỏi của HTX Minh Thịnh. Hơn 15 năm gặp lại, cụ vẫn nhận ra tôi ngay.

Vẫn dáng người cao dỏng, vẫn giọng nói chân chất ấm áp, cụ Hân bảo: "Bây giờ tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng tôi mỗi ngày vẫn đan được 4 đôi thúng. Tôi phải suốt ngày lụi hụi với vót nan cật, chuốt từng sợi mây, có khi thức suốt cả đêm để làm kịp hàng cho khách. Thú thật với chú, chúng tôi sống được trước hết là nhờ có chợ Gôi, thứ hai là nhờ kỹ năng tay nghề của mình. Làm một nghề lương thiện, tuy không giàu có chi nhưng nuôi được 4 đứa con ăn học và trưởng thành là tui thấy yên tâm lắm rồi".

Hàng cau trước sân đang ngả bóng xuống sân nhà, cụ Hân bê từng chiếc thúng còn thơm mùi tre tươi ra phơi để lấy nắng. Ngày mai lại chính phiên chợ Gôi, cụ lại nhờ mấy đứa cháu đưa hàng ra chợ. Tôi mong thầm hàng cụ vẫn bén duyên khách.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast