"Vaccine" chữa ung thư sẽ có trong 1 - 2 năm nữa?

Đây sẽ là tin vui đột phá với cả thế giới khi “vaccine” chống ung thư không gây tác dụng phụ, không gây đau đớn và không cần hóa trị ra đời.

Sau khi kết quả thử nghiệm “vaccine” trên chuột được trang DailyMail đăng tải tháng 3/2019, cho thấy “vaccine” này đã chữa khỏi 97% số chuột có các khối u, mà không gây tác dụng phụ hay gây đau đớn và không cần phải hóa trị, các nhà khoa học Mỹ kỳ vọng có thể ra mắt “vaccine” chống ung thư trong 1-2 năm tới.

“Vaccine” ung thư hiệu quả và giá rẻ?

Xuất hiện trên tạp chí y học danh giá Science Translational Medicine từ đầu năm 2018, nghiên cứu về “vaccine” chống ung thư của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Ronald Levy, tại Đại Học Stanford, California (Mỹ) dẫn đầu đã nhận được sự quan tâm lớn. Kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy, “vaccine” ung thư tiêm thử nghiệm cho 90 con chuột đã chữa khỏi hoàn toàn cho 87 con. Tỷ lệ thành công đạt 97%, khi các tế bào ung thư đã biến mất hoàn toàn. TS. Levy cùng các đồng sự đã chuyển sang giai đoạn thử nghiệm “vaccine” trên cơ thể người.

“Vaccine” chữa ung thư sẽ có trong 1 - 2 năm nữa?

Nghiên cứu “vaccine” chống ung thư của TS. Ronald Levy (bên trái) cùng các đồng sự nhận được sự quan tâm lớn.

“Đây mới là giai đoạn đầu và chúng tôi vẫn nghiên cứu về tính an toàn cũng như tìm cách làm cho nó tốt nhất có thể được. Chỉ một lượng rất nhỏ “vaccine” đã mang lại hiệu quả rất nhanh trên chuột, đặc biệt nó lại ít gây ra các tác dụng phụ như phương pháp hóa trị hay xạ trị, thời gian trị liệu rất ngắn và chi phí lại khá rẻ”, TS. Levy cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, “vaccine” chứa hai thành phần an toàn và chỉ gây sốt hoặc đau nhức ở vết tiêm. Cơ chế hoạt động của nó giống với việc tiêm vaccine để kích thích miễn dịch, theo đó, kích hoạt các tế bào T của hệ miễn dịch để loại bỏ các khối u trên khắp cơ thể. Nhưng “vaccine” ở đây khác với định nghĩa thông thường, theo đó, thay vì tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài, “vaccine” này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể để tấn công các tế bào ung thư.

Tại Mỹ, có khoảng 1,7 triệu người phát hiện nhiễm ung thư mỗi năm. TS. Levy trăn trở rằng: “Chúng ta đối mặt với một vấn đề vô cùng lớn là ung thư. Do đó, chúng tôi sẽ không bao giờ thấy hài lòng cho đến khi tìm được giải pháp và cách chữa trị cho tất cả mọi người”.

Nhóm nghiên cứu của TS. Levy đã tìm kiếm và kêu gọi những người mắc ung thư bạch huyết (ung thư máu) tình nguyện tham gia thử nghiệm “vaccine”. Theo đó, khoảng 35 bệnh nhân sẽ tham gia vào các thử nghiệm “vaccine” tổng thể. Việc điều trị cho mỗi người bệnh sẽ gồm một lần xạ trị liều lượng thấp và hai lần tiêm “vaccine” trong vòng 6 tuần. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về thời gian tiêm “vaccine” không được tiết lộ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sau khi thử nghiệm trên người, họ sẽ xin Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép và quá trình này có thể mất 1 hoặc 2 năm.

“Không phải liệu pháp tầm thường”

TS. Levy là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực trị liệu miễn dịch ung thư . Ông khẳng định: “Kích thích hệ miễn dịch chống lại ung thư là một trong những tiến triển gần đây nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư”.

Chuyên gia ung thư, TS. Michelle Hermiston, tại Đại học California, San Fransisco (Mỹ) cũng khẳng định: “Đây không phải là một liệu pháp tầm thường”.

Bài viết của TS. Nguyễn Hồng Vũ đăng trên website Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, cũng đề cập tới nghiên cứu “vaccine” chống ung thư của TS. Levy. Trong bài viết nêu rõ, phác đồ điều trị là việc tiêm trực tiếp “vaccine” vào khối u, với liều lượng rất thấp nên không gây phản ứng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Vaccine” chống ung thư gồm có 2 thành phần chính:

- Unmethylated CG–enriched oligodeoxynucleotide hay gọi tắt là CpG. Đây là một chất có khả năng gắn với thụ quang trong tế bào có tên là Toll-like receptor 9 (gọi tắt là TLR9). Việc gắn kết của chất CpG này lên thụ quang TLR9 sẽ đẩy mạnh sự hình thành một thụ quang khác tên là OX40 trên màng tế bào của tế bào miễn dịch T.

- Kháng thể Anti-OX40 (anti OX40 antibody): Đây là kháng thể có khả năng gắn kết đặc hiệu với thụ quang OX40 trên màng tế bào T ở trên để kích thích tế bào T này biệt hóa thành tế bào chống ung thư.

- TS. Nguyễn Hồng Vũ -

TS. Nguyễn Hồng Vũ cho rằng: “Hãy hy vọng!”, đồng thời giải thích cơ chế hoạt động như sau: “Việc tiêm hai thành phần trên trực tiếp vào một khối u bất kỳ trên cơ thể chuột đã giúp kích thích các tế bào miễn dịch trong khối u hoạt động. Các tế bào miễn dịch trong khối u sẽ bắt đầu nhận biết tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Hơn nữa, các tế bào miễn dịch này còn tiếp tục lan rộng ảnh hưởng ra toàn cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư di căn khác”.

Các nhà khoa học Đức cũng đã nhắc tới việc dùng “liệu pháp T-cell” làm “vũ khí” chống lại ung thư. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Helmholtz Zentrum Munchen (Đức), được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư: “Tế bào T có thể là “kho vũ khí” để chống lại tế bào ung thư. Nghiên cứu này có thể được mở rộng để điều trị trên cơ thể nhiều bệnh nhân và nhiều loại ung thư phức tạp hơn trong tương lai”./.

Theo VOV.VN

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast