Những "khoảng tối" trong bồi thường GPMB QL 1A đoạn qua Nghi Xuân

Khi dự án nâng cấp QL 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân được triển khai, đông đảo nhân dân trên địa bàn nơi có con đường đi qua đã chấp hành đúng chủ trương, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai thực hiện. Tiếc rằng, trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân đã có những việc làm “chẳng giống ai”, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân và dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài…

Nhiều dấu hiệu bất minh

Dự án nâng cấp QL 1A, đoạn qua các thôn 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), trong đó, có 248 hộ trong diện bị ảnh hưởng được bồi thường về đất đai và tài sản trên đất với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Sau khi tiến hành các thủ tục đo đếm, áp giá, từ ngày 5-8 đến 11-8-2011, Hội đồng

BTGPMB huyện Nghi Xuân đã tiến hành giải ngân cho 221 hộ với số tiền hơn 25 tỷ đồng, tập trung ở các thôn 8 và 9. 27 hộ còn lại ở các thôn 4, 5, 7… chưa chịu nhận tiền vì cho rằng, Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân lập hồ sơ áp giá đền bù chưa thỏa đáng, đặc biệt có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Một số nội dung chính nhân dân xã Xuân Lĩnh phản ánh về những bất cập trong quá trình đền bù GPMB của Hội đồng

Tuy cột mốc nằm giữa lòng mương nhưng hộ ông Hoàng Viết Minh - Thôn trưởng thôn 9 - vẫn được đền bù trên 500 triệu đồng
Tuy cột mốc nằm giữa lòng mương nhưng hộ ông Hoàng Viết Minh - Thôn trưởng thôn 9 - vẫn được đền bù trên 500 triệu đồng

BTGPMB huyện Nghi Xuân gồm: đất hoang hóa thuộc 2 thôn 9 và 10 được đền bù, nhưng không thu vào ngân sách địa phương mà lại chia theo khẩu? Đất màu thôn 1, 2, 6 tại nông trường, đất gieo mạ thôn 7 nay chuyển sang đất màu không được đền bù, trong khi đó, đất lưu không, đất hoang hóa thôn 9 và 10 lại được ưu ái đền bù? Hộ ông Hoàng Viết Minh - Thôn trưởng thôn 9, theo mốc GPMB đóng giữa lòng mương ngoài bờ rào, không ảnh hưởng đến đất vườn, tại sao lại đền bù trên 500 triệu đồng? Ngoài ra, còn có các kiến nghị khác yêu cầu làm rõ sự sai lệch giữa hồ sơ đền bù với thực tế diện tích đất và các công trình kiến trúc của một số hộ dân trên địa bàn…

Sau khi có đơn phản ánh của người dân, UBND xã Xuân Lĩnh đã chỉ đạo tổ tư vấn GPMB kiểm tra xác minh. Kết quả cho thấy, tổng số tiền thôn 9 đã nhận từ số diện tích đất hoang hóa, đất gieo mạ và các công trình, vật kiến trúc là 812.618.200 đồng. Nhận tiền về, ông Trưởng thôn Hoàng Viết Minh lấy 654.350.000 đồng chia cho 284,5 khẩu, mỗi khẩu 2,3 triệu đồng. Số còn lại, thôn trích 38 triệu đồng để chi cho hội đồng BTGPMB huyện và chi vào một số khoản khác. Còn đất hộ ông Minh, tổ tư vấn kết luận: Theo số liệu của Hội đồng BTGPMB huyện cung cấp, diện tích đất thiệt hại ban đầu là 301m2. Sau khi có đơn thư phản ánh đã kiểm tra lại, theo đó số diện tích này đã giảm xuống hơn 48 m2 so với ban đầu (còn 253,3 m2). Nhằm khắc phục những thiếu sót này, tổ tư vấn đã cho thu hồi khoản tiền 72.450.000 đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì kết quả này vẫn chưa chính xác.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND huyện Nghi Xuân đã tổ chức cuộc họp do ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện chủ trì tại trụ sở UBND xã xuân Lĩnh nhằm giải quyết những “thiếu sót” trên. Thành phần tham dự cuộc họp gồm các bí thư chi bộ và trưởng thôn. Ngay từ đầu cuộc họp, ông chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, kiêm Chủ tịch Hội đồng BTGPMB huyện đề nghị cho “nợ” 2 câu hỏi mà theo cách nói vui của ông là thuộc loại “câu hỏi xoáy”. Đó là đất hoang hóa sao không thu vào ngân sách mà lại đem chia theo khẩu và đất màu thôn 1, 2, 6, đất gieo mạ thôn 7 không được đền bù, tại sao đất lưu không, đất hoang hóa thôn 9, 10 lại được ưu ái đền bù?

Tuy nhiên, trong phần giải đáp kiến nghị khác trong những nội dung mà đơn thư nhân dân Xuân Lĩnh phản ánh, nhìn chung đều không thỏa đáng. Rất nhiều ý kiến của đại diện các thôn phản đối gay gắt, thậm chí nhiều người còn bỏ ra về vì cho rằng, huyện đã cố tình bao che cho những sai phạm trong quá trình áp giá đền bù GPMB QL 1A. Điều bất ngờ nhất là cũng chính tại cuộc họp này, trong phần giải đáp về các khoản chi tiền đền bù thôn 9. Do bị công kích quá mạnh, ông Trưởng thôn 9 Hoàng Viết Minh hùng hổ đứng dậy tuyên bố đã chi 38 triệu đồng gọi là tiền xăng xe cho cán bộ Hội đồng BTGPMB và một số khoản khác, chứ ông không hề tơ vương đồng nào! Không những thế, ông Minh còn yêu cầu ghi âm lời nói để làm bằng chứng, chứng minh cho sự trong sạch của mình.

Không chỉ thiếu công bằng mà tại cuộc họp này còn “lộ” ra rất nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch trong quá trình kiểm đếm, lập hồ sơ BTGPMB dự án QL 1A, đoạn qua xã Xuân Lĩnh. Ngoài ra, các ý kiến phát biểu cũng yêu cầu làm rõ việc Trưởng thôn Hoàng Viết Minh đã trích tiền “bôi trơn” cho những ai và đằng sau đó còn những khuất tất gì?… Phóng viên Báo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục điều tra, thông tin đến bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Tuy là mốc lộ giới nằm giữa lòng mương ngoài bờ rào nhưng hộ ông Hoàng Viết Minh vẫn được đền bù trên 500 triệu đồng.

Nhầm lẫn hay cố tình sai phạm?

Sai phạm trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) ở dự án mở rộng QL 1A tại Nghi Xuân nếu không bị dư luận “lật tẩy”, liệu chính quyền nơi đây có vội vàng cho thu hồi lại số tiền đã chi sai !? Nguyên nhân gì, khi mọi chuyện đã hai năm rõ mười mà không ai bị xử lý cũng như phải chịu trách nhiệm trước những việc làm đầy tắc trách của mình. Từ những băn khoăn đó, dư luận nghi ngại, các đối tượng liên quan về vấn đề này đã cố tình vi phạm chứ không phải nhầm lẫn…

Nhằm tiếp tục làm rõ những nội dung trong đơn thư khiếu kiện của các hộ dân ở Xuân Lĩnh về việc đền bù GPMB dự án quốc lộ 1A, UBND huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo UBND xã Xuân Lĩnh lập tổ công tác tiến hành xác minh các nội dung mà nhân dân phản ánh, khiếu kiện trong thời gian qua. Theo đó, ngày

25-11-2011, UBND xã Xuân Lĩnh có văn bản số 28/BCUBND, báo cáo công tác kiểm tra và xử lý các nội dung liên quan đến những khiếu nại của nhân dân.

Lý giải cho việc đất hoang hóa thuộc hai thôn 9 và 10 được đền bù, nhưng không thu vào ngân sách địa phương mà lại đem chia theo nhân khẩu, chính quyền xã Xuân Lĩnh cho rằng 9.319 m2 đất hoang hóa ở khu vực ven quốc lộ 8B thuộc 2 thôn 9 và 10 là của 11 hộ đã khai hoang, sử dụng trước ngày

1-7-2004 không có tranh chấp và hiện đã trồng các loại cây nên Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân bồi thường là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn Xuân Lĩnh thì việc đền bù này là không hợp lý bởi xã nói vùng đất này của 11 hộ dân nói trên là không có cơ sở.

Đại diện Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Nghi Xuân: Nguyên nhân dẫn đến những sai sót trên là do khối lượng công việc quá nhiều, trong khi đó tiến độ thời gian lập hồ sơ đền bù lại quá gấp nên đã gây áp lực cho cán bộ…Ảnh minh họa
Đại diện Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Nghi Xuân: Nguyên nhân dẫn đến những sai sót trên là do khối lượng công việc quá nhiều, trong khi đó tiến độ thời gian lập hồ sơ đền bù lại quá gấp nên đã gây áp lực cho cán bộ…Ảnh minh họa

Về nguyên nhân đất màu thôn 1, 2, 6 tại nông trường, đất gieo mạ thôn 7 nay chuyển sang đất màu không được đền bù, UBND xã Xuân Lĩnh giải trình: Năm 2009, khi xã tiến hành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 khu vực này không thực hiện chuyển đổi, UBND xã dự kiến đưa đất màu (tại khu vực này - PV) vào quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH của địa phương. Quá trình BTGPMB đất màu tại các thôn 1, 2, 6…chưa lập hồ sơ bồi thường nên chưa đền bù. Rõ ràng, với cách trả lời lập lờ, thiếu thuyết phục như thế này của chính quyền xã Xuân Lĩnh thì việc người dân thắc mắc, khiếu kiện là điều dễ hiểu. Hiện dư luận nơi đây đang nghi ngại và đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng đất hoang hóa dọc quốc lộ 8B thuộc thôn 9 và 10 được đền bù là vì liên quan đến lợi ích của một số quan xã. Còn đất màu thôn 1, 2, 6 tại nông trường, đất gieo mạ thôn 7 nay chuyển sang đất màu không được đền bù là vì số diện tích này của dân?! Cũng xin được nói thêm, nhằm trấn an dư luận, đồng thời khắc phục những bất cập trên, vừa qua, UBND xã Xuân Lĩnh đã triển khai họp dân xác định nguồn gốc, vị trí, diện tích số đất chưa được đền bù này để lập tờ trình gửi Hội đồng BTGPMB huyện tiếp tục đền bù cho nhân dân.

Xung quanh việc hộ ông Hoàng Viết Minh - Thôn trưởng thôn 9, theo mốc GPMB đóng giữa lòng mương ngoài bờ rào, không ảnh hưởng đến đất vườn vẫn được đền bù trên 500 triệu đồng, UBND xã Xuân Lĩnh thừa nhận là đã có thiếu sót. Qua đó, UBND xã đã cho kiểm tra lại và phát hiện số diện tích đất của gia đình ông Minh sai so với hồ sơ kiểm đếm ban đầu của Hội đồng đền bù huyện Nghi Xuân là 48,3 m2 và số tiền mà ông Minh nhận “nhầm” hơn 72 triệu đồng. Chưa thỏa đáng với kết luận này, người dân xã Xuân Lĩnh lại tiếp tục khiếu kiện. UBND huyện Nghi Xuân lại tiếp tục cho thành lập tổ liên ngành tiến hành xác minh, kiểm tra việc bồi thường đền bù của hộ ông Hoàng Viết Minh thêm một lần nữa. Và lần kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành lại phát hiện hơn 115m2 đất của ông Minh đã đền bù sai. Như vậy, tổng số tiền mà Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân đã chi sai cho hộ ông Hoàng Viết Minh qua hai lần “sửa sai” đã lên tới 245.925.000 đồng!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là trường hợp nhầm lẫn duy nhất, những sai sót kiểu thế này còn tái diễn rất nhiều trong quá trình đền bù GPMB dự án quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lĩnh. Chẳng hiểu do đâu, nguyên nhân gì mà quá trình tiến hành các thủ tục đền bù GPMB, Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân lại liên tục mắc lỗi từ việc đất lẽ ra được đền bù lại không đo đếm, áp giá; đất nằm ngoài mốc GPMB lại đem đi kiểm đếm đền bù; các công trình, vật kiến trúc cao hơn giá trị thực tế…?! Hệ lụy của những “nhầm lẫn” này là tổng số tiền mà Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân đã chi sai cho các đối tượng hơn 420 triệu đồng. Giải thích cho sự nhầm lẫn tai hại này, đại diện Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân bao biện: Nguyên nhân dẫn đến những sai sót trên là do khối lượng công việc quá nhiều, trong khi đó tiến độ thời gian lập hồ sơ đền bù lại quá gấp nên đã gây áp lực cho cán bộ…

Có thể nói, những lời giải thích như vậy của cán bộ chính quyền nơi đây chẳng thể làm người dân vừa lòng. Xin mượn lời ông Hà Văn Huệ - một trong những người dân Xuân Lĩnh bất bình trước những việc làm không mấy rõ ràng của Hội đồng BTGPMB huyện Nghi Xuân gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh, huyện Nghi Xuân: Những sai phạm trong quá trình BTGPMB dự án quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân, cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Bởi lẽ, nếu không có thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân, liệu những sai phạm trên có bị phơi bày? Do đâu mãi đến khi dư luận bất bình, người dân liên tục khiếu kiện, các thành phần liên quan trong sự vụ này mới vội vàng sửa sai bằng cách cho thu hồi lại số tiền đã chi trả sai?! Điều mà dư luận băn khoăn là đến nay, những sai sót đã “hai năm rõ mười”, tại sao không ai bị xử lý cũng như phải chịu trách nhiệm trước những việc làm sai trái của mình?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast