Khi đã thắp sáng ngọn lửa lòng…

Vậy là đã một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ những ngày bỡ ngỡ đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào Trường Đại học sư phạm Vinh. Nay Trường cũng như khoa Văn của chúng tôi vừa vặn 50 năm sinh thành. Dòng sông thời gian không ngừng không nghỉ chuyên chở theo con thuyền ký ức đầy ăm ắp..

Một trường Đại học đa ngành đa nghề lớn nhất miền Trung với những giảng đường rộng lớn, những ngôi nhà cao tầng, thư viện, nhà ăn, trung tâm thông tin…sang trọng và hiện đại không làm mờ phai trong chúng tôi hình ảnh của những ngôi nhà ngói đơn sơ, bãi cỏ rộng vừa là sân thể dục vừa chỗ chuyện trò tâm sự của những đôi trai gái, đôi bạn tri âm khi màn đêm buông xuống, ánh trăng non vừa nhô lên, đặc biệt là càng tô đậm trong chúng tôi hình ảnh của những ngày tháng sinh viên vô tư trong sáng, chan chứa yêu thương, đầy ắp nhiệt huyết và tràn đầy khát vọng.

Phải, mọi cái đều thay đổi, chỉ trừ ký ức. Cô sinh viên trẻ sáng nay trong bộ trang phục truyền thống mở đầu chương trình văn nghệ đã nói như vậy. Tất cả chúng tôi lặng người đi, nôn nao nhớ về kỷ niệm. Năm ấy chúng tôi vào trường cũng là lúc Khoa và Trường kỷ niệm 25 năm thành lập. Những giờ học đầu tiên, chúng tôi được các thầy Lê Bá Hán, thầy Nguyễn Xuân Đức, thầy Đạo, thầy Dương, cô Phương, thầy Hùng…… truyền đạt cho bao điều mới mẻ và niềm say mê. Tôi nhớ mãi lời thầy Lê Bá Hán nói về những toa tàu trong đoàn tàu luôn lao về phía trước, về sự trật tự và ngăn nắp của cuộc sống, bắt đầu từ chiếc va ly cá nhân. Biết chúng tôi mới vào trường nên thầy dặn dò kỹ lưỡng như thế, dù thầy chẳng phải là giáo viên chủ nhiệm. Nay thầy đã đi xa, tôi chỉ may mắn được gặp lại TS Lê Quang Hưng, con trai thầy, người đã viết kịch bản” Nước mắt của Đời thừa” dựa trên 3 tác phẩm của Nam Cao, được thầy Lợi dàn dựng cho khoá chúng tôi biểu diễn vào năm thứ 4. Tuy ngày ấy kỷ niệm 25 năm không sang trọng và quy mô như bây giờ nhưng cũng có cắm trại, xem biểu diễn văn nghệ, toạ đàm, tập múa…và chúng tôi đã cảm thấy vô cùng phấn chấn.

Khoá chúng tôi- 25 Văn hổi ấy ở trong những ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, nền xi măng cũ kỹ, chưa có bàn ăn, khi khiêng rá cơm và vài bát canh rau, bát nước chấm về phải đặt lên giường hoặc đặt ngay giữa nền nhà. Cơm ăn toàn bằng gạo tồn kho lâu ngày nên ăn ba bốn bát mà một chốc đã thấy đói. Cả tháng chỉ được vài bữa thịt mà phải chia miếng theo đầu người. Mấy dãy nhà năm sáu chục người chỉ được một bể nước và ba bốn buồng tắm dùng chung, vô cùng chật chội.

Nhưng không hề gì, tuổi trẻ cho phép chúng tôi thích ứng với mọi hoàn cảnh. Điều quan trọng là chúng tôi đã có những ngày vui tươi sôi nổi, hồn nhiên và vô tư. Ngay sau khi bước chân vào trường, sau bữa cơm chiều, chúng tôi đã tập múa hát chuẩn bị cho sinh hoạt câu lạc bộ dân gian. Những năm sau đó thì tự dàn dựng và biểu diễn vở ca kịch cải lương: “ Lam Sơn tụ nghĩa”. Hồi ấy thầy Nguyễn Xuân Đức làm chủ nhiệm Khoa mới đi nghiên cứu sinh ở Nga về, thầy có chủ trường đưa sinh viên đi thực tế nên từ năm thứ nhất, vào học kỳ II, chúng tôi đã đi Nam Đàn sưu tầm văn học dân gian. Để sưu tầm được nhiều, chúng tôi cũng phải ra ruộng với bà con và tối về thì tập hát phường vải. Sau chuyến này, tôi đã làm đề tài báo cáo được đánh giá xuất sắc.

Năm thứ 2 thì đi tuyên truyền văn hoá ở các xã thuộc huyện Can Lộc, mỗi cụm xã do một thầy giáo phụ trách. Chuyến đi này tôi và Hoài Thanh về Hậu Lộc, nhóm của thầy Đoàn Mạnh Tiến. Chúng tôi ngày đi nhổ mạ, gặt lúa giúp dân, tối về đốt đèn đi đến các xóm giúp đoàn thanh niên xã các hoạt động tập thể. Năm thứ ba, trước khi đi kiến tập ở thị trấn Nghĩa Đàn, chúng tôi lên Nông trường Tây Hiếu 2 tuần để lao động gây quỹ cho Khoa. Nông trường gần giáp giới vùng miền núi Thanh Hóa, vừa xa xôi, đường đi lại trơn tuột và quanh co. Khi thì đi bộ, khi bằng ô tô, có khi lại chở nhau từng đoạn bằng xe đạp.Ngày đầu tiên đến, tôi và Đạm ở trọ trong nhà anh chị công nhân nông trường có một đứa con nhỏ. Chiều hôm ấy, nhà bếp nông trường thiếu củi,chúng tôi phải lên núi đi tìm củi khô. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến chặt củi. Những ngày sau đó thì cuốc cỏ cà phê cho nông trường. Nói cuốc cỏ nhưng thực chất là dùng dao chặt những cành cây dại lớn. Công việc thật quá sức đối với con gái thành thị nhưng rồi chúng tôi cũng hoàn thành,. Tối đến là những giờ phút vui nhất, chúng tôi đã làm sôi động cả xóm công nhân bằng các bài hát, điệu múa, vở kịch. Trước lúc ra về, ban chủ nhiệm nông trường mổ hẳn một con lợn liên hoan.Sau đó chúng tôi sang Thị xã Thái Hoà kiến tập tại trường cấp 3 Nghĩa Đàn. Lại những ngày đi bộ hết đồi này sang núi khác để đến nhà học sinh, ăn cơm tối xong đã đi, trăng lên mới về.

Năm thứ tư thì đi thực tập ở các trường trong tỉnh. Những ngày đầu tiên được đứng trên bục giảng đầy lo âu và hồi hộp rồi cùng qua. Chúng tôi tập làm chủ nhiệm, dạy các em trên lớp, hướng dẫn các em lao động, tập văn nghệ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em. Tiễn chúng tôi ra về, từng đoàn học sinh khóc rưng rức. Bà chủ nhà cũng đi theo tiễn chân. Tôi nhớ mãi câu thơ của thầy Tự- giáo viên THPT Nguyễn Huệ viết tặng chúng tôi lúc chia tay: Trong em có một khoảng trời Kỳ Anh. Nhiều học sinh của Trường Nguyễn Huệ năm ấy chắc cũng không thể quên hình ảnh cô Huệ và thẩy Thắng ( Trịnh Ngọc Thắng, nay là Phó giám đốc Trung tâm đào tạo đại biểu Quốc hội thuộc văn phòng Quốc Hội) hồn nhiên nắm tay nhau múa bài: “Triệu triệu bông hồng” giữa sân trường trước hàng trăm học sinh và giáo viên.

Còn biết bao nhiêu kỷ niệm như lửa sưởi ấm lòng tôi. Đó là những giờ phút cô đơn vì xa vắng ngừơi yêu thương, những đêm thứ bảy ngồi thu mình một góc đọc sách, viết nhật ký, những đêm không ngủ, nằm mường tượng ra những điệu múa, rồi dậy một mình tự dàn dựng múa theo lời bài hát “Triệu triệu bông hồng”. 4 năm sinh viên, tôi đã thay 4-5 cuốn nhất ký. Và Thơ. Những vẫn thơ trong suốt nhưng sương mai đã đến với tôi trong những năm tháng đẹp nhất của thời con gái:

Những bài ca em hát

chiều sinh viên

nỗi buồn buông tím ngát

Giọt mưa nghiêng nốt nhạc

Âm thầm

Không gian nhoè giai điệu

ưu tư

Đây cùng là thời kỳ tôi viết được nhiều nhất. Có những câu thơ viết trong nỗi trăn trở về thế sự mà sau này nhiều người cho rằng, đọc lên cũng phải giật mình nhưng quả thật khi đó, tôi đã viết một cách rất tự nhiên:

Những trái tìm lần đầu đỏ lửa trong đêm

bao lo toan sắp đặt ban ngày dang dở

Hốc mắt lấp đầy ưu tư

Còn những bóng đêm đè lên giấc ngủ

và những tâm hồn trống trơn

Mòn cũ

ngủ quên sang ngày

Tôi đã viết như những gì mình có, mình nghĩ, vì với tôi, điều đáng sợ nhất không phải là cô đơn mà chính là sự nhàm chán, mòn cũ, trơ lỳ. Thà cô đơn, quằn quại trong những đổ vỡ còn hơn trơ lì vô cảm. Đặc biệt, nhiều bài thơ tình đã ra đời trong những năm tháng sinh viên, dào dạt cảm xúc, có chút đắng cay và nuối tiếc nhưng vẫn như lửa, đấy khát vọng và say mê. Phần lớn các bài đó sau này đã được tôi tập hợp in thành tập “ Cho em” xuất bản năm 1996:

Cho em tìm lại trong mắt anh

Một thời đã trôi qua như áng mây mùa hạ

Thời ấy em vô tư và ồn ào quá

Cơn mưa chiều làm mát ngọt môi em…

…Em ngỡ mùa thu, trời xanh hơn một chút

Khi tình anh thức em dậy ngỡ ngàng

Em ngỡ rừng thu lá vàng hơn một chút

Khi anh mang vầng sáng về trong em..

25 năm, ai cũng già đi với thời gian. Chỉ riêng ksy ức là trẻ mãi. Những dòng ký ức đẹp sẽ là ngọn lửa sưởi ấm chúng ta, giúp chúng ta vượt qua bao nhọc nhằn mỏi mệt của đời thường, để sống và để yêu thương…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast