Xã thay mặt tỉnh cấp phép khai thác mỏ

Theo quy định của luật khoáng sản thì thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc về UBND tỉnh. Thế nhưng tại Hà Tĩnh, một loạt xã đã thay mặt tỉnh đứng ra cấp mỏ.

Từ nhiều năm nay, cồn cát ven biển (người dân địa phương gọi là Truông Vùn) giáp ranh giữa 2 xã Thịnh Lộc và An Lộc huyện Lộc Hà trở thành trung tâm khai thác vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng ở TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Không ai có thể thống kê đã có bao nhiêu khối đất cát được đào lên chỉ biết rằng cồn cát cứ ngày một trở nên tan hoang.

Sẽ không có gì đáng nói nếu mỏ cát này được cấp phép theo quy định của pháp luật. Thế nhưng trên thực tế toàn bộ thủ tục cấp phép khai thác mỏ lại được cấp bởi UBND 2 xã Thịnh Lộc và An Lộc.

Cụ thể trong hợp đồng số 16 ngày 18/11/2008 giữa xã Thịnh Lộc với Công ty Hải Hà ghi rõ: “giao bãi cát cho Công ty TNHH Hải Hà với khối lượng 115.986 m3, cam kết đóng góp xây dựng địa phương với số tiền 1.507.818000 đồng, phương thức thanh toán bằng tiền mặt.”

Tương tự như vậy, UBND xã An Lộc ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Xuân Triều cũng để nhận về số tiền trên 1,5 tỉ. Ông Đặng Ngọc Thạch - chủ tịch UBND xã An Lộc phân bua: “biết rằng cấp phép sai nhưng vì xã cần tiền để xây trụ sở nên đành ký đại. Vả lại việc xã cấp mỏ đã nhận được sự đồng ý của UBND huyện Lộc Hà”

Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện vào khai thác đất tại xã Ngọc Sơn

Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện vào khai thác đất tại xã Ngọc Sơn

Tình trạng cấp mỏ tuỳ tiện cũng xảy ra tại xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc), xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà). Tại xã Ngọc Sơn, hàng chục ha đồi đất đã được xới tung dưới danh nghĩa hạ độ cao, hạ mặt bằng để phục vụ sản xuất. Chính quyền xã đã cho phép 4 tổ chức cá nhân tham gia vào cái gọi là “hạ mặt bằng” nhưng kỳ thực là đào đất đem bán. Mỗi ngày tại Ngọc Sơn có trên dưới 200 lượt xe ra vào chở đất.

Lẽ dĩ nhiên việc khai thác được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không tuân theo bất cứ một quy trình nào. Sự việc người dân xã Thạch Lưu huyện Thạch Hà đổ ra chặn đường tỉnh lộ 3 (mà báo Hà Tĩnh từng phản ánh) chính là lời cảnh báo về sự hoành hành của đội xe chở đất từ xã Ngọc Sơn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và băm nát nền đường.

Quá bức xúc vì phải hứng bụi triền miên, người dân Thạch Lưu đã tổ chức chặn giữ xe chở đất khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ

Quá bức xúc vì phải hứng bụi triền miên, người dân Thạch Lưu đã tổ chức chặn giữ xe chở đất khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ

Trong một kết luận gần đây của thanh tra môi trường thì việc làm của các xã đã vi phạm điểm b khoản 1 điều 56 ; các tổ chức cá nhân tiến hành khai thác đã vi phạm quy định tại khoản 1, điều 8 luật khoáng sản (sửa đổi) năm 2005…

Cho đến thời điểm hiện tại, một loạt xã tại Hà Tĩnh đã bị thanh tra môi trường và cảnh sát môi trường “thổi còi”. Số tiền đề nghị thu hồi do hưởng lợi trái phép lên đến gần 1,5 tỉ đồng.

Theo ông Trần Duy Trinh, trưởng phòng quản lý mỏ, sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh thì sở dĩ có tình trạng cấp phép bừa bãi nói trên là do lợi ích trước mắt dẫn tới chính quyền các xã ban hành nhiều quyết định bất chấp. Mặt khác các mỏ vật liệu xây dựng thường phân bố rải rác trên địa bàn dân cư, thậm chí nằm ngay trong chính vườn nhà dân. Điều này rất dễ bị lợi dụng nếu chính quyền cơ sở không thể hiện trách nhiệm cao trong với việc quản lý tài nguyên.

Ông Trinh khẳng định: ngành chức năng chỉ có thể hướng dẫn thủ tục, kiểm tra giám sát thực hiện chứ không thể thay mặt chính quyền quản lý tài nguyên trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast