Xẻ thịt cá nóc làm thực phẩm: Giỡn mặt tử thần!

Từ trước tới nay, đã có biết bao nhiêu cái chết từ việc ăn cá nóc. Vậy mà nhiều người dân vùng biển ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn bình thản xẻ thịt loài cá này làm thực phẩm.

Những cái chết thương tâm

Tôi có mặt tại bãi biển xã Cương Gián đúng lúc nhiều đoàn thuyền đánh cá trở về sau một đêm dài trên biển. Anh Nguyễn Văn Thanh, một ngư dân cho biết: “Cá nóc dễ đánh bắt, sản lượng cao. Chỉ cần cho thuyền chạy ra khoảng 4-5 hải lý có thể thu hoạch được chừng 200-300 kg, giá bán có lúc lên tới 3000đ/kg”.

Tại xã Cương Gián, từng xảy ra nhiều cái chết đau lòng do ăn cá nóc. Đó là trường hợp ở thôn Nam Mới, một người mẹ mua cá nóc về nấu cùng các con ăn, chỉ chưa đầy 30 phút sau hai cả hai mẹ con phải vào cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa huyện Nghi Xuân rồi tử vong.

Cá nóc được bày bán la liệt ở chợ Cổ Đạm (Nghi Xuân)
Cá nóc được bày bán la liệt ở chợ Cổ Đạm (Nghi Xuân)

Năm 2010, thuyền của hai anh em Lê Văn Hải và Lê Văn Trí ở thôn Song Phượng, bắt được con cá nóc nặng 1,5kg rồi làm thịt, rủ anh Phan Văn Thảo và anh Lê Văn Bắc cùng ăn. Hậu quả, cả 4 ngư phủ chân tay tê cứng, nôn mửa phải đi bệnh viện cấp cứu nhưng chỉ Lê Văn Bắc thoát được lưỡi hái tử thần, 3 người còn lại bị thiệt mạng.

Trước đó, vào năm 2005, tại thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, anh Nguyễn Hải Cường và Trần Thị Lợi, sau khi ăn cá nóc đã bị ngộ độc, tuy được xóm làng, bà con đưa đi cấp cứu nhưng không kịp, cả 2 vợ chồng đều tử vong, để lại 4 đứa con thơ dại trong cảnh côi cút, cháu lớn nhất chỉ mới 16 tuổi.

Giỡn mặt tử thần

Cá Nóc là loài có độc tố mạnh, thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong khá cao. Độc cá tập trung nhiều ở vùng gan, trứng và da. Khi trúng độc thường có biểu hiện: hệ thần kinh thì giãn đồng tử, liệt vị, dị ứng; hệ tiêu hóa thì nôn mửa, cơ bụng co cứng, đại tiện nhiều lần dẫn đến mất nước; hệ tim mạch thì mạch chậm, huyết áp hạ; cơ quan vận động thì đau khớp, đau mắt cá, tê mỏi chân tay… Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín, đặc biệt đến nay chưa có thuốc giải đặc hiệu khi bị ngộ độc.

Tại chợ Cổ Đạm, vào buổi sáng, cá nóc được các thương lái bày bán la liệt, đa phần họ mua của các thuyền chài ở các xã: Xuân liên, Cương Gián, Xuân Hội và mang đi các chợ bán.

Chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Song Hồng, xã Cương Gián, một người chuyên bán loại cá này cho biết: “Cá nóc có nhiều người mua, chỉ chưa đến 8 giờ trưa là bán hết sạch. Có người mua về cho lợn, cho vật nuôi nhưng cũng có người mua về để ăn”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao đã có nhiều người chết vì ăn cá nóc mà người dân ở đây vẫn ăn, ông Hồ Xuân Dâng ở thôn Song Hồng, xã Cương Gián trả lời hết sức hồn nhiên: “Chết là vì ăn phải con lớn, chúng tôi thường ăn con nhỏ thôi, khoảng 0,5kg trở xuống”. Một số người khác thì cho rằng: “Sống chết là do trời”, “Tui ăn từ trước đến nay mà có chết đâu”, hay “Ngon như thịt gà, không ăn là phí”… Những câu trả lời đại loại như vậy khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng đến lạnh cả sống lưng.

Cá nóc thường được người dân nơi đây chế biến theo nhiều kiểu như: luộc, kho, hấp sả, phơi khô, sấy… Nó được dân nhậu cho là món khoái khẩu vì thịt thơm, trắng và bùi, với biệt danh "gà biển". Chính vì thế, các món chế biến từ cá nóc thường xuất hiện trong thực đơn của những trai nhậu vùng bãi ngang này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạnh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Liên cho hay: “Năm nào cũng có trường hợp bị ngộ độc cá nóc, rất ít người có thể được cứu sống vì chỉ có phương pháp cho nôn mửa hết thức ăn và rửa dạ dày mà thôi. Cán bộ Y tế chúng tôi nhắc nhở bà con rất nhiều nhưng có người nghe, có người để ngoài tai”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast