Tháng Tư gọi miền nhớ

(Baohatinh.vn) - Vậy là tháng Tư đã về! Không chỉ qua tờ lịch mà còn cảm nhận được qua tiết trời thay đổi. Thời tiết chuyển dần từ những hạt mưa phùn lất phất của mùa xuân sang những sợi nắng vàng ươm của mùa hạ.

Tháng Tư gọi miền nhớ

Tôi thích gọi những ngày tháng Tư là hè non bởi nó là tháng bắt đầu của mùa hè. Ảnh Internet

Ánh nắng thỏa sức chiếu rọi khắp nơi, vạt nắng nằm phơi mình trên cánh đồng lúa bắt đầu đơm bông. Tôi thích gọi những ngày tháng Tư là hè non bởi nó là tháng bắt đầu của mùa hè.

Hè non về dẫn theo bao ký ức tuổi thơ của tôi ùa về, nhất là trong những ngày tháng Tư mà chúng ta cần ở nhà nhiều nhất để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trong tôi là cả miền nhớ khôn nguôi.

Tôi đón hè non vào một buổi sáng bên hiên nhà, nghe tiếng chim hót và miên man nhớ về những năm tháng tuổi thơ.

Tôi nhớ cụ của tôi những ngày tôi còn thơ bé. Tháng Tư về, tiết trời không còn lạnh giá, sáng sáng, cụ vẫn dậy sớm, đi bộ tập thể dục quanh làng, đánh thức tất cả con cháu, xóm làng dậy.

Cụ đánh thức cả ánh mặt trời sớm nhất, đánh thức luôn mấy con gà trống còn mơ ngủ trong chuồng dậy báo thức cho người dân. Cụ già rồi nhưng vẫn mạnh mẽ, quắc thước, duy chỉ có đôi bàn tay run run vì trước kia khi còn hoạt động cách mạng, cụ từng bị quân thù tra tấn bằng cách kẹp điện giật vào mười đầu ngón tay.

Tháng Tư gọi miền nhớ

Tháng Tư gọi miền nhớ... Ảnh Internet

Đôi bàn tay đó, gần một trăm mùa lá rụng qua đi mà vẫn muốn tự làm tất cả, không muốn phiền lụy gì con cháu. Cụ chẳng khiến đứa nào nấu cơm, giặt giũ. Dù không đành, con cháu cũng vẫn có thể an tâm với ước muốn “được lao động” của cụ.

Cây đại thụ đáng kính của gia đình, tuy đã gần trăm năm mà xòe rộng vòng tay che chở cho đám cháu con, vẫn là nơi tìm về của mấy thế hệ sau mỗi khi mệt mỏi, bế tắc. Cụ dạy bảo con cháu nhiều lắm về lẽ sống ở đời, về thiệt - hơn, được - mất.

Tôi nhớ những chiều hè ngày đó, khi mặt trời đã khuất sau rặng tre cuối làng, khi tiếng đôi chim cuốc đã cất tiếng “quấc quấc” gọi nhau bên bờ ruộng, chị em chúng tôi lại sang nhà cụ. Cụ đã ngồi đợi ở cầu ao từ bao giờ, hoa sen tỏa hương thơm ngát.

Gió chiều mát rượi. Ao sen trong vườn nhà tuy nhỏ thôi nhưng nước luôn đầy và trong vắt, mát lạnh. Ngày hè, cụ thích tắm ở đây. Cầu ao được làm đổ chạt, lát nhẵn, sạch sẽ. Cụ mặc chiếc quần đùi, đánh trần, ngồi trên bậc cao tắm. Chị em tôi, mỗi đứa một cái gáo dừa, có cán dài, đứng trên cầu ao, múc nước dội cho cụ, tiếng nói cười ríu rít.

Cụ nhìn mấy thằng cháu trai nhỏ cũng bắt chước mình, ngồi dưới bậc ao phía dưới, múc nước tắm rồi té nhau, cụ móm mém cười, đưa bàn tay run run vuốt chòm râu đã trắng như cước, dài tới ngực. Sau, cụ sẽ gọi từng thằng lên ngồi cạnh và kỳ cọ cho chúng.

Khi xong, chúng tôi sẽ chạy vào bể nước mưa múc thùng nước ra dội lại cho cụ và mấy đứa em. Một lúc sau, làn nước ao lại yên lặng thanh bình. Mấy chú cá cờ, cá rô sẽ bơi lại tung tăng gần cầu ao, chờ cụ mang ra vài hạt cơm nguội đáp cho chúng.

Tháng Tư gọi miền nhớ

Tháng Tư về vàng ươm đồng lúa... Ảnh Intrernet

Cứ nhắc đến hai tiếng hè non là lòng lại xốn xang đến lạ. Vừa lo lắng cho kỳ thi cuối năm lại vừa hý hửng đón hè về. Những giờ ra chơi, chúng tôi sẽ bàn nhiều về những dự định ngày hè: chăn trâu, cắt cỏ, tắm ao, thả diều…

Toàn những dự định lấm lem bùn đất mà hồ hởi, mà rôm rả thích thú y như những cô bé, cậu bé bây giờ háo hức bàn về những chuyến đi du lịch được bố mẹ thưởng sau một năm học dài.

Tháng Tư về vàng ươm đồng lúa, làm bừng lên nét cười rạng rỡ của mẹ cha tôi và cả những cô bác nông dân. Sau đó là mùa về, thóc phơi trên sân nhà vàng ruộm, rơm phơi trên đường làng vàng óng. Những hạt mồ hôi rịn ra ướt đầm lưng áo vẫn không ngăn được bao hăng say lao động.

Ngồi giữa tháng Tư này, tôi lại nhớ tháng Tư xưa. Tự nhiên nghe tiếng thở dài tận đáy lòng. Mong rằng, dịch bệnh nhanh qua để cuộc sống lại yên bình nhịp điệu như trước đây, để em thơ đến trường vui bên trang sách còn dang dở; để các bà, các mẹ lại thoải mái ngồi hóng mát dưới tán cây và kể cho nhau nghe bao chuyện buồn vui đã trải.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast