Châu Âu chạy đua bảo vệ huyết mạch năng lượng dưới đáy biển

Châu Âu đang dồn nỗ lực bảo vệ hệ thống đường ống khí đốt xuyên biển, bởi mọi sự cố xảy ra với chúng đều sẽ là thảm họa.

Tàu ITS Numana của hải quân Italy gần đây đang tuần tra trên một đường ống dẫn khí đốt từ Bắc Phi sang châu Âu thì thiết bị sonar phát hiện vật thể kim loại khả nghi.

“Đó là một nguy cơ rõ ràng”, hạm trưởng Gianluigi Barberisi nói. Vì vậy, con tàu đã hạ một robot xuống lòng biển, lặn sâu khoảng 200 mét để quan sát kỹ hơn. Vật thể khả nghi hóa ra chỉ là một cái bàn rỉ sét chìm dưới biển.

Trước đây, hải quân Italy không dành nhiều thời gian tuần tra các đường ống dưới đáy biển. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau ngày 26/9, khi các vụ nổ, dường như là hành vi phá hoại, khiến đường ống khí đốt Nord Stream ở biển Baltic bị xé toạc. Kể từ đó, việc bảo vệ các đường ống, mạng lưới điện hay trạm tiếp nhận khí đốt tới châu Âu đã trở thành ưu tiên an ninh hàng đầu trên khắp lục địa.

Châu Âu chạy đua bảo vệ huyết mạch năng lượng dưới đáy biển

Tàu ITS Alghero của hải quân Italy ngoài khơi đảo Sicily. Ảnh: WSJ.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moskva đã giảm dần xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, cho thấy nguy cơ của châu lục khi phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ, khí đốt Nga. Các vụ nổ tại đường ống Nord Stream, dẫn khí đốt từ Nga đến Đức, cho thấy một điểm yếu khác đối với châu Âu: Cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công.

Một số quan chức châu Âu nói Nga gây ra vụ nổ, nhưng Moskva phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng phương Tây đứng sau sự việc.

Bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là một nhiệm vụ đầy thách thức. Có hơn 9.600 km đường ống dẫn khí đốt xuyên qua vùng biển Na Uy và Địa Trung Hải cùng hơn 1.000 cơ sở dầu khí ngoài khơi ở vùng biển châu Âu.

Các nhà phân tích năng lượng và an ninh cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào vào chúng, giống như vụ nổ Nord Stream, sẽ mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, để khắc phục vì việc tiếp cận rất khó khăn và các đường ống dễ bị hư hại bởi nước biển.

Hải quân Italy đang liên tục rà soát các đường ống dẫn khí đốt cho quốc gia. “Chúng tôi đã tăng cường tuần tra trên và dưới mặt nước, huy động cả tàu ngầm có người lái, tàu ngầm điều khiển từ xa và lực lượng không quân”, đô đốc Giuseppe Cavo Dragone, tham mưu trưởng quốc phòng Italy, cho hay. “Đó không chỉ là việc phát hiện xem có điều gì xảy ra hay không, mà trên thực tế là hoạt động tuần tra ngăn mọi nguy cơ xảy ra”.

Hầu hết các nước châu Âu đều đang thực hiện những nỗ lực tương tự. Đôi khi, họ phải sử dụng lực lượng cảnh sát và quân đội vốn không được đào tạo cho những nhiệm vụ như vậy. Tàu chiến, tàu không người lái dưới nước (UUV) và máy bay quân sự đang tích cực tuần tra, kiểm tra các đường ống và giàn khoan ngoài khơi.

“Các vụ nổ tại đường ống Nord Stream là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Jens Wenzel Kristoffersen, trung tá hải quân Đan Mạch đồng thời là chuyên gia phân tích tại Đại học Copenhagen, nhấn mạnh. “Nếu coi các vụ nổ ở Nord Stream là một tín hiệu, thì nó đã đạt được mục đích cho thấy rằng chúng ta có thể bị tấn công ở mọi nơi, từ đường ống dẫn khí đốt đến trang trại điện gió”.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, 45% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) được nhập khẩu từ Nga, trong đó Đức và Italy là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất. Sau khi Nga giảm dòng khí đốt, các nước châu Âu đã gấp rút tìm kiếm nguồn cung khác như Na Uy, Algeria hay Mỹ. Hiện tại, khoảng 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vẫn đến từ Nga.

Châu Âu chạy đua bảo vệ huyết mạch năng lượng dưới đáy biển

Một sĩ quan Italy kiểm tra Pluto Plus, tàu thăm dò không người lái dưới nước, trước khi nó được hạ xuống biển. Ảnh: WSJ.

Một phần nhờ vào mùa thu ấm áp, các cơ sở lưu trữ khí đốt trên khắp châu Âu hầu hết đã đầy. Nhưng nếu tình trạng thiếu hụt khí đốt xảy ra trong mùa đông này, các quốc gia trong khu vực nhiều khả năng sẽ phải đối diện với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.

Các nhà kinh tế đã chỉ ra hai rủi ro chính với châu Âu: Một đợt lạnh kéo dài và một sự cố thảm khốc đối với đường ống dẫn khí đốt, cơ sở dự trữ hoặc các bộ phận quan trọng khác của cơ sở hạ tầng năng lượng. Những cơ sở này phần lớn không được bảo vệ, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương nhất.

Theo Hans Tino Hansen, giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Risk Intelligence, chuyên về những mối đe dọa hàng hải, trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch, các lực lượng vũ trang của châu Âu không có nguồn lực cần thiết để bảo vệ 100% cơ sở hạ tầng năng lượng.

Châu Âu cần có thêm nhiều nhân lực và thiết bị, như cảm biến lắp đặt trên các đường ống, để ngăn chặn những hành động phá hoại trong tương lai, Hansen lưu ý.

Anh đang mua thêm hai tàu giúp phát hiện các mối đe dọa với mạng lưới dây cáp hay đường ống dưới đáy biển. Chiếc đầu tiên sẽ được giao vào tháng 1/2023, trước thời hạn vài tháng.

Sau các vụ nổ ở đường ống Nord Stream, các lực lượng NATO đã tăng cường hiện diện trên cả biển Baltic và Biển Bắc, theo một quan chức của liên minh. Lực lượng phản ứng đa quốc gia Nhóm Thường trực Hàng hải NATO 1 đang có mặt ở biển Baltic.

Hải quân Đức, Anh và Pháp cũng đã tích cực giúp Na Uy bảo vệ các cơ sở hạ tầng như giàn khoan dầu, dây cáp và đường ống dưới nước. Đây là một nỗ lực do NATO điều phối.

Châu Âu chạy đua bảo vệ huyết mạch năng lượng dưới đáy biển

Quang cảnh nhìn từ tàu KV Tor tới nhà máy xử lý khí đốt Kollsnes gần Bergen, Na Uy. Ảnh: WSJ.

Tàu tuần tra KV Tor của lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy đã thay đổi tuyến đường tuần tra thông thường để đi qua các cơ sở dầu khí nằm rải rác bên bờ biển phía tây đất nước. “Chúng tôi sẽ giảm tốc độ, sử dụng ống nhòm và radar nhằm quan sát xem có điều gì bất ổn xảy ra hay không”, thuyền trưởng Jorgen Varpe Wallem tiết lộ.

Trên đất liền, lực lượng dự bị vũ trang gần đây thường xuyên canh gác bên ngoài nhà máy xử lý khí đốt Kollsnes và những cơ sở năng lượng khác. Các tàu bảo vệ bờ biển liên tục tuần tra quanh những giàn khoan ở Biển Bắc và các công ty Na Uy đang sử dụng UUV để kiểm tra đường ống dẫn khí đốt đến các khách hàng châu Âu.

Tại Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dòng khí đốt được vận chuyển từ Nga qua đường ống Nord Stream, chính phủ nước này cho biết cảnh sát đang tuần tra trên biển bằng trực thăng và tàu. Berlin cũng tăng cường an ninh cho các bến cảng xử lý khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi đang được xây dựng để tiếp nhận những chuyến hàng từ Mỹ và các nơi khác. Nếu chậm trễ đưa các cơ sở này vào hoàn động, Đức sẽ có nguy cơ rơi vào cảnh thiếu khí đốt và chính phủ buộc phải áp dụng chính sách phân bổ năng lượng theo định mức.

Johann Kuhme, cảnh sát trưởng thành phố Oldenburg, phía tây bắc Đức, chịu trách nhiệm tăng cường an ninh tại điểm trung chuyển LNG đang được xây dựng ở thành phố cảng Wilhelmshaven gần đó. Ông đã thành lập một đội chuyên trách bảo vệ cơ sở này.

“Điểm tiếp nhận LNG ở Wilhelmshaven có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn nước Đức trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng hiện nay”, ông nói.

Các công ty năng lượng cũng đang thắt chặt an ninh tại các cơ sở của họ. Astora GmbH, công ty vận hành cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất Đức ở Rehden, cho biết họ đã bố trí các chốt kiểm soát ra vào và tăng cường giám sát bằng camera.

Theo Lars Nordrum, phó giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy, mức độ cảnh giác, đặc biệt là xung quanh các đường ống của Na Uy, hiện rất cao. “Như chúng ta đã thấy với Nord Stream, những đường ống như vậy rất dễ bị phá hoại, đó là lý do NATO và các đồng minh tăng hiện diện quân sự xung quanh chúng”, Nordrum nói.

Châu Âu chạy đua bảo vệ huyết mạch năng lượng dưới đáy biển

Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: Guardian .

Đối với Italy, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các đường ống dưới nước vận chuyển khí đốt từ Bắc Phi và Azerbaijan. Hải quân Italy hiện có tàu săn mìn và các thợ lặn liên tục giám sát đường ống và cáp viễn thông dưới đáy biển.

Họ cũng đang xây dựng một cơ sở dữ liệu thể hiện vị trí chính xác của các vật thể dưới đáy biển đã được phát hiện, từ xô nhựa đến máy rửa bát hỏng. Kể từ khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ hồi cuối tháng 9, họ chưa phát hiện bất kỳ bằng chứng phá hoại nào.

“Điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra”, chuẩn đô đốc hải quân Riccardo Marchio, chỉ huy lực lượng săn mìn của Italy, nhấn mạnh. “Mức độ cảnh giác của chúng tôi đang rất cao, cao hơn bao giờ hết”.

Theo WSJ/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast