Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

(Baohatinh.vn) - Trước thực trạng người dân tự ý mở bến khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã “mạnh tay” dẹp bỏ các điểm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến sông trên địa bàn.

Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

Hương Khê có trữ lượng khoáng sản ở dưới lòng sông tương đối lớn.

Hương Khê là huyện miền núi nằm phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, có địa hình đồi núi chia cắt bởi nhiều khe, suối và có 3 con sông (sông Tiêm, Rào Nổ, Ngàn Sâu) chảy qua địa bàn 15 xã. Nhờ đó, trữ lượng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: cát, sỏi, cuội, đất san lấp, sét gạch ngói... tương đối lớn.

Đây cũng chính là “nguồn lợi" dồi dào cho một số hộ dân tự ý lập bến bãi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tình trạng này gây xói lở dọc hai bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và đất sản xuất của người dân.

Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên sông ở Hương Khê vẫn thường xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Quyền - Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: Nhằm quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 56 vụ, xử lý vi phạm hành chính với số tiền 75,6 triệu đồng; chỉ đạo tháo dỡ 12 bến khai thác cát trái phép tại các xã: Phúc Đồng, Hà Linh, Gia Phố, Hương Thủy.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số điểm tập kết cát ở xã như Hà Linh, Điền Mỹ vẫn tiếp tục vi phạm. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 6 bến cát tự phát trái phép, trong đó, 5 bến tại xã Hà Linh và 1 bến ở xã Điền Mỹ.

Các đối tượng chủ yếu khai thác lén lút vào ban đêm và các ngày nghỉ lễ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý” - ông Quyền cho biết thêm.

Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

Vì lợi nhuận, một số hộ dân trên địa bàn huyện Hương Khê tự ý lập bến bãi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Trước thực trạng trên, ngày 24/3/2020, huyện ban hành Công văn số 584/UBND-TNMT để chỉ đạo các địa phương trên tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi và đất san lấp trái phép trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp tổ chức lực lượng đào, phá dỡ các bến khai thác cát, sỏi trái phép trên sông.

Chủ tịch UBND xã Hà Linh Đặng Văn Cúc cho hay: Hiện tại, trên địa bàn có 5 bến đang hoạt động trái phép. Để xử lý dứt điểm theo tinh thần chỉ đạo của huyện, xã đã xây dựng phương án đào phá, tháo dỡ các bến khai thác cát trái phép trên địa bàn. Sáng ngày 28/3/2020, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng huyện đã huy động lực lượng cùng phương tiện máy đào ra quân dẹp bỏ tất cả các bến bãi vi phạm.

Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

Xã Hà Linh (Hương Khê) huy động lực lượng phương tiện dẹp bỏ các bến bãi khai thác cát, sỏi trái phép.

Cũng trong ngày 28/3, chính quyền địa phương xã Điền Mỹ đã tổ chức lực lượng ra quân xóa bỏ một điểm khai thác cát trái phép tại thôn 4. Xã đã tiến hành lập biên bản, ký cam kết đối với hộ dân vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm nếu tái phạm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Kỳ, việc xử lý các bến bãi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn là vấn đề được huyện đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm này, 6 bến bãi tái phạm đã được phá bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm, đòi hỏi các địa phương phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, không để tình trạng tái phạm tiếp tục xẩy ra. Mặt khác, huyện sẽ rà soát các xe vận chuyển cát sỏi trên địa bàn để kiểm tra và xử phạt khi không có giấy phép, nguồn gốc vật liệu theo quy định.

Hương Khê “mạnh tay” dẹp bỏ bến bãi khai thác khoáng sản trái phép

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt, phát hiện xử lý các trường hợp tái phạm.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương nào để xẩy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý thì chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ nhấn mạnh.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast