Những người "chữa bệnh"… giày dép!

(Baohatinh.vn) - Giày, dép đứt quai, nhả đế, bong tróc… là “bệnh nhân” của những người thợ sửa chữa giày dép ở góc chợ thành phố Hà Tĩnh.

Tầm mươi năm về trước, tôi đã thấy dì Lan cặm cụi mưu sinh bằng nghề sửa chữa giày dép ở góc chợ tỉnh. Sau này, khi nhiều thứ đã đổi thay thì dì Lan vẫn ngồi đó, vẫn lặng lẽ may da, dán đế phục vụ người có nhu cầu.

Những người “chữa bệnh”… giày dép!

Những người thợ sửa giày dép luôn cần mần, chăm chỉ như những "chú ong thợ"

Cũng từng khá nhiều lần đến để dì Lan “phục hồi chức năng” cho đôi dép bạn tặng hay đôi giày mẹ mua, nhưng chưa một lần tôi được diện kiến khuôn mặt của dì. Bởi rằng, khuôn mặt ấy được quấn bằng nhiều lớp khẩu trang, khăn, nón để tránh nắng, gió, bụi đường. Thế nhưng, đa phần khách hàng đến với dì Lan ngoài khả năng may, sửa đẹp, chắc chắn thì còn quý cái tình xởi lởi, vui vẻ của dì.

Có dịp ngồi ngắm dì Lan tỉ mẩn may, dán, tôi mới thấy, nghề nào muốn thành công và bám trụ được lâu dài cũng phải cần sự nghiêm túc và ít nhiều đam mê. Khách vội, giục làm nhanh, “được rồi đó chị, tàm tạm thế được rồi!”, nhưng dì Lan vẫn một mực “em chịu khó đợi một tí, chị mài vót cái đế thêm cho đẹp”. Không làm cho xong chuyện, dì Lan vẫn tỉ mẫn với công việc ngay cả với người khách dễ tính như thế này.

Những người “chữa bệnh”… giày dép!

Kim, chỉ, tấm lót... là những vật dụng cần thiết của những "bác sĩ" sửa giày

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ốt sửa giày dép Khánh Lan mở cửa từ rất sớm. Nghề này đến với vợ chồng chú dì cũng thật tình cờ khi chú bị tật ở chân, sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng; dì lại muốn được thường xuyên ở bên cạnh chồng để bầu bạn, giúp đỡ. Vậy là, dù có vất vả, thu nhập không cao nhưng nghề sửa chữa giày dép đã gắn bó với gia đình dì Lan đến nay đã ngót ngét 25 năm.

Đến sửa giày dép, đa phần khách hàng là công nhân, dân lao động nghèo vì những đôi dép của họ có giá bình dân, không bền chắc bằng những đôi “hàng hiệu” nên thường nhanh hỏng. Bên cạnh đó, có người vì "mê" đôi giày, dép mới "thửa" được, còn mới nhưng vẫn muốn dán đế, may quai cho chắc chắn để sử dụng lâu dài. Thế nên, nhiều khi được nhận sửa đôi giày da hàng chục triệu, dì Lan không tránh khỏi căng thẳng. Nhưng một lần, hai lần… và nhiều lần khác, tin tưởng vào tay nghề, người khách đó đã “chọn mặt, gửi… giày” ở ốt của dì Lan.

Những người “chữa bệnh”… giày dép!

Những đôi giày hỏng đang chờ được "tân trang" tại ốt của dì Lan

Vì là nghề “làm dâu trăm họ” nên cũng không tránh khỏi nhiều lần làm phật ý khách hàng. Trong giới sửa giày, nhiều lần những người như dì Lan cười ra nước mắt khi khách đưa đến những đôi giày không thể rách nát hơn và yêu cầu thành phẩm phải đẹp, chắc chắn. Thế nên, khi nhận được những “đơn hàng” này, những người sửa giày thường phải khuyến cáo trước với khách rằng, “ca này bệnh nặng”, chỉ “cứu” được chứ đẹp là việc khó có thể làm được…

Những người “chữa bệnh”… giày dép!

Thu nhập tuy không cao nhưng lại ổn định nên dì Lan vẫn bám trụ với nghề gần 25 năm và không có ý định chuyển đổi

“Nhiều người cứ tưởng nghề sửa giày, dép đơn giản và dễ ăn lắm. Chỉ cần chọn địa điểm thuận lợi, bày biện một cái tủ nhỏ, vài cái ghế nhỏ cho khách cùng kìm, kéo, keo và một miếng vỏ xe... là xong. Nhưng khi vào nghề rồi mới biết, cũng phải “đa đoan” lắm chứ chẳng đùa. Như vợ chồng dì, suốt ngày dầm mưa dãi nắng, sống ngoài chợ, vỉa hè, chúi mặt vào giày, dép cả ngày, chỉ rời ghế để ăn uống, chợp mắt. Nhưng bù lại, thu nhập ổn định, 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày nên đến tận mấy chục năm vẫn không có ý định chuyển nghề” – dì Trần Thị Lan chia sẻ.

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè hay mưa, gió lạnh buốt khi trời chuyển sang đông, những người thợ sửa chữa giày dép vẫn luồn từng mũi kim, sợi chỉ vào đôi dép cũ để kịp giao cho khách. Mỗi đôi giày, dép may trong khoảng 5 - 20 phút, tiền công chừng 10 - 30.000 đồng tùy loại khó hay dễ; sửa những lỗi nhỏ như đóng lại đế giày hay dán gót thì tiền công khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Với những lỗi nhỏ, chỉ cần dán keo thì dì thường... miễn phí.

Những người “chữa bệnh”… giày dép!

Hiếm khi thấy dì Lan cởi bỏ nón, khăn bảo hộ và cười thật tươi

Ở chợ thành phố Hà Tĩnh có tầm khoảng 10 người chuyên mưu sinh bằng nghề này, cũng có thu nhập ổn định mỗi ngày từ 200 - 250 nghìn đồng/người. Ngày nối ngày, những người thợ may giày, dép vẫn say sưa, cần mẫn như chú ong thợ chăm chỉ. Không phân biệt giày, dép của người sang trọng hay bình dân, rẻ hay đắt tiền… họ đều hết lòng chăm chút chỉnh sửa, để trả lại cho khách những sản phẩm đạt yêu cầu và an tâm nhận khoản tiền công, được đổi bằng chính công sức của mình.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast