Nuôi tôm vụ Xuân - Hè ở Nghi Xuân: Còn đó những khó khăn

Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có diện tích nuôi tôm khá lớn nhưng chủ yếu nuôi quảng canh cải tiến nên hiệu quả kinh tế chưa cao và thiếu tính bền vững. Hầu như năm nào cũng bị dịch bệnh đốm trắng tấn công, gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi trồng. Bước vào vụ nuôi tôm Xuân Hè năm nay, ngoài thuận lợi là sự vào cuộc quyết liệt của Huyện và các ngành chuyên môn thì Nghi Xuân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chỉ đạo quyết liệt

Thời điểm này, tại một số vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Nghi Xuân, người nuôi tôm đang tất bật bước vào vụ nuôi mới. Vùng nuôi tôm xã Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Yên, Xuân Trường… người dân thuê máy móc, trâu kéo cày ải, đắp bờ, rắc vôi bột cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho ngày xuống giống. Theo kế hoạch vụ tôm năm 2010, toàn huyện Nghi Xuân đưa vào thả nuôi 450ha diện tích mặt nước, trong đó tôm sú 300ha và 150ha tôm thẻ chân trắng với khoảng 45 triệu con tôm giống.

Kỹ sư Thủy sản Trịnh Quang Luật – Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Trước khi bước vào vụ nuôi tôm huyện đã phối hợp với Chi cục nuôi trồng thủy sản tổ chức cho nhiều hộ đi tham quan, học hỏi một số mô hình nuôi tôm hiệu quả ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu ( Nghệ An), Quảng Bình và khuyến cáo người dân mua con giống tại những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng. Sau đợt tham quan, hai hộ nuôi ở xã Xuân Phổ cũng đã mạnh dạn bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư nâng cấp từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi tôm công nghiệp với đắp bờ bằng đá bột vôi và trải bạt dưới đáy ao nhằm nâng cao năng suất, sản lượng tôm. Huyện còn tổ chức tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho tất cả các hộ nuôi trên địa bàn.

Người dân xã Xuân Phổ cải tạo ao đầm bước vào vụ nuôi mới
Người dân xã Xuân Phổ cải tạo ao đầm bước vào vụ nuôi mới

Đặc biệt, phương thức tập huấn năm nay được đổi mới. Ngoài nhận các tài liệu về kỷ thuật nuôi tôm, các hộ nuôi còn được thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi để cùng nhau rút kinh nghiệm. Qua đó, cũng đã đóng góp cho ngành Nông nghiệp nhiều thông tin bổ ích trong thực tế để triển khai chỉ đạo sát đúng và phù hợp. Một thực tế đáng buồn ở Nghi Xuân là người dân thường không chấp hành thả giống tôm đúng theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Có nhiều hộ thả giống trước một tháng với lý do sợ lụt tiểu mạn và thu hoạch tôm trước thời vụ để bán được giá cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh cho tôm. Vì vậy, vụ tôm năm nay huyện kiên quyết chỉ đạo các hộ nuôi trồng phải thả giống đúng lịch thời vụ. Thường xuyên cử cán bộ phụ trách xuống tận địa bàn kiểm tra, giám sát việc cải tạo ao đầm và thả giống, nhất là tại các vùng nuôi thường bị dịch bệnh đốm trắng. Theo đó, vụ nuôi tôm năm 2010, trên địa bàn huyện bắt đầu thả tôm giống từ đầu tháng 4 cho đến đầu tháng 5 và khuyến cáo chỉ nên nuôi một vụ trong năm.

Thiếu vốn đầu tư

Đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 60% diện tích các ao hồ được cải tạo, số diện tích còn lại người nuôi tôm chưa tiến hành được vì gặp phải một số khó khăn. Trong đó, khó khăn được xem là căn cơ nhất là thiếu vốn sản xuất, hệ thống mương nước xuống cấp, công tác kiểm dịch nguồn tôm giống chưa được chú trọng…

Ông Võ Văn Khang- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan cho biết: Hiện nay, vốn đang là vấn đề bức xúc của người nuôi tôm địa phương. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện rất dè dặt trong việc cho người nuôi tôm vay vốn, bởi lẽ hiệu quả từ nuôi tôm những năm gần đây đều “thất bát” do dịch bệnh, người nuôi tôm chưa trả hết nợ vay ngân hàng. Sau nhiều năm mất mùa liên tục do dịch bệnh các hộ nuôi tôm “cụt vốn” nên đầu tư nhỏ giọt, được chăng hay chớ. Một số hộ nuôi tôm trên địa bàn xã không đủ tiền để cải tạo ao đầm nên làm qua loa đại khái như kiểu nhắm mắt nhờ trời.

Cũng theo ông Khang thì việc đầu tư nuôi tôm như vậy sẽ không thể tránh khỏi dịch bệnh. Người nuôi tôm lại nợ chồng thêm nợ. Xã cũng đang tiến hành làm tờ trình gửi các cấp thầm quyền xem xét xóa nợ gốc hoặc khoanh dãn nợ cho người dân để họ có cơ hội tiếp tục vay vốn đầu tư. Không chỉ ở Xuân Đan mà ở Xuân Phổ một số hộ do thiếu vốn nên ao hồ phải để hoang nhiều năm nay. “ Cả vùng này 8 năm nuôi tôm thì 7 năm mất mùa nên người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Với diện tích 1 ha, lẽ ra đầu tư ít nhất cũng phải 30 triệu đồng để cải tạo ao hồ, nhưng không có vốn nên tôi chỉ đầu tư vài triệu đồng. Còn dăm bảy triệu tích góp, vay mượn được là để mua tôm giống và thức ăn”- một hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ cho hay.

Vôn đầu tư là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm Nghi Xuân. Ảnh minh họa
Vôn đầu tư là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm

Nghi Xuân. Ảnh minh họa

Một âu lo nữa của người nuôi tôm ở Nghi Xuân là nhiều khu vực nuôi tôm trên địa bàn huyện hệ thống thủy lợi phục vụ cấp thoát nước đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng không có kinh phí để được đầu tư sửa chữa. Con giống hầu hết phải mua từ các tỉnh khác về để đảm bảo chất lượng cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với vụ nuôi tôm năm nay ở Nghi Xuân. Bên cạnh những hộ nuôi tôm tuân thủ tốt việc kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả nuôi, thời gian qua trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hộ thả tôm giống chưa qua kiểm dịch vào nuôi.

Để nuôi tôm ở Nghi Xuân mang lại hiệu quả kinh tế, thiết nghĩ ngành NN- PTNT và huyện Nghi Xuân cần có giải pháp cụ thể cho từng vùng nuôi. Đặc biệt là các vùng nuôi ở xã Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Trường thường xuyên bị dịch bệnh có thể đưa các đối tượng mới vào nuôi hoặc chuyển sang nuôi xen canh, luân canh, nuôi sinh thái theo hướng bền vững… nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng cho tôm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast