Bác Hồ lẩy Kiều

(Baohatinh.vn) - Dẫu Bác Hồ chưa bao giờ thổ lộ với ai mình thích Truyện Kiều, thuộc bao nhiêu câu, hiểu được bao nhiêu điển tích nhưng những người từng sống và làm việc với Bác đều biết rằng, Bác không những mê Truyện Kiều mà tinh túy của Truyện Kiều đã thấm sâu vào tâm hồn Bác, như người bạn tri kỷ đi cùng Bác suốt cả cuộc đời.

Bác Hồ lẩy Kiều ảnh 1

Không ít người đã luyện thành kỹ năng lẩy Kiều, họa Kiều, vịnh Kiều khiến người nghe, người đọc đều ưa thích và đồng cảm. Bác Hồ cũng vậy, rất nhuần nhuyễn và linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ trong Truyện Kiều. Có rất nhiều tư liệu sinh động xung quanh Bác Hồ ứng tác Truyện Kiều.

Trong cuốn nhật ký Vừa đi đường, vừa kể chuyện, tác giả Trần Lâm nhắc lại: Vào năm 1929, khi Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, trên đường công tác vất vả, vào một đêm trời tối mịt mùng, xin ngủ nhờ tại một gia đình Việt kiều, Bác rất xúc động khi nghe chủ nhà hát ru con bằng lời hát ru của quê hương mình. Ngủ dậy, Bác ngẫu hứng đọc 2 câu thơ cho mấy người đang ngồi ăn cơm sáng nghe:

Xa nhà chốc mấy mươi niên

Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.

Ý ở câu thơ thứ nhất, Bác đã mượn từ trong Truyện Kiều, nguyên tác là: Chốc đà mười mấy năm trời/ Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

Ngay từ những ngày đầu ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có một tờ báo của tổ chức cộng sản ra đời và lưu hành nội bộ, Bác Hồ không những viết bài mà còn vẽ tranh biếm họa, làm thơ. Một hôm, Bác gửi đến cho bộ phận biên tập một bài thơ (trong đó, ghi chú thơ của vợ Trịnh Đông Hải gửi cho chồng đang đi làm cách mạng) vỏn vẹn 4 câu Đường luật:

Tóc thề đã chấm ngang vai thiếp

Lụy nhớ e chưa ráo mặt chàng

Thù nước, thù nhà chàng gắng trả

Việc nhà, việc cửa thiếp xin đương.

Đây là một bài thơ hay, khá chuẩn về niêm luật và nếu ai đã thuộc Truyện Kiều thì hiểu ngay Tóc thề đã chấm ngang vai được Bác trích dẫn từ Truyện Kiều, Bác chỉ thêm vào chữ “thiếp” cho đúng với thể thơ thất ngôn rất khéo léo. Người đọc có cảm tưởng như người thợ thiết kế ngôi nhà chọn được gỗ tốt.

Hàng chục bài thơ Bác Hồ kêu gọi toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến sáng tác rất kịp thời, giống như lời hịch cứu nước nhưng không mệnh lệnh mà nhẹ nhàng đi vào lòng người bằng cách tinh tế lẩy Kiều trong toàn bộ chủ đề. Những bài thơ này được bồi đắp ngôn ngữ của những câu Kiều, trong đó, nhiều người rất thích bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy:

Dòng sông lạnh ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo

Bốn bề phong cảnh vắng teo

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng

Thuyền về trời đã rạng đông

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

Đọc xong bài thơ này, dẫu Bác tả “bốn bề phong cảnh vắng teo” nhưng lại không thấy sự hiu hắt, buồn tẻ mà phong cảnh thật hùng vĩ, nên thơ: có cảnh vật trăng sao và âm thanh tiếng chèo thuyền nan “cót két”. Dầu tâm trạng của Bác Hồ trong lúc này Lòng riêng riêng những bàn hoàn (Nỗi riêng riêng những bàn hoàn/ Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn - Truyện Kiều) nhưng những người cách mạng không phải “ốm tương tư” mà lo canh cánh việc nước. Bác “bàn hoàn” bởi Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng. Tầm tư tưởng của vĩ nhân, sức nặng của bài thơ được toát lên từ câu thơ này.

Không chỉ trong thơ mà trong nhiều bài diễn văn quan trọng, trong giao lưu bạn bè quốc tế, Bác Hồ vẫn thường sử dụng lối diễn đạt bằng thơ từ Truyện Kiều. Cho đến lúc cuối đời, trong Di chúc, Bác Hồ vẫn căn dặn chúng ta:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Lời căn dặn đó được Bác lẩy từ trong Truyện Kiều: Còn non, còn nước, còn dài/ Còn về, còn nhớ đến người hôm nay.

Từ phương pháp sử dụng thơ trong Truyện Kiều của Bác Hồ càng cho ta thấy rõ Truyện Kiều là sản phẩm bất hủ, là giá trị văn hóa muôn đời của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast