Huy động hơn 11.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách phát triển đường thủy

Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt 45 dự án thủy nội địa cần huy động nguồn vốn từ xã hội lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.

Hiện đang có 45 dự án thủy nội địa cần huy động nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: TL
Hiện đang có 45 dự án thủy nội địa cần huy động nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: TL

Theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT Trần Văn Thọ, xã hội hóa công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy là cực kỳ cần thiết để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường thủy, “chia lửa” cho vận tải đường bộ. Hiện lĩnh vực đường thủy nội địa có 2 hình thức đầu tư là nạo vét tận thu và hình thức BOT. Với hình thức BOT đã khởi công tuyến Bình Lợi - Bến Súc dài 63km.

Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, Bộ GTVT đã phê duyệt 45 dự án BOT đường thủy nội địa cần huy động nguồn vốn từ xã hội lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. 45 dự án này có khả năng thu hút nhà đầu tư rất lớn.

Đơn cử như cửa Trà Lý (Thái Bình) có 2 nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí đầu tư với lượng than cung cấp cho nhà máy này một năm rơi vào khoảng 9 triệu tấn. Nếu vận chuyển từ Quảng Ninh mà đi theo tuyến sông Luộc thì rơi vào 280km. Tuy nhiên, dự án được đầu tư BOT đi theo tuyến ven biển theo cửa Trà Lý sẽ rút ngắn chỉ còn 140km, giảm thời gian lưu thông đồng thời phương tiện chuyên chở lớn hơn.

Chính vì vậy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang quyết liệt xây dựng các dự án, thuê tư vấn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục dự án để kêu gọi đầu tư xã hội hóa để cải tạo nâng cấp một số tuyến đường thủy, cửa sông và cảng.

Bên cạnh đó, "Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã làm việc với từng nhà đầu tư về các khâu chuẩn bị đầu tư phối hợp với nhà đầu tư thực hiện về cơ chế thu phí và đánh giá lại từng dự án để tìm nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như yêu cầu nhà đầu tư làm hết trách nhiệm của mình", ông Trần Văn Thọ cho biết thêm.

Theo Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast