Kinh tế HTX – yêu cầu khách quan của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM

Thực tiễn đã chứng minh, xu thế sản xuất của các “hộ nông dân nhỏ, tự chủ” ngày càng gặp nhiều khó khăn trong môi trường cạnh tranh. Vì vậy, việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, khuyến khích tăng quy mô sản xuất, thành lập các HTX là một yêu cầu khách quan của sự phát triển.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập,tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững

HTX kiểu mới.

Lão nông Lê Công Quang (ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) năm nay đã ngoài 60 tuổi. Đời lão đã từng 2 lần làm xã viên HTX. Lần thứ nhất vào năm 1978. Lần thứ 2 vào năm 2007. Theo lão, qua 2 lần làm xã viên HTX ở 2 thời kỳ khác nhau đã cho thấy sự khác biệt rất lớn. Lão kể: “Hồi đó (năm 1978-PV),các xã viên đội sản xuất Cẩm Thành – (nơi lão làm xã viên), lao động tập thể, ngày ngày kéo nhau thành đoàn ra đồng cày bừa, gặt hái, nghỉ giải lao, đều theo tiếng kẻng. Trên cánh đồng hợp tác cờ đỏ tung bay phần phật, khẩu hiệu giăng khắp các bờ ruộng, tiếng loa phóng thanh hò hát tưng bừng. Thế nhưng, làm ruộng theo cách “đánh trống ghi công”; quản lý tài sản, vật tư theo kiểu “cha chung không ai khóc”; ăn chia theo kiểu ghi công tính điểm chỉ được cái khí thế tưng bừng, hồ hởi nhưng năng suất thì lại rất thấp. Vì thế, nhà có 5 lao động khỏe mạnh mà vẫn đói quanh năm”.

Xã viên HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Cẩm Thành phát triển nghề trồng nấm cho thu nhập ổn định

Xã viên HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Cẩm Thành phát triển nghề trồng nấm cho thu nhập ổn định

Làm ăn hợp tác kiểu cũ “ghi công, tính điểm” vẫn không thôi ám ảnh lão. Vì thế, trong lần vào HTX thứ 2 (năm 2007), sau vài lần đắn đo, lão mới nộp đơn. “Nhưng lần này thì khác hẳn lần trước chú à” - lão Quang hồ hởi kể tiếp: “Tôi tham gia HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Cẩm Thành bằng việc góp vốn (1 ha đất ruộng và 10 triệu đồng), bằng nhân lực lao động (nhà có 9 lao động) và một số máy móc, tư liệu sản xuất khác. Những tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của mình. Nhờ vào HTX nên các khâu thủy lợi, giống, kỷ thuật canh tác đều được ban quản trị hợp tác đứng ra lo lắng, chịu trách nhiệm. Với 1 ha đất ruộng đó nhà tôi không những đủ gạo ăn quanh năm mà còn có để phục vụ chăn nuôi và bán. Ngoài làm ruộng, các thành viên trong gia đình còn tham gia những công việc do HTX tổ chức như: thu mua nông sản, làm nấm rơm, đóng gạch, khâu bóng…với thu nhập bình quân mỗi lao động 2 triệu đồng/tháng”.

Chị Trần Thị Mai trở thành xã viên HTX SX chế biến rượu nếp Khánh Lộc từ mô hình “Nhóm tương hỗ” của Hội Phụ nữ Hà Tĩnh. Với hoàn cảnh hết sức khó khăn (có 3 con nhỏ, chồng bị bệnh hiểm nghèo nằm liệt giường nhiều năm) nên tài sản duy nhất của chị Mai góp vào HTX là sức lao động. Công việc của chị là mỗi ngày nấu 10 lít rượu nếp nhập cho HTX và cùng tham gia một số công việc khác.

Khác với trước đây khi chưa vào HTX, muốn nấu rượu chị phải tự bỏ vốn (gạo, nếp) và khó khăn nhất là phải tự tìm nơi tiêu thụ, dù rượu chị nấu ngon có tiếng trong vùng. Nhưng từ khi có HTX ra đời 2 khâu này đã được bao tiêu. Đặc biệt, sản phẩm rượu nếp Khánh Lộc đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng bằng quy trình sản xuất hiện đại; tiếp thị, quảng bá bài bản. Sau 4 năm làm xã viên HTX, chị Mai đã thoát nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, HTX có 35 xã viên trong đó 20 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Năm 2010, tổng doanh thu HTX đạt hơn 2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân xã viên đạt 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của Liên minh HTX, đến nay, toàn tỉnh có 509 HTX với đủ các loại hình được thành lập và đi vào hoạt động. Doanh thu mỗi năm của khu vực kinh tế tập thể ước đạt 1.500 tỷ, giải quyết việc làm cho 2,5 vạn lao động, đóng góp trên 10 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Cần có cách nhìn đầy đủ về HTX

Mặc dù hiệu quả kinh tế của loại hình kinh tế HTX kiểu mới là điều không thể phủ nhận, nhưng nhiều người dân, nhiều cán bộ ở địa phương vẫn chưa mặn mà với việc thành lập HTX? Theo ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh thì điều cơ bản nhất cản trở việc hình thành lập các HTX là do mô hình hợp tác xã kiểu mới thực sự còn ít, nhiều người còn mặc cảm với mô hình HTX kiểu cũ của thời bao cấp. Đặc biệt, nhận thức một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên vẫn chưa hiểu đúng về bản chất của mô hình HTX kiểu mới, dẫn đến tình trạng vừa xem thường, vừa can thiệp, không đúng vào quyền tự chủ, tự quyết của từng hợp tác xã. Cá biệt có xã sáng lập viên rất tâm huyết để thành lập HTX nhưng lãnh đạo địa phương gây khó khăn trở ngại.

“Nhiều lần Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn việc thành lập HTX cũng như phổ biến các chính sách của nhà nước, của tỉnh dành cho HTX và mời lãnh đạo cốt cán của xã, huyện tới dự nhưng chỉ đến chưa được 50%” – ông Quế dẫn chứng.

HTX SXKD Rượu nếp Khánh Lộc giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng

HTX SXKD Rượu nếp Khánh Lộc giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng

Bên cạnh đó, một số địa phương đã có cái nhìn tích cực về HTX. Cấp ủy, chính quyền bắt tay vào chỉ đạo thành lập và cho ra đời các HTX hoạt động có hiệu quả như: Thạch Kim (Lộc Hà) 1 năm thành lập 4 HTX; Can Lộc phát triển thêm các HTX; thị trấn Kỳ Anh, Hương Khê, xã Trung Lễ (Đức Thọ) ra được Quỹ tín dụng nhân dân.v.v.. Nhiều xã đã trực tiếp phối hợp với Liên minh HTX để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới các HTX hoặc tiếp tục chuyển đổi để các HTX hoạt động có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Trọng Quế cho biết: điểm khác biệt cơ bản của mô hình HTX kiểu mới (theo Luật HTX năm 2003) là xã viên, người lao động trong HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác là những người có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất tự nguyện góp vốn, góp sức lao động, trí tuệ, kinh nghiệm kinh doanh tham gia vào HTX. Kinh tế tập thể không đối lập với kinh tế tư nhân mà là sự liên kết, hợp tác các hình thức sở hữu, các quyền sử dụng đất đai, tài sản, vốn, sức lao động với hình thức tổ chức thích hợp, sản xuất tập trung; giúp hộ xã viên giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tạo việc làm. HTX là tổ chức kinh tế hướng theo lợi nhuận khi tham gia thị trường, là tổ chức phi lợi nhuận khi hỗ trợ xã viên vì lợi ích của xã viên, do vậy HTX hội đủ giá trị kinh tế -xã hội và nhân văn phù hợp với tiến trình.

Tại những quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ, không những có HTX hoạt động mạnh, mà còn hình thành cả những liên đoàn, hiệp hội HTX. Các HTX đang là mái ấm của nhiều người lao động. Ở California, Mỹ, đang tồn tại những HTX phi cổ phần, muốn trở thành thành viên thì đóng phí hội viên, sau đó sẽ được nhận chứng chỉ hội viên và có quyền tham gia bỏ phiếu bổ nhiệm các chức vụ và tham gia biểu quyết về các chủ trương, quyết định của HTX. Hội viên sẽ nhận được số lượng cổ phiếu phổ thông nhất định tương đương với giá trị mà thành viên này đã đầu tư. Bên cạnh đó, các HTX cổ phần, phổ biến nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, các thành viên của HTX góp vốn vào bằng tiền mặt và các giấy tờ có giá trị có thể quy đổi thành tiền.

Nguồn: Liên minh HTX Việt Nam

Để đạt mục tiêu trong những năm tiếp theo, phấn đấu mỗi năm thành lập mới 40-50 HTX hoạt động đúng tính chất, nguyên tắc của Luật HTX, thu hút 80% nông dân trở lên tham gia các hình thức kinh tế HTX cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục, làm cho mọi người dân, đặc biệt là cán bộ chủ chốt hiểu biết hơn về bản chất mô hình HTX kiểu mới; vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế thị trường, trong xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường tâm lý cho HTX phát triển.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm, chỉ đạo, phân công cán bộ, đảng viên tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn góp vốn, góp công, có chính sách phù hợp, thì ở đó có phong trào HTX phát triển khá, làm ăn hiệu quả, nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast