Nhà báo nước ngoài cảm nhận về cái Tết đầu tiên ở Hà Nội

Đó là vào giữa những năm 1990, khi đó tôi chỉ mới đến Việt Nam một vài tháng. Tôi ở Hà Nội để dạy tiếng Anh cho các viên chức chính phủ và họ đã mời tôi ở lại Việt Nam để đón tết.

Tết Hà Nội luôn thắm sắc hoa đào

Những ngày cuối cùng của năm cũ, đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh những chiếc xe máy đèo theo những cây quất phía sau, là những cuộc bàn cãi ở chợ hoa nên chọn mua cây đào nào có thể nở hoa đúng vào ngày tết để mang lại may mắn và thịnh vượng cho cả năm.

Song những người bán hàng rong mới chính là điều hấp dẫn tôi nhất. Một điều mà tôi rất sành, ngay cả trong những ngày đầu ở Hà Nội, là thử các món ăn Việt. Vậy nên tôi đã có kinh nghiệm bốn năm viết blog về ẩm thực tại TPHCM trên trang blog noodlepie của tôi (http://www.noodlepie.com/).

Graham Holliday là nhà báo tự do người Anh, đồng thời là một tên tuổi khá quen thuộc trong giới blogger người nước ngoài tại Việt Nam với trang blog ẩm thực www.noodlepie.com. Anh từng sống tại một số nước khu vực Đông Nam Á trong mười năm qua, trong đó một nửa thời gian tại Việt Nam. Hiện anh sống tại Rwanda.

Tôi ăn bất cứ món gì, những món tôi có thể chạm tới như bún mắm, cháo lòng, tiết canh, bún ốc. Những món bạn có thể kể tôi đều nếm qua. Và tôi đưa lên blog tất cả hoặc gần như tất cả, tôi cho là vậy. Tôi mua đòn bánh chưng đầu tiên trong đời ở phố Tràng Tiền vào một buổi sáng lạnh cóng trước tết vài ngày. Đòn bánh rất nặng, được gói bằng lá chuối và buộc dây đỏ. Nó phải nặng đến 2 hoặc 3 kg như vậy là khá lớn cho một người ăn, nhưng tôi nghĩ mình đang ở Hà Nội vậy nên hãy làm những gì như người Hà Nội làm.Tôi đón giao thừa cùng với gia đình của một học viên tại Gia Lâm. Họ thết đãi tôi cơ man nào là thức ăn, những cuộc trò chuyện, một hai ly bia Hà Nội và tuyệt nhất là một chai Chivas Regal. Tôi được khuyên nên về nhà trước nửa đêm để tránh xui xẻo cho gia chỉ trong năm mới, mặc dù gia chủ rất tử tế khi nói rằng điều đó có thể không áp dụng cho người nước ngoài. Ngày tết ở Hà Nội yên tĩnh một cách bất ngờ. Thật ra đó là một trong số ít những lần tôi có thể nhớ trong bốn năm sống ở thủ đô khi đường phố không có tiếng xe gắn máy và tiếng còi xe ầm ĩ. Tôi mời vài người bạn đến để “tấn công” cái bánh chưng. Chúng tôi mở lớp gói lá chuối và nhìn thấy một tảng nếp với thịt heo, mỡ và đậu xanh.

Nhà báo nước ngoài cảm nhận về cái Tết đầu tiên ở Hà Nội ảnh 2

Bánh chưng không thể thiếu củ kiệu, dưa hành (ảnh st)


Chúng tôi cắt nó ra cắn một miếng. Tất cả đều nhăn mặt, đặt miếng bánh xuống và tự hỏi liệu có nhà hàng nào còn mở cửa hay không.
Chỉ đến sau tết tôi mới được mách rằng cách ngon nhất để ăn bánh là chiên lên và ăn với củ kiệu. Đó cũng là cách mà tôi đã ăn ngấu nghiến bánh chưng (và sau này là bánh tét) suốt từ đó, từ những cái bánh tét do bà chủ nhà tôi ở TP.HCM tự gói đến những cái bánh tét trong ngày tết ở Pháp - nơi tôi chuyển đến khoảng mười năm sau.

Hiện nay, tôi sống tại Kigali, thủ đô Rwanda. Ở Rwanda chưa có đại sứ quán Việt Nam và không có quán ăn Việt Nam nào. Tôi không chắc có thể tìm thấy bánh chưng ở đây, nhưng tôi và gia đình chắc hẳn sẽ nâng cốc vào dịp năm mới và nhớ về mười cái tết mà chúng tôi đã trải qua ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Chúc mừng năm mới !

- Theo báo Tuổi Trẻ Xuân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast