Lấy ý kiến dân về báo cáo nhân quyền quốc gia

Bộ Ngoại giao muốn lấy ý kiến của mọi người dân vào dự thảo Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam, dự kiến trình bày tại Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 1/2014.

Đây là báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kiểm điểm theo cơ chế này năm 2009, chấp nhận 96 trên tổng số 123 khuyến nghị nhận được.

Bản dự thảo là kết quả làm việc của 18 bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và Quốc hội có liên quan, báo cáo việc thực hiện các khuyến nghị của lần trước và cập nhật những diễn biến mới trên thực tế.

Ông Hoàng Chí Trung: Lấy ý kiến để báo cáo phản ánh sát tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ảnh: Việt Lan

Ông Hoàng Chí Trung: Lấy ý kiến để báo cáo phản ánh sát tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ảnh: Việt Lan

Báo cáo đề cập đến việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người gồm các quyền dân sự chính trị (quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền tự do hội họp, lập hội; quyền của người đang chấp hành án phạt tù; quyền được xét xử công bằng); các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đảm bảo an sinh xã hội; phát triển thị trường lao động, thúc đẩy việc làm; xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp; chăm sóc y tế, giáo dục) và quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (người cao tuổi; bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ; trẻ em; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số).

Phát biểu tại hội thảo tham vấn sáng nay (6/8) ở Hà Nội, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao, nhận định: Việc tổ chức lấy ý kiến là cơ hội để cùng trao đổi, đối thoại về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người, những thành tựu đạt được và những thách thức cần giải quyết, qua đó giúp báo cáo trở nên cân bằng, toàn diện và phản ánh sát với tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hơn.

Bên cạnh báo cáo chung của Chính phủ, cũng sẽ có những báo cáo độc lập từ các tổ chức phi chính phủ và dân sự về những chủ đề cụ thể hơn. Sau khi trình bày tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, sẽ nhận được những câu hỏi và khuyến nghị về nhân quyền từ các nước thành viên LHQ.

Độc giả VietNamNet có thể tham khảo nội dung dự thảo Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam tại website của Bộ Ngoại giao.

Theo Chung Hoàng/ Vietnamnet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast