Việt Nam, Trung Quốc thắng lớn trong thương mại với Mỹ?

(Baohatinh.vn) - Theo CNN, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc và Việt Nam đang nhìn thấy số dư tài khoản ngân hàng cũng như chất lượng cuộc sống tăng lên một cách đáng kể trong ba thập niên qua trong khi ở Mỹ, tình hình lại đang diễn biến ảm đạm. Liệu nguyên nhân có phải từ toàn cầu hóa và thương mại mà ra?

Thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, Việt Nam đang tăng nhanh hơn của người Mỹ (Ảnh minh họa: Getty Images)

Tầng lớp trung lưu của Mỹ đang phải quan ngại sâu sắc về vấn đề việc làm, tiền lương và tương lai của chính mình. Nhiều người đổ lỗi vấn đề này cho Trung Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 43% cử tri Mỹ tin rằng thương mại với các nước khác là một điều xấu và cũng không khó để hiểu lý do vì sao.

Toàn cầu hóa và thương mại tạo ra 2 thái cực giữa Mỹ và châu Á?

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ trong khi ở Mỹ, tình hình lại có vẻ ảm đạm hơn nhiều. Một gia đình Trung Quốc điển hình đang được hưởng cái gọi là “phép lạ châu Á” khi thu nhập của họ trong vòng 20 năm (1988 - 2008) tăng ở mức đáng kinh ngạc là 70%.

Trong khi với Mỹ và nhiều nước phát triển khác trên thế giới thì ngược lại, thu nhập của tầng lớp trung lưu ở các khu vực này chỉ tăng ở mức 4% trong cùng giai đoạn - nhà kinh tế học Branko Milanovic, tác giả của cuốn “Bất bình đẳng toàn cầu” (Global Inequality) cho hay.

Tăng trưởng thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Mỹ và Trung Quốc trong khoảng 1988-2008 (%) (Ảnh: CNN)

Để dễ hiểu hơn, một gia đình trung lưu Trung Quốc kiếm được khoảng 8.000 USD/năm, ít hơn rất nhiều so với khoản thu nhập của một hộ gia đình điển hình ở Mỹ, với 54.000 USD/năm, số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng người Trung Quốc lại đang giàu lên với tốc độ cực nhanh.

Hãng tư vấn quản lý McKinsey & Company dự đoán đến năm 2022, phần lớn tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc sẽ kiếm được từ 9.000 USD đến 34.000 USD/năm. Người Hoa cũng đang nắm lấy tất cả các “phụ gia” cần thiết để “chế biến” cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn: ăn uống ở bên ngoài nhiều hơn, đi du lịch ở khắp nơi trên thế giới và mua sắm những chiếc xe hơi mới.

Nếu so sánh với Mỹ, ngay cả với những người đã có công ăn việc làm ổn định, họ vẫn không thôi lo lắng về nguy cơ cứ “sẩy chân” một chút là dễ trở thành kẻ thảm hại về tài chính. Chi phí tăng lên nhưng các gia đình điển hình ở Mỹ chỉ kiếm được khoản tiền gần như tương tự như những năm thập niên 90.

Ông Milanovic cũng cho biết, Trung Quốc không đơn độc trong việc tận hưởng cái gọi là “phép lạ châu Á” ấy một mình. Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và các khu vực khác của châu Á cũng đang nhìn nhận thấy số dư tài khoản ngân hàng cũng như chất lượng cuộc sống của họ tăng lên đáng kể trong ba thập niên qua. Nhà kinh tế học này cũng chưa thể chứng minh rằng toàn cầu hóa và thương mại chính là nguyên do khiến tầng lớp trung lưu ở châu Á tăng trong khi ở Mỹ chững lại, nhưng ông cho hay đây là “một lý do rất chính đáng”.

Sự hấp dẫn của Donald Trump

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Khi tầng lớp trung lưu Mỹ đang tỏ ra thất vọng, họ bị cuốn hút bởi lời hứa hẹn của ứng cử viên tổng thống Donald Trump - người thề sẽ sửa chữa “các chính sách thương mại thảm họa của Mỹ” và đem việc làm từ Trung Quốc và Mexico về cho người dân nước này.

Theo nghiên cứu của PEW, hơn 65% số người ủng hộ ông Trump nghĩ rằng tự do thương mại thực sự là vấn đề.

“Vấn đề của thương mại là người thua biết là mình đang thua nhưng người thắng không biết rằng họ đang chiến thắng” – nhà kinh tế Veronique de Rugy thuộc Trung tâm Mercatus của đại học George Manson cho hay.

Nhiều quốc gia được hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, thậm chí có cả Mỹ, nhưng câu chuyện phức tạp hơn nhiều, nhà kinh tế này nói thêm.

Nghèo đói toàn cầu đang giảm đi

Đói nghèo toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên, ít hơn 10% dân số thế giới hiện đang sống dưới mức rất nghèo, với ít hơn 1,9 USD/ngày, theo WB. Đây là một thành tích lớn và được ca ngợi nhiều trong giới chính trị.

Vì vậy, trong khi phần đa người dân ở các nước đang phát triển có vẻ như đang hưởng lợi từ toàn cầu hóa (ngoài những người cực kỳ nghèo, đặc biệt là ở châu Phi), kết quả khảo sát ở Mỹ có thể thay đổi quan niệm trên bởi tùy thuộc vào mức độ giàu, nghèo của bạn.

Cụ thể, theo nghiên cứu của ông Milanovic, những người giàu ở Mỹ hiện đang hưởng thu nhập từ 80.000 USD/năm trở lên, chứng kiến số tiền họ kiếm được tăng từ 30% đến 60%. Trong khi, tầng lớp trung lưu và người nghèo ở nước này hầu như không nhận được bất cứ lợi ích nào.

(Theo CNN)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast