Phút "cúi đầu" của người lính Nga cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân

Thế giới có thể bị hủy diệt bởi thảm họa hạt nhân nếu không nhờ quyết định sống còn của người lính Nga Vasili Arkhipov cách đây hơn 50 năm.

phut   cua nguoi linh nga cuu the gioi khoi tham hoa hat nhan

Vasili Arkhipov. Ảnh: Global Reseach

Theo India Times, cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba tháng 10/1962 có thể đã trở thành 13 ngày tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Đây là một tình thế đối đầu gay cấn giữa Mỹ và Liên Xô trong lúc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào. Nguyên nhân xuất phát từ việc Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba, cách bờ biển Florida, Mỹ, hơn 150 km. Căng thẳng leo thang nhanh chóng tới mức đẩy Chiến tranh Lạnh đến bờ vực bùng phát thành một cuộc chiến tranh nguyên tử.

Năm 1961, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đồng ý bí mật đặt các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba nhằm đối phó với phương Tây. Đến tháng 10/1962, một máy bay trinh sát Mỹ phát hiện những tên lửa cùng nhiều cơ sở đang được xây dựng ở đây. Tổng thống Mỹ khi đó, ông John F. Kennedy, quyết định ra lệnh phong tỏa Cuba nhằm ngăn Nga tiếp tục vận chuyển vũ khí đến quốc gia này. Kennedy cũng yêu cầu Khrushchev gỡ bỏ các khí tài đã triển khai. Căng thăng lên tới đỉnh điểm. Thế giới nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Trước 42 tên lửa Liên Xô hướng về phía mình, để ứng phó, ông Kennedy cung cấp cho các đồng minh Mỹ đầu đạn hạt nhân. Tên lửa hạt nhân đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có thể bắn trúng Moscow trong chưa đầy 16 phút. Liên Xô cũng không chịu thua kém. Họ đưa hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân.

Quyết định cứu cả nhân loại

phut   cua nguoi linh nga cuu the gioi khoi tham hoa hat nhan

Khoảng cách từ nơi đặt hệ thống tên lửa Liên Xô ở Cuba tới các thành phố lớn của Mỹ. Ảnh: history.com

Vasili Arkhipov sinh năm 1926 trong một gia đình nông dân nghèo ở thị trấn nhỏ Staraya, gần Moscow. Ông gia nhập quân ngũ khi mới 16 tuổi, thời điểm Thế chiến II sắp kết thúc. Sau khi tốt nghiệp Trường Hải quân năm 1947, ông phục vụ trên các tàu ngầm thuộc Hạm đội Biển Đen, Phương Bắc và Baltic của Liên Xô.

Arkhipov được bổ nhiệm làm phó chỉ huy tàu ngầm B-59. Đây là một trong 4 tàu ngầm tấn công nhận lệnh đến Cuba vào ngày 1/10/1962. Con tàu mang theo 22 ngư lôi, mỗi ngư lôi là một bom nguyên tử có sức công phá tương đương quả bom Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II. Thuyền trưởng cả 4 tàu được phép khai hỏa ngư lôi hạt nhân nếu quan chức chính trị đi cùng đoàn đồng ý.

Mỹ không hay biết gì về đội tàu ngầm Nga. Ngày 24/10, họ bắt đầu tiến hành chiến dịch phong tỏa hải quân. Mỹ thậm chí không ngại bắn cảnh cáo, buộc các tàu ngầm đối phương ngoi lên khỏi mặt nước.

Về phía Liên Xô, họ không có cách nào liên lạc với tàu ngầm. Vì chúng hoạt động sâu dưới đáy biển nên tín hiệu radio không thể phát tới. Ngày 27/10/1962, hải quân Mỹ phát hiện và bắn cảnh cáo tàu ngầm B-59 Liên Xô. Con tàu này đã di chuyển liên tục trong khoảng một tháng và gần như không kết nối với thế giới bên ngoài.

Mệt mỏi và thiếu thông tin, ông Valentin Savitsky, thuyền trưởng tàu, nghĩ rằng chiến tranh hạt nhân đã nổ ra. Ông muốn khai hỏa ngư lôi. Lúc ấy, chỉ có hai người đủ thẩm quyền phủ quyết là phó chỉ huy và quan chức chính trị trên tàu. Vasili Arkhipov đã lên tiếng phản đối.

Ông cố gắng thuyết phục thuyền trưởng rằng hiện tàu chưa nhận được tin tức từ Moscow và một hành động cực đoan như thế có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc. Arkhipov muốn tàu ngoi lên, liên lạc trực tiếp về Moscow để tìm kiếm lời khuyên. Sau một hồi tranh luận nảy lửa, tất cả mọi người cuối cùng cũng đồng tình với đề xuất của ông. Phía Mỹ yêu cầu tàu ngầm Liên Xô quay trở về. Cả đoàn không phản đối bởi tàu ngầm của họ cũng đang gặp vấn đề kỹ thuật.

Nhiều người nói hành động của thủy thủ đoàn tàu B-59 là hèn nhát bởi về lý thuyết, họ đã đầu hàng Mỹ. Tuy nhiên, đối với bà Olga, vợ Arkhipov, ông luôn là một anh hùng.

"Người đàn ông đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân là một thủy thủ tàu ngầm Nga. Ông ấy tên Vasili Arkhipov. Tôi đã và sẽ luôn tự hào về chồng mình", bà chia sẻ.

Theo cây bút Rishabh Banerji từ India Times, dù một số người có thể coi việc làm của Arkhipov và thủy thủ đoàn tàu B-59 là sự khuất phục trước Mỹ nhưng rõ ràng quyết định mà họ đưa ra vào cái ngày định mệnh ấy đã thay đổi hoàn toàn lịch sử nhân loại. Đây là ví dụ rõ nét nhất về lòng dũng cảm. Hành động "cúi đầu" của Arkhipov đã cứu cả thế giới.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast