Chính quyền thiếu quyết liệt, người dân thờ ơ!

(Baohatinh.vn) - Trong vòng hơn 1 năm, từ 4 cơ sở, đến nay, toàn tỉnh đã có 31 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đi vào hoạt động. Việc này đã hạn chế dần tình trạng giết mổ nhỏ lẻ “phát tán” rộng rãi như những năm trước, đồng thời, kiểm soát tốt hơn về an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Dẫu vậy, câu chuyện quản lý vẫn còn lắm gian nan...

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm:

Chính quyền thiếu quyết liệt, người dân thờ ơ! ảnh 1
Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco công suất 500 con/ngày đi vào hoạt động từ tháng 7/2014

Thiếu quyết liệt…

Con số 31 trong tổng số 41 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo kế hoạch thực tế là đã đạt từ giữa năm nay, sau chưa đến nửa năm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Thậm chí, nhiều địa phương đã khép kín công tác quản lý giết mổ khi hoàn thành 100% chỉ tiêu, như: Cẩm Xuyên (6/6), Thạch Hà (6/6), Hương Sơn (3/3). Tất nhiên, tỷ lệ giết mổ tập trung ở các địa phương này cũng đạt cao, từ 80-100%.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 153/247 xã, phường có người hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh vào lò tập trung. Theo đó, kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm được 74% đối với trâu bò, 56% đối với lợn và 57% gia cầm. Tuy nhiên, công tác kiểm soát giết mổ, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không đồng đều giữa các địa phương; nhiều nơi do thiếu sự quyết liệt của chính quyền các cấp nên kết quả còn nhiều hạn chế”.

Cơ sở giết mổ tập trung xã Song Lộc (Can Lộc) sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, những gì còn lại chỉ là cảnh hoang vu, vắng lặng. Mọi thứ đã trở nên mốc meo, bụi bám vì không có bóng người. Đổ 700 triệu đồng vào đầu tư nhưng cơ sở này chỉ “lay lắt” được vài tháng trước khi đóng cửa hoàn toàn. Mặc dù hàng ngày, cảnh chở gia súc của tể lô vẫn “rôm rả” trong xã.

Bà Đào Thị Mai - chủ cơ sở cho biết: “Tôi quản lý 2 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi tại TX Hồng Lĩnh vẫn diễn ra đều đặn 15 năm nay với công suất gần 40-45 con lợn và 1 con bò mỗi ngày thì ở đây lại trở thành… đồ bỏ đi”. “Của đau con xót”, bà Mai đành ngậm ngùi duy trì hoạt động, dù chẳng có khách hàng nào ghé thăm nhưng vẫn phải “tặc lưỡi”: “Thôi thì giữ lấy đầu tư” bằng việc thuê bảo vệ trông coi.

Có điều, do gánh nặng lãi suất, áp lực xã hội đã khiến bà gần như buông xuôi. “Đã nhiều lần tôi gõ cửa chính quyền, bao nhiêu cuộc họp diễn ra, thương lượng có, tuyên truyền có nhưng đâu lại vào đấy, lò vẫn trống không, tể lô vẫn giết mổ nơi khác!”. Vẫn biết, để công tác quản lý giết mổ đi đúng “đường ray” không hề dễ dàng. Nhưng sự bất lực kéo dài từ năm này qua năm khác lại là vấn đề khác, chẳng lẽ sức mạnh của chính quyền không đủ để buộc một bộ phận tể lô chỉ mấy chục người? Hoặc chính quyền địa phương, cơ quan thú y địa phương đang “giẫm” phải chính “cái vòng” mà mình đã vẽ ra, khảo sát quy hoạch vùng giết mổ tập trung không phù hợp với thực tiễn?

Không đến nỗi như ở Song Lộc, nhưng tình trạng hoạt động không đủ công suất không phải hiếm. Đó là Kỳ Lâm - Kỳ Anh (33%); Đồng Lộc (29%), Vĩnh Lộc - Can Lộc (36%); Đức Dũng, Đức Nhân (Đức Thọ)… Nguyên nhân chính là do các địa phương này chưa khép kín được quy hoạch, tạo lỗ hổng để người hành nghề giết mổ vẫn có thể hoạt động ngoài vùng. Trong khi đó, chế tài xử phạt thiếu nghiêm minh khiến người vi phạm không nhận thấy hết trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Hiện nay, Vũ Quang chỉ có duy nhất một điểm giết mổ tập trung tại thị trấn Vũ Quang sắp hoàn thành. Quy mô 30-70 con/ngày, tuy nhiên, địa bàn miền núi, việc đi lại khó khăn, cách trở, vì vậy, rất khó để lò hoạt động hết công suất”.

Yếu về nhận thức

Trở lại vấn đề giết mổ tập trung, mục đích chung vẫn là kiểm soát, quản lý công tác giết mổ và chất lượng ATVSTP. Qua tìm hiểu cho thấy, tiêu chí này quá trừu tượng khi ở các lò tập trung này, vấn đề vệ sinh thú y, môi trường và truy xuất nguồn gốc còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở không đảm bảo hệ thống biogas, khu xử lý chất thải rắn, diện tích cơ sở nhỏ, 100% gia súc đưa vào giết mổ không có giấy chứng nhận tiêm phòng và giấy xác nhận của cán bộ thú y cấp xã tại nơi có gia súc đưa đến cơ sở giết mổ. Vấn đề này không hoàn toàn là trách nhiệm của nhà quản lý mà còn ở người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng chưa đặt vấn đề ATVSTP lên hàng đầu thì không thể có sự phận định giữa thịt sạch - thịt “bẩn”.

Cứ vào chợ hay thậm chí là một chiếc xe đẩy bên vỉa hè thì rõ, chủ yếu người ta chỉ quan tâm miếng thịt có tươi, rẻ không, còn chẳng mấy ai ngó qua dấu của cơ quan thú y nói gì đến chuyện tìm hiểu quy trình giết mổ ở đâu, diễn ra như thế nào. Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu tỉnh xây dựng tiêu chí đánh giá về điều kiện vệ sinh thú y nhằm nâng cao chất lượng ATVSTP trong giết mổ. Vấn đề khó nhất hiện nay là truy xuất nguồn gốc, sự vào cuộc thiếu quyết liệt ở cơ sở dẫn đến người chăn nuôi trốn tránh việc tiêm phòng cũng như xác nhận của cơ quan chuyên môn địa phương về nguồn gốc gia súc”.

Người tiêu dùng thờ ơ với sức khỏe của chính mình, người chăn nuôi, hành nghề giết mổ vì lợi nhuận trước mắt không tuân thủ quy trình là những yếu tố cộng sinh khiến công tác kiểm soát, quản lý giết mổ chưa thực hiện theo đúng lộ trình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast