Nhớ lại những ngày đầu đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pa-ri

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tin ngừng bắn loan khắp chiến trường Miền Nam trong đó có phòng tuyến Quảng Trị kéo dài từ Triệu Vân, Triệu Trạch đến Hải Lệ rồi vào tận Mỏ Tàu, Li Bi, Bạch Mã (Thừa Thiên).

Đó là vòng tuyến bên ngoài, còn nếu giữ nguyên hiện trạng “thế gia báo” thì Nam Triệu Phong và Hải Lăng được gọi là “khu lõm” quân ta đều chốt giữ và cắm cờ phân tuyến rợp trời. Hễ ai đến nhổ cờ, chiếm đất là súng nổ, đầu rơi và máu chảy. Đấy là chưa kể chiến dịch “sóng thần”, quân địch cho các lữ đoàn dù, thủy quân lục chiến (TQLC), các đơn vị địa phương quân cùng xe tăng, pháo binh ồ ạt xông ra đánh chiếm Cửa Việt, bị quân ta đánh cho tơi tả, phải vất cả xe tăng, xác chết và lính bị thương mà bỏ chạy.

Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris (Ảnh tư liệu: BNG)
Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris (Ảnh tư liệu: BNG)

Sau những trận huyết chiến ở Thành Cổ và những xã nam Triệu Phong và huyện Hải Lăng, con người từ hai phía đều đã ớn lạnh từ những trận bom pháo khủng khiếp, những trận giáp la cà mà người cả đôi bên đều không muốn. Khi nghe tin “hòa bình”, từ dưới các chiến hào lỏng bỏng bùn đất, nhầy nhụa máu là máu, những người lính giơ cao súng hô vang “hòa bình rồi!” Và họ ôm nhau mà nói rằng: “Chúng ta đều là người máu đỏ da vàng cả, cớ chi cứ bắn giết nhau hoài”!

Vài ngày sau, tại các nhà “Hòa hợp” thường xuyên có mặt của các sĩ quan, binh lính hai bên. Ở chốt Long Quang, quân giải phóng và các cô du kích đưa quà tết ra mời binh lính cộng hòa; bộ đội ta tay cầm chai rượu, miệng xuất khẩu thành thơ:

Tôi có chai rượu riêng,

Của mẹ tôi gửi theo quà tết,

Bây giờ chiến tranh chấm dứt,

Chúng ta hòa hợp uống chung!...

Nhạc sớm nay là khúc nhạc hòa bình,

Lời chung kết là bài ca hòa hợp,

Người lĩnh xướng là toàn dân tộc,

Trong đó có tôi và anh!...

Khát vọng hoà bình của người lính là vậy, ở đó người chiến sĩ giải phóng quân muốn gạt bỏ mọi hận thù, gác súng - bắt tay nhau làm ăn, xây đời mới. Cũng vì khao khát hòa bình mà phía quân ta cấm nổ súng (khi chưa có lệnh) và cho rằng: “Vũ khí trong tay chúng ta lúc này là bản Hiệp định Pa - ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.” Và ở các quân khu còn có chỉ lệnh: “4 cấm”, “5 cấm”...

Phải nói rằng, lúc đó chúng ta cũng chưa lường hết được âm mưu của bọn Mỹ - Thiệu và còn ảo tưởng. Đến lúc các trận đánh diễn ra ở Mõ Tàu, Bạch Mã, Chư Nghé, Chương Thiện, Bình Long, Phước Long... rồi ta mới sáng ra.

Trong khi đó Nguyễn Văn Thiệu luôn kêu gào “tràn ngập lãnh thổ”. Các đơn vị quân lực Việt Nam cộng hòa hãy đốc quân đánh chiếm, “ai không chấp hành quân lệnh bắn bỏ...”

Trên phòng tuyến Thạch Hãn bọn tuyên úy và an ninh quân đội Sài Gòn ngày đêm xoi mói, xui khiến bọn chỉ huy nhổ cờ, nổ súng, lấn chiếm đất và tổ chức lôi kéo dân từ vùng giải phóng vào vùng địch chiếm giữ.

Không thể để cho quân địch làm mưa làm gió: nhổ cờ, lấn đất, bắn giết quân và dân ta ở các vùng tranh chấp, ngoài các đơn vị chủ lực Miền đang đứng chân hỗ trợ đồng bào đấu tranh, tỉnh đội Quảng Trị cho thành lập sở chỉ huy tiền phương ở khu Đông để trực tiếp xử lý tình huống (lúc này Tỉnh ủy, UBND và tỉnh đội đang đứng chân ở vùng Cam Thanh, Cam Thủy; Khu Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN đặt đại diện ở thị trấn Cam Lộ). Binh lính và sĩ quan các lữ đoàn: 147, 258, thủy quân lục chiến, lữ đoàn dù, liên đoàn, biệt động quân... chỉ sau chưa đầy 3 tuần (trước và sau tết Quý Sửu) tiếp xúc với quân ta đều có thiện cảm, phần nào hiểu được chính sách hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc... Hầu hết đều muốn yên ổn, án binh bất động chứ không muốn nổ súng, nhưng khốn nỗi bọn quan trên và nhất là bọn an ninh quân đội, tuyên úy xuống xúi bẩy không để họ yên.

Lúc này các tiểu đoàn: 3, 8, 10, 14, các đại đội 1, 2, 3, 4, 9, 15, K10, K11, K12, lực lượng vũ trang của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng cùng các huyện khác cơ bản đang cắm chốt, giữ đất và quần lộn với quân địch ở “Khu lõm”.

Trước ngày ký kết Hiệp định, tôi đang công tác ở huyện đội Cam Lộ thì được lệnh điều lên tỉnh để sung vào phái đoàn quân sự 4 bên. Đang nghỉ chờ ở ban Hiệp định tỉnh để lên đường thì lại có lệnh và được động viên xuống phòng tuyến. Anh Lương Chí Hiền - Chính ủy và anh Lê Thanh Châu - Phó Chính ủy bảo: đi 4 bên rồi có người khác, giờ đang tranh chấp căng thẳng dưới chốt, cậu xuống “nói tiếng Việt” với bọn lính Sài Gòn để mở tuyến cho quân ta đưa gạo muối vào và chuyển thương binh, liệt sỹ ra”! Thế là tôi, anh Thảo, anh Trần Tuấn vai mang cặp gồm các kỷ vật kỷ niệm quân lính và máy ghi âm... chia nhau xuống các “chốt”, ở các nhà “Hòa hợp”.

Tết Kỷ Sửu chưa khỏi rằm thì hầu như các tuyến địch cho quân bịt kín, ta hết đường chi viện cho phía trong. Từ hai chốt Phù Liêu (Triệu Tài) và Long Quang, ta tăng cường đàm phán với chỉ huy lữ đoàn 147 TQLC đề nghị mở tuyến cho nhân dân tự do đi lại làm ăn theo đúng tinh thần Hiệp định. Lúc đầu nó bảo “lệnh thượng cấp, không có mở ra, mở vào gì ráo”. Nhưng ta cứ kiên trì thuyết phục (vì phía trong thương binh đã không còn nơi cấp cứu, liệt sĩ thiếu nơi chôn cất! Thuốc men và gạo đạn cũng dần cạn kiệt, lòng người như lửa đốt). Ngược lại, chính phủ Việt Nam cộng hòa coi bản Hiệp định Pa-ri như tờ giấy lộn.

Tương kế, tựu kế - từ chốt Hữu Niên (Triệu Hòa) trở lên đến Tích Tường, Như Lệ, nếu địch điên cuồng nhổ cờ, lấn chiếm... súng B40, B41, súng cối các loại đã chờ sẵn cứ nổ thẳng vào lô cốt, vào nơi đồn trú của chúng, sau đó bắn truyền đơn vào tố cáo bọn chỉ huy và nói rõ với quân lính: vì sao quân giải phóng phải “nghiêm trị” đồng thời kêu gọi anh em binh sĩ chớ dại dột chống phá, sớm tìm đường trở về với cách mạng.

Riêng các chốt từ Phù Liêu (Triệu Tài) xuống đến Triệu Trạch, Triệu Vân ta cố giữ hòa khí. Các nhà “Hòa hợp”, quân ta thường xuyên có mặt, đem bánh kẹo, thuốc lá Thủ đô, Điện Biên, bia Trúc Bạch, ảnh Ái Vân, dép cao su... ra mời, viện nhiều cớ để tổ chức liên hoan, tặng quà, biết tâm lý của binh lính Sài Gòn mỗi lần về phép có quà quân “Bắc Việt” tặng là được người nhà, bạn bè coi như “người hùng” mà vật chứng là đôi dép Bác Hồ, thuốc lá Thủ Đô, Tam Đảo, ảnh “người đẹp Ái Vân”. Thậm chí có anh còn lén nhặt cả vỏ bao thuốc lá Thủ đô, Điện Biên... đề ngày tháng “uống bia cùng Việt Cộng” dấu vào áo để chờ ngày về quê.

Dần dà từng bước, ta đã vận động được quân lính của các lữ đoàn TQLC đóng chốt từ Triệu Vân lên đến Thành Cổ. Riêng giữa cánh đồng Cồn Hàn đến cao điểm 11 ta đàm phán mở được 1 lối dọc cắm 2 hàng cờ giải phóng cách nhau 15m đi thẳng vào Triệu Trung, Triệu Lăng và cả “Khu Lõm”.

Từ đó ngày và đêm chủ yếu là về chiều đến suốt đêm ta đưa hàng đoàn quân bổ sung lực lượng, chuyển vũ khí, thuốc men, đưa các đơn vị vào thay thế và chuyển thương binh, liệt sĩ ra ngoài. Nhiều đợt do nhu cầu ta phải đi cả ban ngày, nhiều anh em binh lính địch gác 2 bên phải chạy gào theo: “Mấy anh cho quân đi thưa và thấp xuống không thượng cấp biết, tụi tôi chết mất...”. Căng nhất là mỗi đợt địch thay quân, cả bộ 3 phải ra bàn giao nói rõ quy ước, chỉ ranh giới đường giải phóng hành quân và cũng phải vận động nối lại quan hệ đôi bên tại các nhà “Hòa hợp” như cũ để tiếp tục thông tuyến.

Các đồng chí Thời, Đạt, Sơn... ở cục tuyên truyền đặc biệt (Tổng Cục chính trị) vào nghiên cứu, các anh Trần Nguyên, Mai Tuấn ở Cục Chính trị quân khu Trị - Thiên về Quảng Trị, xuống tuyến nghe vậy thấy lạ, bảo “tình hình vậy là hay lắm rồi! Nếu địch cho quân đóng tại chỗ ta tuyên truyền xây dựng cơ sở trong lòng địch vào chiều sâu, nếu địch đổi quân xoay vòng ta lại tuyên truyền chiều rộng; tập trung đánh rã tư tưởng của chúng. Khi thời cơ đến, ta nổ súng, quân địch sẽ không còn là địch nữa mà anh em sẽ nhanh chóng trở về với nhân dân.

Khi đồng chí Tố Hữu (bí danh gọi là anh Lành) vào Quảng Trị, nghe tin công tác tuyên truyền đặc biệt trên tuyến Thạch Hãn hay, ông yêu cầu cho gặp đại diện các nhà “Hòa hợp”. Chúng tôi lên báo cáo tình hình ở các chốt giữa quân ta và địch. Nghe xong đồng chí Tố Hữu khen: Hay, các đồng chí làm tốt lắm. Chỉ cần 1 đêm thông hành lang là ta đã đưa được biết bao thương binh ra ngoài cấp cứu và chuyển được biết bao lực lượng, vũ khí, đạn dược vào “Khu Lõm” để giữ thế gia báo. Nghe vậy, tôi khỏe ra bao nhiêu! Vậy mà đồng chí bác sĩ cứ can dán không cho tôi đi (Tố Hữu trách yêu đồng chí bác sĩ chăm sóc sức khỏe khi ông đang vào Nam bị sốt).

Cho đến một ngày cuối tháng 3, một tiểu đoàn của tỉnh đội Quảng Trị do đồng chí Trần Quang Lộc(sau này là Đái tá, Cục trưởng cục Hậu cần QK4 bị tai nạn máy bay mất ở đảo Mê) chỉ huy đưa quân ra lọt vào “vùng cấm địa” của địch. Phía bên kia vị tiểu đoàn trưởng cũng tên là Lộc làm vung lên cả tuyến. Nghe vậy, chúng tôi ra chốt hội đàm rồi vào cuộc.

Về phía ta: đồng chí Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy đóng vai sư trưởng, tôi và anh Thảo đóng vai sĩ quan tùy tùng. Phía địch: Tên lữ trưởng 147 TQLC đáp máy bay trực thăng xuống lôi cả lô xích xông: máy bộ đàm, ban tham mưu, có đến 1 tiểu đội Tà Lọoc; nó giăng bản đồ ra chỉ rõ nơi quân nó đang vây chặt một tiểu đoàn Bắc Cộng...

Sau cái bắt tay và mấy lời xã giao, đồng chí Dũng bảo: các ông nhầm rồi, đây là tiểu đoàn quân của chúng tôi bị lạc từ trước ngày ký kết Hiệp định Pa-ri. Nay, từ Thừa Thiên mới ra đến đây thì bị quân các ông chặn lại là vi phạm điều khoản: Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại... trong Hiệp định rồi. Thôi! Ngày xuân gặp nhau vậy là “hên” lắm rồi. Có bia Trúc Bạch Hà Nội đây xin mời các ông “lai rai” mấy cốc cho hạ hỏa.

Lúc đầu chúng còn dè dặt, về sau thấy ta thực tình nó cũng đưa cả trà ống, thuốc lá ru bi, sa-lem ra mời quân ta. Tên lữ trưởng vừa uống bia, vừa “làm oai” vẫy tổ lính truyền tin đưa tổ hợp ra lệnh cho quân lính gỡ mìn, cuốn dây thép gai, mở lối cho tiểu đoàn đồng chí Lộc ra khỏi phòng tuyến của địch trở về vùng giải phóng giữa ban ngày. Và từ đó địch cũng ra lệnh đóng cửa bịt lối ra vào “Khu lõm” của quân ta.

Quả là một phen hú vía vì trong đêm anh em mình đã đi chệch ra khỏi lối có hai hàng cờ và lệch Đông, sa vào vùng đóng quân của địch. Lúc này phía sau, các đơn vị quân ta đều náo động chuẩn bị. Bộ chỉ huy khu Đông đang đứng chân ở Triệu Độ và tỉnh đội đều đã sẵn sàng. Anh Vi, anh Phố, anh Hiền, anh Châu, anh Thả, anh Bưởi và anh Biều... đều đã có mặt giáp tuyến để vừa lo cứu quân, vừa bảo vệ đồng chí Dũng khi tình huống xấu xẩy ra.

Kể từ khi ký kết Hiệp định (27/03/1973 - 03/1975) ta đã đưa về trại đón tiếp của đồng chí Điểu hơn 500 anh em giác ngộ vượt tuyến trở về. Ty Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Trị thiết kế lắp đặt tận tuyến 4 trạm thu phát và mắc hàng trăm loa nén, tuyên truyền làm lung lạc tinh thần binh lính địch. Các đoàn văn công trung ương xuống tận các chốt biểu diễn cho hầu hết quân ta và lính ngụy xem, nhất là giọng ca của Tấn Đạt, anh em TQLC quê Sài Gòn mê hồn cứ đòi nghe mãi. Và rồi, đúng như nhận định của Cục Địch Vận, mùa xuân 1975 quân địch đứng chân trên tuyến Thạch Hãn vừa nghe súng nổ đã quay súng trở về với nhân dân...

Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)

Hồi ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast