Nỗi ám ảnh đi thang máy giờ cao điểm!

(Baohatinh.vn) - Đô thị càng phát triển, các tòa nhà cao tầng mọc lên nhiều thì nhu cầu sử dụng thang máy của người dân Hà Tĩnh cũng tăng cao. Tuy nhiên, không phải ai sử dụng dịch vụ, không gian công cộng chung đó cũng có ý thức để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Đi thang máy không đơn giản chỉ là bước vào bước ra, chọn tầng để bấm, ung dung tự tại coi đó như là không gian riêng của mình. Đi thang máy cũng cần một nét văn hóa, đó cũng là một thước đo độ văn minh ứng xử của mỗi người.

Nỗi ám ảnh đi thang máy giờ cao điểm!

Tấm biển ghi rõ “Cầu thang máy chỉ dành cho bệnh nhân cấp cứu” nhưng vẫn rất nhiều người sử dụng.

Đưa mẹ đi khám bệnh, anh Hải (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) dìu mẹ đứng đợi trước cửa thang máy ở sảnh bệnh viện. Cửa thang máy mở, mẹ con anh bị một nhóm người nhà bệnh nhân xô đẩy để chen chân vào trước.

“Mẹ tôi đau chân, không đi nhanh được. Đứng đợi từ trước nhưng cuối cùng hai mẹ con vẫn không “có suất” trong thang máy vì người nhà bệnh nhân thi nhau chen vào. Mặc dù thang máy ghi rõ ràng tấm biển “Thang máy dành cho bệnh nhân” nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn phải chờ lượt kế tiếp” - anh Hải bực bội.

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong giờ cao điểm tại các bệnh viện, điều này ít nhiều gây khó khăn cho công việc của các y, bác sỹ và bệnh nhân. “Rất nhiều người khi đến bệnh viện thay vì đi thang bộ để nhường thang máy cho bệnh nhân thì họ lại là người “nhanh chân” nhất. Nhiều lúc vội đi làm thủ tục hồ sơ giấy tờ cho bệnh nhân mà nhân viên y tế cũng không chen chân vào được” - chị Phượng (một nhân viên y tế) chia sẻ.

Nỗi ám ảnh đi thang máy giờ cao điểm!

Đi thang máy không đơn giản chỉ là bước ra bước vào, chọn tầng để bấm mà cần phải sử dụng một cách văn minh

Không chỉ ở bệnh viện, tại các tòa nhà cao tầng, nơi tập trung nhiều văn phòng của các cơ quan, doanh nghiệp, việc sử dụng thang máy cũng xảy ra lắm tình huống khó xử.

Văn phòng công ty đóng tại tầng 8 một tòa nhà cao tầng ở TP Hà Tĩnh, chị Tâm (nhân viên văn phòng) cũng như hầu hết nhân viên làm việc trong tòa nhà ngày ít nhất 4 lượt lên xuống bằng thang máy. Số lượng người sử dụng đông nên cứ giờ cao điểm là một “cuộc chiến” thang máy diễn ra.

Chị Tâm chia sẻ: “Thang máy vừa mở cửa, người trong chưa ra mà người ở ngoài đã lao vào, người vào trước thì không có ý thức đứng dẹp sang hai bên. Đó là chưa kể có những người không để ý bấm đúng số tầng cần đến mà bấm hai ba lần, khiến thang máy dừng liên tục”.

Không gian cabin thì nhỏ hẹp, buổi sáng nhiều nhân viên của tòa nhà còn mang theo thức ăn sáng nặng mùi vào thang máy, hút thuốc lá hay vô tư nói chuyện cười đùa như chốn không người. “Tôi thường cố gắng đi làm thật sớm để tránh cảm giác ức chế không đáng có mỗi sáng” - chị Tâm chia sẻ.

Nỗi ám ảnh đi thang máy giờ cao điểm!

Người trong chưa ra, người ngoài đã chen nhau vào là cảnh tượng dễ bắt gặp khi sử dụng thang máy

Thang máy là phương thức di chuyển phổ biến trong cuộc sống hiện đại, người sử dụng rất cần thể hiện sự văn minh. Và thực tế, để thực hiện điều đó cũng không quá khó khăn nếu mỗi người có ý thức một chút.

Khi sử dụng thang máy, mỗi người dừng ở một tầng khác nhau, nên nếu chưa đến tầng của mình, bạn nên khéo léo di chuyển ra chỗ khác để nhường đường cho người khác ra. Một lời cảm ơn, một nụ cười nhẹ nhàng khi được giữ cửa, bấm nút giúp cũng thể hiện bạn là một người có văn hóa khi sử dụng thang máy.

Tinh tế, nhẹ nhàng và biết nhường nhịn là những gì cần có khi đi thang máy để không làm mất hình ảnh của bản thân và không làm phiền người khác. Tôn trọng những người xung quanh cũng chính là cách tôn trọng chính bản thân mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast