Để mỗi gia đình là một “tế bào” khỏe mạnh

(Baohatinh.vn) - Những ngày qua, tại Hà Tĩnh, dư luận chưa hết phẫn nộ, bàng hoàng bởi cái chết oan uổng của cháu bé hơn 2 tháng tuổi ở xã Thạch Long (Thạch Hà) mà hung thủ chính là người mẹ thì một ngày sau, tại huyện miền núi Hương Khê lại bị “khuấy động” bởi vụ việc người vợ đâm chết chồng rồi uống thuốc ngủ tự tử bất thành.

Để mỗi gia đình là một “tế bào” khỏe mạnh ảnh 1

Gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa (Nguồn: VNE)

Cả hai trường hợp đều biện minh rằng: do ảnh hưởng tâm lý nặng nề, cuộc sống gia đình khó khăn, mâu thuẫn không thể cùng nhau giải quyết nên dẫn đến hành vi trái pháp luật, trái luân thường đạo lý. Nhưng mâu thuẫn đến độ cướp đi mạng sống của chồng, con mình là điều xã hội không thể chấp nhận và dung thứ.

Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Tịnh (Trường Đại học Hà Tĩnh) cho rằng: Nhìn từ góc độ tâm lý, có thể nói, để dẫn đến hành vi phạm tội, cả 2 người phụ nữ đang bị dồn nén cảm xúc ghê gớm, bất hòa trong quan hệ vợ chồng… cộng thêm những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài, từ cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền mà thiếu sự sẻ chia của các thành viên trong gia đình. Trong cuộc sống, người phụ nữ thường nhẫn nhịn, cam chịu, thế nhưng, khi bị dồn nén đến chân tường thì họ trở nên tàn nhẫn với chính bản thân mình và những người mình thương yêu.

Nếu như trước đây, xã hội còn sự “ràng buộc”: trong nhà cãi nhau cũng sợ bố mẹ đau lòng, sợ “vạch áo cho người xem lưng”… thì ngày nay, trước những sự việc đã xảy ra, có thể nhận thấy, ở một khía cạnh nhất định, truyền thống của gia đình Việt không đủ sức mạnh để ràng buộc, xây nên nếp nhà êm ấm. Người phụ nữ phải luôn là người “giữ lửa”, vun đắp hạnh phúc gia đình và dung hòa các mối quan hệ. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa, trong mọi việc, người phụ nữ đều phải là người nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh.

Nhìn từ góc độ gia đình và kinh tế, chị Tăng Thị Linh Chi - Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội LHPN tỉnh cho rằng: Hành vi của 2 người phụ nữ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và phạm phải sai lầm quá lớn trong vai trò làm mẹ, làm vợ. Nếu người chồng biết chia sẻ với vợ thì có lẽ mọi việc đã khác. Hơn nữa, khi kinh tế gia đình khó khăn thì việc giải quyết những nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày cũng là điều dễ gây nên bế tắc, khiến vợ chồng bất hòa. Sự việc xảy ra cũng là lời cảnh báo về mối quan hệ lỏng lẻo trong gia đình, sự quan tâm của các thành viên; đồng thời, đặt ra vấn đề sự sẻ chia, hỗ trợ về mặt tâm lý của cộng đồng, xã hội.

Trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý hay nơi sẻ chia những bế tắc trong cuộc sống cho người phụ nữ; mặt khác người dân vẫn còn e dè, chưa có thói quen tìm đến các tổ chức đoàn thể… để được san sẻ gánh nặng trong đời sống tinh thần.

Thiết nghĩ, các ngành, đoàn thể cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, mỗi người cần nêu cao trách nhiệm, biết sẻ chia, nhường nhịn, điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Đặc biệt, người phụ nữ chủ động tiếp cận kiến thức, nâng cao kỹ năng sống, phát triển kinh tế và tự tin tham gia các hoạt động xã hội để tránh “tự buộc dây trói mình” trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, để mỗi gia đình thực sự là một “tế bào” khỏe mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast