Bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt để đạt các mục tiêu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để kịp thời điều hành linh hoạt, sát với thực tế, phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 18%, tạo tiền đề đưa lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, đồng thời bảo đảm đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2011.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 3 – 5/11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2011.

Chính phủ nhận định, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, dần đi vào ổn định. - Ảnh: Chinhphu.vn
Chính phủ nhận định, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, dần đi vào ổn định. - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011; tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tình hình thiệt hại, kết quả công tác phòng, chống bão, lụt và các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ XIII; Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Tình hình kinh tế-xã hội đi vào ổn định

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, dần đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế...

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2011 ước tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 10 tháng năm 2011, IIP tăng 7% so với cùng kỳ năm 2010.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2011 ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng ước đạt trên 78 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Nhập siêu tháng 10/2011 khoảng 0,8 tỷ USD, bằng 9,6% kim ngạch xuất khẩu; nhập siêu 10 tháng năm 2011 khoảng 8,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 10,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (không quá 16%).

Về giá cả, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2011 tăng 0,36% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9/2010 và là tháng thứ 3 liên tiếp có mức tăng chỉ số giá dưới 1%. Tuy nhiên Chính phủ cũng nhận định, trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, sức ép tăng giá sẽ gia tăng, nhất là giá lương thực, thực phẩm.

Về tiền tệ, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20/10/2011 ước tăng 7,5% so với tháng 12/2010; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 8,59%; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,61%.

Lãi suất cho vay VND đối với nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 17 – 19%/năm; sản xuất-kinh doanh khác phổ biến ở mức 18 – 21%/năm; phí sản xuất ở mức 22 – 25%/năm. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 6 – 7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5 – 8%/năm đối với trung và dài hạn. Tỷ giá giao dịch VND/USD bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng phù hợp với thị trường. Dự trữ ngoại hối tăng so với đầu năm.

Bên cạnh đó, lĩnh vực lao động, tạo việc làm tiếp tục có chuyển biến tích cực, 10 tháng năm 2011 ước tạo việc làm cho 1,265 triệu người, đạt 79,1% kế hoach năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 74 nghìn người.

Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mừa mưa lũ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng tình hình trong những tháng cuối năm 2011 còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới nước ta.

Trên tinh thần đó, các thành viên Chính phủ kiến nghị, cùng với việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, cần tập trung mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án cấp bách hoàn thành trong năm nay.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường giá cả vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm tới phát triển nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, trong đó có việc xem xét củng cố hệ thống đê bao, xây dựng các cụm tuyến cư dân vượt lũ… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 447 tỷ đồng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gia cố bờ bao và bơm tiêu nước để chuẩn bị cho mùa vụ tới.

Các thành viên Chính phủ cũng kiến nghị thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới, đặc biệt là hạn chế nợ xấu của hệ thống ngân hàng và kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản; tăng cường giám sát đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ…

Bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi sát tình hình để kịp thời điều hành linh hoạt, sát với thực tế, phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 18%, tạo tiền đề đưa lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, đồng thời bảo đảm đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường; trên cơ sở kết quả kiềm chế lạm phát, từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, kiểm soát tỷ giá.

Đồng thời, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, các hàng hóa phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; hướng nguồn tín dụng vào tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, huy động các nguồn lực khác cho đầu tư, cơ cấu lại vốn đầu tư tập trung cho các dự án, công trình cấp bách.

Liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xóa đói giảm nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo; hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo, người dân tộc phát triển sản xuất…

Cùng với đó, cần tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm soát dịch bệnh ở người, nhất là bệnh chân tay miệng…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần tiếp tục tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quyết tâm và hành động của Chính phủ, tạo đồng thuận cao trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast