Giám sát chặt chẽ, không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch

(Baohatinh.vn) - Từ 20/8 đến nay, Hà Tĩnh đã ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) thuộc địa bàn huyện Đức Thọ và TP Hà Tĩnh...

Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân SXH tại Trạm Y tế xã Đức Vĩnh
Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân SXH tại Trạm Y tế xã Đức Vĩnh

Trước tình hình dịch bệnh SXH, đặc biệt là thực hiện Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là bệnh SXH.

Theo đó, ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh SXH, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát thành dịch; chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở KCB trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu... để tiếp nhận, thu dung nhằm chẩn đoán sớm, phân loại chính xác và điều trị bệnh nhân kịp thời, kiên quyết không để tử vong do dịch.

Ngành y tế cũng cần tổ chức tập huấn lại cho cán bộ về công tác giám sát, chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức các đoàn giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ tuyến dưới, giải quyết các khó khăn trong phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ bằng các biện pháp như: tuyên truyền theo khuyến cáo của ngành y tế; thực hiện vệ sinh lớp học, VSMT nhằm loại bỏ lăng quăng/bọ gậy trong các vật dụng tại trường, đồng thời hướng dẫn các em học sinh tham gia vào các hoạt động loại trừ lăng quăng/bọ gậy ở gia đình; chỉ đạo bộ phận y tế học đường theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe học sinh nhằm sớm phát hiện dấu hiệu bệnh SXH để xử trí và hướng dẫn điều trị kịp thời.

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương, chính quyền cơ sở phối hợp với ngành y tế tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh; huy động nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống SXH trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bùng phát; tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng.

Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên nhân, tác hại của bệnh SXH, hướng dẫn cách phòng bệnh, chủ động tham gia phong trào diệt lăng quăng với phương châm "không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh SXH Dengue"...

Dịch bệnh SXH đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 29 ngàn trường hợp mắc bệnh, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, trong đó đã có 18 trường hợp tử vong.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast