Nuôi cá thương phẩm- Hướng mới để phát triển kinh tế

Đến xóm 2, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) hỏi anh Nguyễn Danh Cường thì không ai là không biết. Mạnh dạn tiên phong thử sức với loài cá Điêu hồng trong ao đất, ngay trong vụ đầu tiên 1000 m2 của anh đã cho thu về trên 48 triệu đồng. Tất nhiên đây không phải là trường hợp cá biệt, cá thương phẩm đang là đối tượng thu hút đối với nhiều hộ nuôi cá nước ngọt...

Vụ cá vừa qua đã đưa về lợi nhuận khá cao cho hộ nuôi Nguyễn Danh Cường, xóm 2, Thạch Xuân (Thạch Hà)

Vụ cá vừa qua đã đưa về lợi nhuận khá cao cho hộ nuôi Nguyễn Danh Cường, xóm 2, Thạch Xuân (Thạch Hà)

Đã từ lâu, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn được coi là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh. Trải khắp từ Nghi Xuân, Thạch Hà đến Kỳ Anh, Cẩm Xuyên là những vùng đất nổi tiếng với các loại đặc sản cá nước ngọt, mặn lợ. Tuy nhiên, khi điều kiện nuôi thay đổi và thị hiếu thị trường đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng của thịt các loại thủy sản thì các đối tượng nuôi cũng tất yếu thay đổi theo. Các loài nuôi truyền thống như cá trôi, mè, trắm, chép... trở thành “thời quá vãng” để có thể phù hợp với thời đại bùng nổ của các khoa học kỹ thuật tiên tiến, phục vụ ngày càng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại nay, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã thử nghiệm một số mô hình nuôi loài thủy đặc sản ở nhiều địa phương như: cá đối mục (Lộc Hà), cá điêu hồng lồng bè trên hồ Kẽ Gỗ, cá điêu hồng trong ao đất (Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên), cá vược (Cẩm Xuyên)... Anh Trương Huy Dũng - Trưởng phòng kỹ thuật chuyển giao của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Hiện nay, đối tượng nuôi được bà con nông dân hướng đến là các loại thủy đặc sản, có giá trị thương phẩm cao như: cá đối mục, chẽm, điêu hồng, hanh... Đặc điểm của các loại nuôi này là khỏe, tỷ lệ sống cao, kỹ thuật nuôi không quá khó và nhất là chúng sống chủ yếu dựa vào thức ăn công nghiệp nên rất dễ chăm sóc. So với đối tượng nuôi truyền thống, giá trị kinh tế của chúng có thể gấp 2- 3 lần. Quan trọng hơn, các mô hình nuôi mới đã là đa dạng hóa đối tượng nuôi của địa phương, góp phần chuyển dịch mùa vụ và giúp bà con tận dụng được tối đa diện tích mặt nước để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi”.

Với việc xuất hiện ngày càng đa dạng các loài thủy đặc sản trên địa bàn, có thể nói ngành nuôi trồng thủy sản đã bước một bước quan trọng trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới chất lượng và bền vững. Điều đặt ra ở đây là cần có một thị phần thật vững, phù hợp với giá trị thương phẩm mà chúng vốn có. Trên thực tế, các loài thủy đặc sản này vẫn còn lắm gian nan để tiếp cận được với các doanh nghiệp và các đầu mối tiêu thụ lớn, chủ yếu chúng được bán phân tán ở các chợ, thậm chí là vỉa hè đô thị. Để mô hình không chỉ dừng lại ở mô hình, cần lắm chính sách liên kết “4 nhà”, nhằm tạo sức cạnh tranh cho thương hiệu đặc sản của đối tượng nuôi, vừa là nguồn động lực tiếp sức cho nhà nông phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trở lại vườn nuôi của anh Nguyễn Danh Cường, xóm 2, xã Thạch Xuân (Thạch Hà), giờ đây mô hình nuôi cá điêu hồng trong ao đất đã được anh cải tạo, nâng cấp một cách quy mô. Năm nay, dù không được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ toàn bộ giống và 30% thức ăn như vụ đầu tiên làm mô hình nhưng vợ chồng anh chị vẫn mạnh dạn mở rộng diện tích trên 1ha với 1,5 vạn con giống (so với 1.000 m2 và 3.000 con giống ở vụ trước). Anh cho biết: “Gia đình tôi đã có truyền thống nuôi cá nước ngọt từ lâu nhưng chưa có loại cá nào có lợi nhuận cao như cá điêu hồng. Thu hoạch hơn 8 tạ cá, chúng tôi thu về 48 triệu đồng, gấp đôi các đối tượng truyền thống khác”. Cũng theo anh tâm sự, vụ đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm nên khi thu hoạch xong chẳng biết phải chào hàng thế nào, vợ chồng anh đành “khăn đùm khăn gói” đưa cá xuống thành phố bán dạo. Mỗi kg cá bán với giá 60 nghìn đồng thế mà vẫn đắt khách, người mua đông nghịt. Dẫu bị thất thoát một lượng cá do không quản lý được nhưng cái vui là sản phẩm của mình đã được thị trường đón nhận. Từ một mô hình, hiện nay, toàn xã Thạch Xuân đã có 10 hộ gia đình tham gia đầu tư nuôi cá điêu hồng trong ao đất. Một hợp tác xã về nuôi trồng thủy sản đang sắp sửa được ra đời, mở ra một hướng làm giàu mới cho những người tâm huyết bám nghề, từ đó phát huy hết tiềm năng của địa phương. Được biết, nhờ tận dụng được nguồn nước mặt tự nhiên của hồ Kẽ Gỗ, mô hình nuôi cá điêu hồng lồng bè cũng đạt được hiệu quả kinh tế rất cao, tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Cách đây không lâu, mô hình nuôi cá đối mục cũng đã làm nức lòng những hộ nuôi tại vùng cửa bể Thạch Châu và Hộ Độ (Lộc Hà). Dù là đối tượng nuôi mới nhưng cá đối mục đã làm tròn sứ mệnh thay thế cho các đối tượng có hiệu quả kinh tế thấp và vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Tính ra, trừ chi phí đầu vào thì lợi nhuận thu về xấp xỉ 300 triệu đồng trên mỗi ha.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast