Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 1.017 HTX trong đó, có 326 HTX hoạt động tốt và khá chiếm tỷ lệ 33,1%. Hiện, các HTX tham gia vào chuỗi dịch vụ, sản xuất, tạo việc làm cho 56.700 lao động và đóng góp kinh tế từ 1,3-1,5% GRDP của tỉnh.

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 tại trụ sở Chính phủ. Ảnh VGP

Sáng 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT, những năm qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Từ những cơ chế, chính sách và sự quan tâm của các cấp, ngành, khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó có 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 2.293 HTX thương mại-dịch vụ, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 quỹ tín dụng Nhân dân và 694 HTX khác).

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, khu vực kinh tế tập thể của nước ta phát triển chưa đạt như mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn chậm; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm từ 8,06% (năm 2001) xuống còn 3,62% (năm 2020). Nhiều HTX tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX, các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều HTX còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của kinh tế tập thể.

Thực hiện chuyển đổi số để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, qua khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, 83,5% HTX đánh giá chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến...

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Đại biểu theo dõi hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh

Đặc biệt, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.

Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX đã cùng trao đổi những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nhất là về chuyển đổi số cũng như nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp để chuyển đổi số mạnh và nhanh trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương cũng trao đổi, chia sẻ và giải đáp những vướng mắc để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Hội nghị nhằm truyền tải thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Đây là chìa khoá giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Bởi vậy, diễn đàn hôm nay nhằm truyền tải thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể.

Chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc” Ảnh: VGP

Phân tích những khó khăn, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, HTX là công việc thường xuyên, phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên, trong đó có 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đề ra.

Để làm được điều đó, cả hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy từ nhận thức đến hành động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần bắt kịp đến cùng các khu vực kinh tế khác, xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết kiệt triển khai các nhiệm vụ chiến lược Quốc gia phát triển chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành HTX liên thông với các chuyên ngành khác để chia sẻ, kết nối thông tin thị trường, xu thế phát triển; xây dựng và hoàn thiện thể chế, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số, kết nối cung cầu, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX; đẩy mạnh truyền thông chính sách. Riêng các địa phương phải vận dụng các nguồn lực để đầu tư cho kinh tế hợp tác, HTX; thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP...

Hà Tĩnh hiện có 1.017 HTX, trong đó có 326 HTX hoạt động tốt và khá chiếm tỷ lệ 33,1%. Hiện, các HTX tham gia vào chuỗi dịch vụ, sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho 56.700 lao động và đóng góp kinh tế từ 1,3-1,5% GRDP của tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Hà Tĩnh đã xây dựng và vận hành trang thông tin nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các HTX trên địa bàn tỉnh; đưa vào vận hành Hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai.

Hiện, một số HTX trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; một số HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu; một số HTX tham gia thực hiện các dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast