Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

(Baohatinh.vn) - Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là “then chốt” cho sự bứt phá ngoạn mục của ngành công nghiệp Hà Tĩnh, góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, tăng 6,79 lần so với năm 2015.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

Lĩnh vực chế biến, chế tạo góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp toàn tỉnh.

Điểm sáng trong bức tranh công nghiệp

Với vai trò “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghiệp ở Hà Tĩnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động SXKD. Dự kiến năm 2020, sản lượng gang lỏng đạt 6,03 triệu tấn, sản xuất phôi thép đạt 5,93 triệu tấn, đạt doanh thu 2,99 tỷ USD, chiếm hơn 80% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.

Trong bức tranh phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2015 - 2020 còn mang dấu ấn đậm nét của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh với sản lượng bia đạt 300 triệu lít, tăng 2,16 lần; Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh với sản lượng sợi đạt 35.140 tấn, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

Luyện thép tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Giang Nam - Trưởng phòng Tổ chức, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang giải quyết việc làm cho gần 400 lao động với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng, doanh thu sản xuất năm 2019 đạt hơn 560 tỷ đồng”.

Đến nay, Hà Tĩnh có 19 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động với 305 dự án đăng ký đầu tư, giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Một số dự án mới thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo có quy mô đi vào hoạt động đã bổ sung giá trị sản xuất công nghiệp khá như: Công ty TNHH Trần Châu (CCN Bắc Cẩm Xuyên), Nhà máy Haivina (CCN Nam Hồng), dự án Nhà máy Sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt (CCN Vũ Quang)…

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

Công ty CP Dược Hà Tĩnh nuôi cấy đông trùng hạ thảo để phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh.

Bà Phan Thị Ái - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: “Lĩnh vực chế biến, chế tạo có bước “chuyển mình” nhanh chóng với vai trò “đòn bẩy” của FHS (chiếm hơn 59,9% trong cơ cấu ngành công nghiệp toàn tỉnh), góp phần tạo động lực để công nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng đột phá, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, tăng 6,79 lần so với năm 2015; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 tăng từ 12,4% lên 37,6%”.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

Sản xuất gạch không nung công nghệ cao của Công ty Trần Châu tại CCN Bắc Cẩm Xuyên.

Phát triển công nghiệp phụ trợ, hậu thép

FHS đi vào hoạt động ổn định đã tạo ra “lực hút” và cơ hội đầu tư đầy triển vọng cho các doanh nghiệp (DN) vào KKT Vũng Áng. Đến thời điểm này, KKT Vũng Áng có 141 DN được cấp phép đầu tư. Trong đó, 84 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đăng ký 48.472,920 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký 13.586,260 triệu USD).

Đặc biệt, các dự án về cảng biển, điện năng, luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ… đang chiếm thế “thượng phong” với hơn 2/3 tổng số DN đầu tư vào KKT Vũng Áng.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

FHS đi vào hoạt động ổn định đã tạo ra “lực hút” và cơ hội đầu tư đầy triển vọng cho các doanh nghiệp vào KKT Vũng Áng.

Nhiều DN đang tiến hành khảo sát, thực hiện thủ tục hồ sơ để xây dựng dự án quy mô lớn như: Khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản và cung cấp các loại hóa chất cho FHS của Công ty cổ phần Hóa chất công nghiệp Miền Trung với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; Nhà máy Kim khí công nghệ cao do Công ty Công nghệ kim khí Akcome hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 20 triệu USD; dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng thế hệ mới của Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu và Thương mại Phương Nam trên 335 tỷ đồng...

Các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thép tại Việt Nam đánh giá cao vai trò động lực của FHS trong hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để Hà Tĩnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo đưa công nghiệp Hà Tĩnh “cất cánh”

Các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp tiềm năng sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chia sẻ: "Phát triển sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp tiềm năng sẽ được tỉnh quan tâm và có chính sách ưu tiên, đặc biệt nâng cao mức độ chế biến sâu ở các nhóm ngành công nghiệp chủ đạo; phấn đấu đến năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm trên 55% GRDP.

Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhiều lĩnh vực tiềm năng như: sản xuất sau thép, cảng biển, logistics, điện năng, sản xuất phụ tùng cơ khí… kết hợp hiệu quả giữa các mục tiêu công nghiệp hóa và phát triển hậu công nghiệp, song hành giữa môi trường sản xuất công nghiệp và môi trường sống, tạo ra chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững giữa các DN, làm đầu kéo cho ngành công nghiệp toàn tỉnh".

Chủ đề ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast