Chăm sóc người cao tuổi: Cần sự hỗ trợ của hệ thống an sinh xã hội!

(Baohatinh.vn) - Người cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo người cao tuổi, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe (CSSK). Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì việc CSSK cho người cao tuổi vẫn đang đặt ra những yêu cầu mới.

Thiếu người nhà chăm sóc

Bị tai biến mạch máu não đã hơn 2 năm nay, đòi hỏi phải chăm sóc y tế, phục hồi chức năng nhưng mỗi lần đi viện là một lần bà N.T.L, ở thị trấn Thạch Hà phải đắn đo, suy nghĩ. Mọi sinh hoạt của bà ở viện phải phụ thuộc hoàn toàn vào con nhưng bà lại sợ làm phiền, ảnh hưởng đến công việc của con. Đã có đôi lần con bà thuê giúp việc đi theo bà vào viện phục vụ nhưng không ổn.

cham soc nguoi cao tuoi can su ho tro cua he thong an sinh xa hoi

Hiện nay, các cơ sở y tế chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ thường xuyên nhằm phát hiện bệnh cho người cao tuổi

Bà L. trải lòng: “3 đứa con bọn chúng đều bận bịu. Hồi mẹ mới bị tai biến, còn phải chăm sóc đặc biệt thì bọn chúng thay nhau cắt phép chăm mẹ. Nhưng cũng không thể kéo dài lâu được, công việc Nhà nước mà. Thuê người giúp việc chăm sóc trong bệnh viện cũng khó khăn. Vì vậy, khi điều trị được tàm tạm rồi thì tui về nhà nằm, chỉ khi mô cảm thấy bất ổn quá thì mới vào viện.”

Không chỉ bà L. mà với nhiều bệnh nhân cao tuổi khác, được đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế còn là cả một vấn đề. Người không có điều kiện về kinh tế, có người lại không có người chăm sóc. Nhiều người cực bất dĩ phải vào viện để được chăm sóc y tế và nhờ cậy các bệnh nhân, người nhà các bệnh nhân xung quanh hỗ trợ về các sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, ở thị trấn Cẩm Xuyên, bệnh nhân Khoa phục hồi chức năng BVĐK tỉnh chia sẻ: “Mình người già đa bệnh, “bệnh viện là nhà” nên con cái không thể theo suốt được. Vì vậy, nhiều lúc cũng phải chịu khó và nhờ sự chia sẻ của cộng đồng”…

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, trong đó, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có chỉ số già hóa dân số nhanh so với mức bình quân cả nước (xấp xỉ 1,5 lần). Theo kết quả điều tra biến động dân số - KHHGĐ 01/4/2016 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân từ 65 tuổi trở lên của Hà Tĩnh chiếm tới 12,2%; số lượng người cao tuổi, người cao tuổi cô đơn nhiều.

cham soc nguoi cao tuoi can su ho tro cua he thong an sinh xa hoi

Nhiều người cao tuổi vẫn đang nặng gánh mưu sinh

Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Bệnh nhân của bệnh viện chiếm tới gần 50% là người cao tuổi, thường phải lâu dài. Bệnh viện chưa đủ điều kiện để thực hiện chăm sóc toàn diện nên khó khăn nhất hiện nay đó là thiếu người nhà chăm sóc. Một băn khoăn nữa đó là người cao tuổi vào viện hiện nay đang chủ yếu là chữa bệnh, bị bệnh gì chữa bệnh đó chứ chưa được chăm sóc y tế một cách chuyên nghiệp theo cách chăm sóc người già. Hiện ngành Y tế cũng chưa có lớp đào tạo nào mang tính chuyên nghiệp như thế.

Cần sự hỗ trợ của hệ thống an sinh xã hội

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Đường Công Lự cho biết: Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt nhất là khó khăn về kinh phí, nhân lực, vật lực. Do vậy, các cơ sở y tế chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ một cách thường xuyên nhằm phát hiện bệnh cho người cao tuổi. Hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khoẻ phổ biến kiến thức về CSSK cho người cao tuổi gần chưa được thực hiện ở phần lớn xã, phường, thị trấn. Trung tâm chăm sóc sức khỏe tập trung cho người cao tuổi còn ít trong khi nhu cầu lớn.

cham soc nguoi cao tuoi can su ho tro cua he thong an sinh xa hoi

Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Hiện Sở Y tế giao Chi cục Dân số - KHHGĐ chủ trì tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành "Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh" (dự kiến trong tháng 10/2017). Theo đó, Sở Y tế là đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cấp, ban ngành tập trung vào các hoạt động theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2017- 2020): Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Giai đoạn 2 (2021-2025): Lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra cho cả nước nói chung và Hà Tĩnh những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe. Để công tác chăm sóc người cao tuổi thực sự hiệu quả và thiết thực, ngoài sự nỗ lực của Y tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, đầu tư nguồn lực của các cấp, ngành liên quan, của cả gia đình và xã hội. Có như thế thì đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi mới được quan tâm đúng mức, chất lượng dân số mới thực sự cải thiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast