Hối hả du Xuân

(Baohatinh.vn) - Theo phong tục từ ngàn xưa của cư dân một nước nông nghiệp, du xuân là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Mong ước của mỗi người cho một năm bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt, phương trưởng mọi bề cùng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày tất bật, vất vả, được hòa mình cùng đất trời, mây gió đã khiến cho các hoạt động du xuân vô cùng phong phú, đa dạng và những năm gần đây phát triển rực rỡ.

Vào mùa hội xuân
Vào mùa hội xuân

Khác với nhiều nước, mùa xuân Việt Nam thường kéo dài từ tháng giêng cho đến tháng ba. Đó là thời điểm khí hậu ôn hòa, thời tiết ấm áp, con người muốn hòa mình cùng thiên nhiên và vũ trụ trong lành. Vua chúa ngày xưa thường có các cuộc tuần du, săn bắn, các hoàng hậu, công chúa và họ hàng thân tộc thì sắm sanh lễ vật lên chùa bái Phật, vãn cảnh. Đây cũng là dịp để họ vi hành, hiểu thêm về cuộc sống người dân. Sau vua chúa, gia tộc các quan cũng có những chuyến du xuân để thưởng ngoạn thiên nhiên và cầu nguyện thần linh phù trì gia hộ.

Chùa Hương (Hà Tây cũ), phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh (Hà Nội) và nhiều danh lam thắng cảnh khác thường là điểm đến trong các chuyến du xuân. Nhiều ngôi chùa cổ, đền cổ như đền Đô, chùa Bút Tháp, chùa Thầy (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), đền Trần (Nam Định), lăng tẩm, điện thờ vua chúa triều Nguyễn… được xây dựng, trở thành nơi hành lễ và tham quan không chỉ của vua chúa mà của cả thường dân.

Thời hiện đại, khi đất nước thanh bình, cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành VH-TT&DL đã huy động người dân đóng góp công sức, tiền của phục dựng và xây mới nhiều công trình văn hóa như chùa, đền, đình, miếu… trước là để thờ cúng Phật, thánh, thần linh, sau là để tổ chức các hoạt động lễ hội phục vụ người dân vui chơi, thưởng ngoạn. Những năm gần đây, khi nền kinh tế có bước tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các điểm du lịch tâm linh kết hợp vui chơi, gắn với cảnh núi non, sông hồ, biển cả… thu hút rất đông du khách thập phương, nhất là vào mùa xuân. Đó là khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Suối Tiên, Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh); Đại Nam (Bình Dương); chùa Bái Đính (Ninh Bình); Bà Nà (Đà Nẵng); đền chợ Củi, chùa Hương Tích, đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)…

Ngoài các hoạt động tế lễ Phật, thánh, thần, vua Hùng và các anh hùng liệt sỹ, tại các điểm trên còn diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao... giúp du khách có những phút giây thư giãn, đặc biệt là các hoạt động vui chơi, phim ảnh… dành cho giới trẻ.

Nhiều điểm du lịch tâm linh đã đầu tư hệ thống cáp treo hiện đại giúp du khách bớt mỏi mệt và cũng là dịp để họ có thể thả mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác choáng ngợp và chơi vơi từ trên không trung nhìn xuống toàn cảnh non nước, thấy mây trời đang quấn quýt quanh mình. Trong tư thế ấy, con người bỗng dưng quên hết mọi nhọc nhằn tục lụy, chỉ muốn được sống thanh cao và yên bình, trong trẻo như thiên nhiên tươi đẹp, muốn xích lại gần nhau hơn và càng cảm thấy yêu quý giang sơn Tổ quốc mình.

Một lực hút không kém phần mạnh mẽ giúp nhiều người đến với các di tích danh thắng trong những ngày đầu xuân năm mới, đó là tín ngưỡng. Niềm tin vào sự phù hộ độ trì của Phật, thánh, thần linh đã khiến cho người ta bất chấp đường xa trở ngại để leo lên đỉnh Yên Tử, vượt Bà Nà, núi Hương Tích để bái Phật, tự nhận mình là người con của Phật với tất cả tấm lòng thành. Người dân cũng muốn nhân dịp du xuân đầu năm bày tỏ tấm lòng tri ân với những người có công với nước đã hiển linh thành thánh trong lòng dân như Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Cha), Công chúa Liễu Hạnh (Thánh Mẫu), Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Bà Hải), Mười cô Đồng Lộc…

Đi lễ chùa Hương
Đi lễ chùa Hương

Ở Hà Tĩnh, ngay sau giao thừa, nhiều người dân đã hành hương về chùa Hương Tích, đền Bà Hải, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và nhiều đền, chùa, đình, miếu để du xuân, hái lộc, vãn cảnh và khấn nguyện. Một phút tĩnh tâm trước anh linh người đã khuất, trong khói hương trầm mặc, mỗi người tự soi lại mình trước những điều thánh thiện, thiêng liêng. Tìm hiểu những bài học của cha ông qua các di tích danh thắng cũng là để tìm cho mình cách ứng xử tốt nhất trong hiện tại.

Thiên nhiên dường như công bằng với tất cả mọi người, không kể sang hèn. Chính vì vậy, ai mở lòng đến với thiên nhiên đều được hưởng lộc trời ban. Đó là không khí trong lành, làn gió mát, tiếng xạc xào của rừng cây, bầu trời thanh thiên và dòng nước mát trong lành từ sông suối. Những cảm giác khác lạ làm đổi thay thế giới quan về thiên nhiên và cuộc sống. Con người bản thiện hơn, nhân ái hơn, hiền hòa hơn và muốn tránh xa cái xấu, cái thấp hèn, muốn mang đến điều tốt lành cho người thân, gia đình, cộng đồng. Người ta cảm thấy lòng mình thanh tịnh, thơ thới, cảm thấy giá trị lớn lao của cuộc sống mình đang có, mong muốn được làm việc tốt nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Tôn trọng và hòa mình vào thiên nhiên, con người sẽ luôn được thiên nhiên bảo vệ và chở che. Du xuân là dịp tốt nhất để mỗi người đón nhận quà tặng của thiên nhiên, quà tặng của quá khứ, để hoàn thiện bản thân trong hiện tại và tương lai. Cũng nhờ hoạt động du xuân mà những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành, du lịch đã có thêm nguồn thu và nhiều di tích lịch sử văn hóa có thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Hành trình du xuân của nhiều người ngày càng xa, đến với những trải nghiệm mới lạ, nhiều khám phá mới, để rồi sau mỗi chuyến đi, mỗi người lại có thêm sức khỏe và nghị lực để bắt đầu một năm học tập và công tác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast