Ông Định truyền thanh

(Baohatinh.vn) - Không có thêm khoản thù lao nào ngoài số tiền phụ cấp chưa đầy 700.000 đồng/tháng, thế nhưng, gần hai chục năm nay, trên chiếc xe đạp cà tàng, ông Trần Văn Định (72 tuổi, ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà) vẫn miệt mài đến với các thôn nắm bắt, khai thác và viết tin, bài, kịp thời phản ánh thông tin thông qua hệ thống truyền thanh xã.

Người dân ở đây yêu quý gọi ông cái tên trìu mến: “Ông Định truyền thanh”.

Chúng tôi về xã Hồng Lộc đúng dịp lúa vụ xuân vào mùa thu hoạch. Trên hệ thống loa truyền thanh xã, đang phát bản tin về thu hoạch lúa. Hỏi thăm nhà ông Trần Văn Định, một phụ nữ ở thôn Trung Sơn cho biết: “Tiếng ông Định đấy, ông đang đọc bản tin trên loa. Từ ngày xã kéo dây mắc loa ở thôn, tôi hằng ngày nghe ông Định phát thanh. Giọng ông khỏe, rõ ràng, mạch lạc; tin, bài ông viết đa dạng, từ phát triển sản xuất nông nghiệp đến bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, hàng ngày chúng tôi có thể nắm được tình hình trong xã, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

ong dinh truyen thanh

Hằng ngày trên chiếc xe đạp lọc, cọc ông Định vẫn cần mẫn đưa đầy đủ thông tin đến tận xóm, làng.

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Định. Trong căn nhà đơn sơ, ông tiếp chúng tôi bằng bát nước chè xanh và nụ cười hồn hậu, với câu chuyện xoay quanh chặng đường gần 20 năm làm công tác thông tin tuyên truyền tại xã.

Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, tháng 3/1997, ông Định trở về quê. Có năng khiếu kẻ vẽ biển tường, khẩu hiệu nên ông được xã chọn làm cán bộ văn hóa thông tin. Để động viên thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ, nhân dân tích cực lao động sản xuất, mỗi tối, chàng thanh niên Trần Văn Định lại cùng một số anh em làm công tác văn hóa thông tin trong xã xách đèn, mang loa tôn, trèo lên những nơi cao nhất của các thôn để thông tin tuyên truyền, cổ động.

Ông Định kể: Vào những năm đầu khi mới thành lập đài truyền thanh xã, một mình ông “diễn” cả mấy vai, vừa viết, vừa biên tập, đọc phát thanh, vừa là kỹ thuật viên. Để có được những khung giờ phát sóng đều đặn, hàng ngày, ông xuống các thôn nắm bắt tình hình, khai thác thông tin; sau đó, về nhà viết tin, bài, với trăn trở làm sao để thông tin đến được với người dân một cách dễ hiểu, đầy đủ và chân thực nhất. Khi muốn truyền tải thông tin đến tận các thôn, ông phải tự vác chiếc âm ly đi đến từng thôn để đọc các bản tin.

Ông cho biết, mặc dù khá vất vả, nhưng ông rất hài lòng với công việc mình đã và đang làm. Hạnh phúc không gì đánh đổi được, đó chính là ánh nhìn thân thiện, nụ cười cởi mở, những câu chào hỏi vồn vã của người dân trong xã mỗi lần gặp, chưa nghe ai trách móc về các chương trình của mình. Vì vậy, với ông, việc viết lách vừa là trách nhiệm, vừa là niềm say mê, vinh dự mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân giao phó.

ong dinh truyen thanh

Không bất kể ngày hay đêm, mưa nắng ông vẫn nhiệt huyết với công việc thầm lặng, giúp người dân vùng quê nghèo nắm bắt được thông tin.

Từ truyền thanh có dây đến truyền thanh không dây, qua 20 năm trực tiếp làm cán bộ truyền thanh, mọi cung đường trong xã đều in dấu chân ông. Hiện tại, bên cạnh việc thường xuyên có mặt tại UBND xã tiếp âm chương trình của đài tỉnh, huyện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, ông Định vẫn tiếp tục đi các thôn lấy thông tin viết tin, bài phát sóng đều đặn hàng tuần vào chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu và phát lại vào hôm sau.

Với vai trò là trưởng đài truyền thanh xã, ông không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tin, bài bằng việc đọc Báo Hà Tĩnh để lấy thông tin, rồi lồng ghép các nội dung vào các tin, bài địa phương. Ngoài ra, ông thường túc trực truyền thanh trực tiếp các kỳ họp đảng bộ, hội đồng nhân dân, các sự kiện quan trọng của xã để đông đảo nhân dân được nghe.

Ông Mai Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: Những nỗ lực của ông đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát triển KT-XH địa phương.

Năm nay, dù đã bước sang tuổi 72, thế nhưng, khi được hỏi lúc nào có ý định nghỉ công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này, ông Định nói nhanh: “Còn bước được là tui còn đưa thông tin đến với bà con làng xóm”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast