Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong năm 2018

Trong năm 2018, nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực như: Bộ luật Hình sự, tăng lương cơ sở, giảm giá cước mạng điện thoại di động...

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực. Theo đó, 11 tội danh tại Bộ luật Hình sự 1999 không còn gồm: Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tảo hôn; Đăng ký kết hôn trái pháp luật.

Trong đó, tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng được thay thế bằng 9 tội danh mới.

Nhiều tội danh khác bỏ án tử hình gồm: Cướp tài sản; Đầu hàng địch; Chống mệnh lệnh; Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong năm 2018
Bộ luật Hình sự 2015 bỏ 11 tội danh có trong Bộ luật Hình sự 1999. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Bỏ quy định bán xe phải thông báo với công an

Thông tư 64/2017 của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2014 quy định về đăng ký xe có hiệu lực từ ngày 12/2. Theo đó, ôtô, xe máy biển xanh; Xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, khi có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.

Thông tư 64/2017 đã bỏ nội dung của điều 5 Thông tư 15/2014 về việc "người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi" và nội dung "chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe".

Điều này đồng nghĩa với việc quy định người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe để theo dõi sẽ không còn hiệu lực.

Giảm 20% cước điện thoại di động

Thông tư 48 của Bộ Thông tin Truyền thông quy định về giá cước điện thoại có hiệu lực từ 1/5.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong năm 2018

Theo đó, giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng thông tin di động được giảm từ 500 đến 550 đồng/phút còn: 400 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội; 440 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, MobiFone, Vietnammobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu.

Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút (quy định hiện nay là 415 đồng/phút).

Tăng lương cơ sở

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, mức lương cơ sở từ ngày 1/7 là 1,3 triệu đồng/tháng (tăng 90.000 đồng so với trước).

Mức lương này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang.

Tăng mức trợ cấp cho người có công

Nghị định 99/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 27/8 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau: Tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong năm 2018
Lương cơ sở tăng lên 1.390.000 đồng/tháng từ 1/7/2018. Ảnh: V.D.

Với thay đổi trên, mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng của người có công với cách mạng được điều chỉnh như sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thuộc diện thoát ly được tăng 110.000 đồng, diện không thoát ly tăng 186.000 đồng. Trợ cấp tiền tuất với thân nhân của một liệt sĩ là: 1.515.000 đồng mỗi tháng (tăng 98.000 đồng); trợ cấp tiền tuất với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là: 4.545.000 đồng mỗi tháng (tăng 294.000 đồng).

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.270.000 đồng mỗi tháng (tăng 82.000 đồng); Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng phụ cấp 760.000 đồng mỗi tháng (tăng 49.000 đồng).

Cấm hình ảnh hút thuốc lá trong phim cho trẻ em

Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch có hiệu lực từ 15/11, quy định tác phẩm sân khấu, điện ảnh không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong một số trường hợp.

Cụ thể, trường hợp thể hiện hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này; ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em...

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong năm 2018
5 trường hợp được khám chữa bệnh miễn phí từ 1/12. Ảnh: Nguyễn Minh.

Ngoài ra, diễn viên chỉ được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh khi: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của hội đồng thẩm định.

5 trường hợp được hỗ trợ 100% phí khám chữa bệnh

Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2018, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật Bảo hiểm y tế.

Theo nghị định, 5 trường hợp được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm: Người có công với cách mạng; Người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Cũng theo quy định, các tuyến xã, trường hợp trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở (1,39 triệu đồng/tháng) cũng được hỗ trợ 100%. Đối với các trường hợp khác, mức hưởng bảo hiểm y tế chỉ từ 80 đến 95%.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast