Trắng trong

(Baohatinh.vn) - Bài thơ Trắng trong của Lâm Thị Mỹ Dạ không dài dòng câu chữ, không diễn thuyết nhiều lời, mỗi câu thơ có “độ nén” của cung bậc cảm xúc. Đây là một bài thơ có tứ thơ độc đáo, làm sáng lên hình ảnh một người mẹ đang ngồi cho con bú.

Theo Yeutre.vn

Theo Yeutre.vn

Đôi làn môi con

Nghiêng về vú mẹ

Như cây lúa nhỏ

Nghiêng về phù sa

Như bông hoa thơm

Nghiêng về ngọn gió.

***

Đôi làn môi con

Ngậm đầu vú mẹ

Như búp hoa huệ

Ngậm tia nắng trời.

***

Sữa mẹ trắng trong

Con ơi hãy uống

Rồi mai khôn lớn

Con ơi hãy nghĩ

Những điều trắng trong.

Lâm Thị Mỹ Dạ

Từ xưa tới nay, mẹ là đề tài mênh mông cho giới nghệ sĩ khát khao tìm tòi và sáng tạo. Hình tượng người mẹ lung linh trong nhạc, thơ, họa và điêu khắc qua từng chuỗi thời gian, những biến cố lịch sử. Nghệ thuật không chỉ ngợi ca, tô điểm người mẹ mà còn làm toát lên triết lý nhân sinh qua hình tượng mẹđể dạy con biết làm người.

Bài thơ Trắng trong của Lâm Thị Mỹ Dạ không dài dòng câu chữ, không diễn thuyết nhiều lời, mỗi câu thơ có “độ nén” của cung bậc cảm xúc. Đây là một bài thơ có tứ thơ độc đáo, làm sáng lên hình ảnh một người mẹ đang ngồi cho con bú.

Ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh người mẹ được nhà thơ vẽ lên bằng những cảm xúc chảy đầy trong tâm hồn. Khi bầu vú đang căng tròn, đứa con đang khát sữa cần được bú và hồn nhiên đưa bàn tay ra day vú mẹ. Trẻ thơ ai mà chả thế. Và người mẹ nào không thấy tràn ngập hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi dường như cả vũ trụ này, mẹ chỉ dành cho con sự sâu lắng từ dòng sữa ấy. Dòng sữa của người phụ nữ được quyền làm mẹ và đứa bé sinh ra được quyền làm con, được quyền đòi hỏi mẹ ấp iu, vuốt ve. Dẫu nhà thơ không vẽ nụ cười của mẹ và nụ cười của con nhưng đọc mỗi dòng, mỗi chữ, ta vẫn thấy cả một biển trời yêu thương từ nụ cười trong đôi mắt của mẹ. Chính những tia sáng diệu kỳ không có hình khối này được người đọc đón nhận qua hình tượng: con nghiêng về vú mẹ như cây lúa nhỏ/ nghiêng về phù sa, như bông hoa thơm/ nghiêng về ngọn gió.

Ở khổ 2 của bài thơ vẫn là hình ảnh đứa con bú mẹ nhưng sự dịch chuyển ý thức khác hơn, đó là búp hoa huệ/ngậm tia nắng trời. Đấy là sự lớn dần của đứa con đã được truyền sang từ tư tưởng, đạo đức người mẹ.

Triết lý của bài thơ gói gọn trong 2 câu cuối. Đấy là lời khuyên răn, nhắn nhủ, hy vọng từ nguồn sữa trắng trong mẹ đã cho con, con đã uống sữa này là lớn lên phải biết làm người, phải biết hiểu điều hay: Hãy nghĩ những điều trắng trong.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast