Hệ điều hành của Huawei có đủ hấp lực khiến người dùng bỏ rơi Android?

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei sẽ tiết lộ thêm chi tiết về hệ điều hành HarmonyOS tự phát triển – được cho là đối thủ cạnh tranh với iOS và Android - tại một hội nghị sắp tới.

Hệ điều hành của Huawei có đủ hấp lực khiến người dùng bỏ rơi Android?

Ảnh minh họa - Reuters

Tuy nhiên, liệu các tín đồ công nghệ đã sẵn sàng để từ bỏ Android và chuyển sang một phương án thay thế của Trung Quốc vốn chưa được kiểm nghiệm? Và liệu Google – chủ sở hữu hệ điều hành Android – có cảm thấy lo ngại?

Tuần trước, tờ Global Times đưa tin dòng điện thoại mới của Huawei trang bị hệ điều hành HarmonyOS nhiều khả năng sẽ lên kệ trong năm nay. Theo tờ báo của Trung Quốc, chiếc điện thoại này nhắm đến phân khúc trung bình và thấp trong thị trường điện thoại thông minh, với giá chừng 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu đồng).

“Con át chủ bài” mới của Huawei có thể sẽ xuất hiện tại hội nghị các nhà phát triển thường niên của hãng khai mạc bên hồ Songshan, tỉnh Quảng Đông ngày 16/8. Liệu HarmonyOS sẽ lôi kéo khách hàng khỏi Android bằng cách nào?

Đáng lưu ý, HarmonyOS chưa từng là ưu tiên của Huawei. “Gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc – hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung của Hàn Quốc – vẫn bằng lòng sử dụng hệ điều hành Android của Google trên thiết bị của mình, cho đến khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi.

Trong cuộc chiến tranh thương mại sôi sục giữa hai nước, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bổ sung Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5, cấm các hãng công nghệ của Mỹ bán linh kiện cũng như cung cấp dịch vụ cho hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc này.

Theo đó, các nhà sản xuất chíp điện tử hàng đầu như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc. của Mỹ sẽ không cung cấp thiết bị cho Huawei tới khi nào có thông cáo tiếp theo. Google cũng tuyên bố ngưng cấp giấy phép và cắt đứt mọi thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với “ông lớn” Huawei. Với quyết định này, Huawei cũng sẽ mất quyền truy cập nâng cấp hệ thống điều hành Android, và một số mẫu điện thoại thông minh sắp tới của Huawei không thể mở được ứng dụng Google, bao gồm Google Play Store và Gmail.

Lệnh cấm bán thiết bị trên đã được tạm hoãn một tháng sau đó, tuy nhiên sau khi Giám đốc mảng di động của Huawei, ông Richard Yu công bố về “Kế hoạch B” cho một hệ điều hành thay thế Android. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Ren Zhengfei cũng tiết lộ hệ điều hành này đã được phát triển từ trước đó.

Lựa chọn giữa Android – có 2,5 tỷ người sử dụng hàng tháng trên toàn thế giới – và một hệ điều hành “Kế hoạch B” dường như là điều hiển nhiên với người dùng. Dù vậy, ông Yu khẳng định các ứng dụng của Android có thể hoạt động tốt trên nền tảng của Huawei, thậm chí còn có thể cải thiện hiệu năng của chúng.

Theo Global Times, hai nhà sản xuất điện thoại OPPO và VIVO của Trung Quốc đã chạy thử hệ điều hành “Made in China” và cho biết nó chạy nhanh hơn Android đến 60%.

Nếu canh bạc của Huawei thành công và tập đoàn này từ bỏ hoàn toàn Android, Google có thể bị mất đến 800 triệu người dùng theo tuyên bố của ông Ren Zhengfei hồi tháng trước.

Thế nhưng, nếu HarmonyOS thất bại, Huawei có thể tụt lại phía sau Samsung, Apple cùng những hãng sản xuất khác của Trung Quốc. Thành công cho Huawei có thể sẽ phụ thuộc vào việc cho ra đời một hệ điều hành hiệu quả cũng như thuyết phục được các hãng điện thoại khác của Trung Quốc chuyển sang sử dụng sản phẩm của nó.

Trong khi tính khả dụng của các ứng dụng sẽ là quan tâm lớn nhất của người sử dụng, lựa chọn giữa HarmonyOS và Android cũng sẽ dựa trên hai đặc điểm chính: chống virus và độ bền pin. Tính năng Google Play Protect của Google đang tiến hành kiểm tra an toàn trên bất kỳ ứng dụng nào được tải xuống thiết bị Android.

Không có sự kiểm duyệt trên, Google từng cảnh báo điện thoại Huawei dùng HarmonyOS hoặc một phiên bản không được hỗ trợ của Android trong thời gian chuyển tiếp lệnh cấm dịch vụ, có thể “gặp nhiều nguy cơ bị tấn công hơn”.

Vấn đề tuổi thọ của pin điện thoại vẫn chưa được đáp ứng trên các thiết bị chạy Android. Mặc dù đã tung ra nhiều tính năng tiết kiệm pin nhưng phiên bản mới nhất của hệ điều hành này còn bị cho là ngốn pin của người dùng nhanh hơn trước.

Ở mặt này, Huawei có thể ghi điểm. Vốn được phát triển cho mục đích sử dụng trong công nghệ và kết nối vạn vật “Internet of Thing”, HarmonyOS có thể chứa ít mã code hơn những hệ điều hành khác nên có thể tiết kiệm năng lượng hơn.

Tuy nhiên, bản chất cũ kỹ của chuỗi code này đã làm dấy lên đồn đoán về việc Huawei có quan tâm đến việc sử dụng hệ điều hành trên cho điện thoại hay không. Hồi tháng 6, Phó Chủ tịch Huawei cho biết vì riêng lý do này, Huawei vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Google nếu được – một tuyên bố trái ngược với tin tức của tuần qua.

Những câu trả lời cụ thể hơn vẫn còn rất mơ hồ. Cho đến khi có thêm thông tin được tiết lộ tại hội nghị ngày 16/8, mối đe dọa đối với sự thống trị của Google vẫn chỉ là đồn đoán.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast