Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy

(Baohatinh.vn) - Xã Phù Lưu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy (hay còn gọi là đền Thành hoàng, đền Trần Đức Lân).

Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy

Sáng 2/4, xã Phù Lưu phối hợp với ngành VH-TT&DL tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy.

Đền Vĩnh Tuy được xây dựng ở thôn Thái Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà. Đây là nơi phụng thờ hiền nhân Trần Đức Lân (không rõ năm sinh, năm mất).

Theo gia phả dòng họ, Trần Đức Lân là con thứ 5 của quan Đông các Đại học sĩ Trần Đức Mậu - người từng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức 3 (tức năm 1472) và từng làm quan đến chức Đông Các Đại học sĩ.

Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy

Di tích lịch sử - văn hóa đền Vĩnh Tuy ở Thái Hòa, xã Phù Lưu.

Về công lao, sách “Nguyễn Đức thị Đông các phổ toàn biên” ghi rõ: “Trần Đức Lân có công đắp con đê Hồng Đức và khai khẩn ruộng hoang ở Vĩnh Thái (tục gọi là Đồng Nại). Về sau có sắc chỉ cho được cai quản số ruộng mình khai hoang nên ông chiêu tập người trong họ ở Ích Hậu và Phù Lưu đến đây dựng nhà lập ấp, lập nên thôn Vĩnh Thái. Sau khi mất được phong làm phúc thần ở đấy”.

Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy

Ngôi đền được hậu duệ và Nhân dân phát tâm xây dựng năm 2014 để tưởng nhớ công đức của tiền nhân (ảnh hồ sơ di tích).

Theo các cụ cao niên, trước đây đền Vĩnh Tuy có 3 toà là thượng điện, trung điện và hạ điện nhưng về sau xuống cấp dần và đến năm 1962 thì trở thành phế tích nên các sắc phong, bài vị, đồ tế khí phải hợp tự về một ngôi đền khác trong vùng.

Vào năm 1994, dân làng đã đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng lại một ngôi miếu nhỏ đề thờ vọng bậc hiền nhân.

Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Vĩnh Tuy

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL cùng lãnh đạo huyện Lộc Hà trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa đền Vĩnh Tuy cho chính quyền, Nhân dân địa phương.

Đến năm 2014, hậu duệ và con em xa quê, Nhân dân trong vùng phát tâm công đức, xây dựng lại một ngôi đền mới với kiến trúc một tòa 3 gian và các hạng mục như tam quan, bình phong, tháp chuông… khang trang, bề thế như hiện nay. Ngoài dịp lễ tết, ngày rằm, vào ngày mồng 4/3 và ngày 6/6 (âm lịch) hàng năm con cháu trong dòng họ, Nhân dân trong vùng đều đến hương khói, phụng thờ trang nghiêm, chu đáo, thành kính.

Theo cứ liệu lịch sử và các cụ cao niên, Trần Đức Lân được vua Tự Đức ban tặng 6 đạo sắc, vua Khải Định ban 1 đạo sắc, đều phong làm Thành hoàng của làng Vĩnh Tuy. Cả 7 đạo sắc này về sau do hợp tự nên chuyển đến một ngôi đền khác trong vùng nhưng vì thời gian và quá trình lưu giữ, bảo quản không tốt nên đã bị hư hỏng.

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast