Dịch bệnh gia súc phát sinh từ... chủ quan, lơ là!

(Baohatinh.vn) - Từ thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún cùng với sự chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức của người dân, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) thường xuyên xẩy ra trên địa bàn huyện Can Lộc.

Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp

Chúng tôi trở lại xã Mỹ Lộc (Can Lộc) sau hơn 2 tuần dịch bệnh LMLM xẩy ra trên địa bàn. Tại thôn Đại Đồng, mặc dù dịch bệnh đã ổn định nhưng công tác phòng chống dịch vẫn đang được chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đi tìm nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh LMLM thường xuyên xẩy ra trên địa bàn mới vỡ lẽ nhiều điều. Trước hết, công tác phòng chống dịch bệnh ở đây dường như không được người dân chú trọng.

Dịch bệnh gia súc phát sinh từ... chủ quan, lơ là! ảnh 1

Gia súc của gia đình anh Trần Văn Hùng ở thôn Đại Đồng (xã Mỹ Lộc) chỉ khỏi bệnh sau khi được cán bộ thú y chữa trị.

Gia đình anh Trần Văn Hùng (thôn Đại Đồng) có bò bị bệnh LMLM là do chưa được tiêm vắc-xin phòng dịch. Lý giải về điều này, vợ anh Hùng cho rằng: “Do bò đang mang thai nên không tiêm”?! Nhưng sau khi bò sinh con, gia đình anh vẫn không tiêm nên bị lây bệnh từ bò của gia đình khác trong thôn.

Ông Trần Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: Toàn xã có 1.683 con trâu, bò và hơn 5.000 con lợn, thế nhưng, tỉ lệ tiêm phòng LMLM định kỳ đợt 2 chỉ đạt xấp xỉ 40%. Riêng thôn Đại Đồng có 323 con trâu, bò, nhưng chỉ tiêm được 67 con, chiếm khoảng 11%. Qua tìm hiểu được biết, việc tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp trước hết là do vai trò của cán bộ thú y cơ sở còn mờ nhạt. Thậm chí, mới đây, khi đã phát hiện dịch bệnh, cán bộ thú y xã Mỹ Lộc vẫn cố tình giấu dịch, tự chữa trị. Cán bộ này đã bị UBND xã Mỹ Lộc ra quyết định buộc thôi việc vì trình độ chuyên môn kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống dịch. Thế nhưng, do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, cùng với nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế nên tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt thấp. Trong đó, các xã chăn nuôi theo hình thức nông hộ, trâu bò thả rông như: Mỹ Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc... thường “dính” dịch bệnh.

Dùng thuốc nam chữa trị

Chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức đối với những dịch bệnh thông thường xẩy ra trên đàn gia súc nên không ít người chăn nuôi chịu cảnh “dở khóc, dở mếu ”. Bà Ngô Thị Đông (xóm Đại Đồng, Mỹ Lộc) có 3 con bê mắc bệnh, nhưng không báo chính quyền địa phương mà tự ý chữa trị. Sau khi phát hiện gia súc mắc bệnh LMLM, được nhiều người “mách” mua thuốc nam về chữa là khỏi, bà sang xã Thượng Lộc tìm gặp ông H. để cắt thuốc. Bốc 4 thang thuốc với giá 200 nghìn đồng, nhưng bệnh của bê vẫn không giảm mà còn nặng thêm. Khi cán bộ chuyên môn của huyện về kiểm tra, chữa trị thì những con gia súc này mới dần bình phục.

Tìm hiểu thêm tại các xã thường xuyên xẩy ra dịch bệnh, nhiều người dân cũng tự ý mua thuốc nam về sắc cho gia súc uống. Ông Trịnh Phi Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc cho rằng: Trung Lộc là địa bàn thường xuyên xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Các hộ chăn nuôi giấu dịch và tự mua thuốc nam về chữa trị nên gia súc mắc bệnh không khỏi, dẫn đến lây lan sang đàn gia súc của các hộ khác, do đó, việc phát hiện và kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc - Đoàn Minh Lương cho biết, thuốc nam không có tác dụng chữa bệnh LMLM cho gia súc. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, các hộ phải nuôi nhốt, cách ly, đồng thời tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Tiếp đến, dùng khế, chanh và

xanh-methylen bôi vào chỗ lở loét để sát trùng, cho gia súc ăn cháo loãng nhằm tăng sức đề kháng... “Để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh, chính quyền địa phương cần coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn để phát hiện bệnh sớm, xử lý kịp thời. Mặt khác, cán bộ thú y cơ sở có vai trò, trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng ngừa, chữa trị đúng kỹ thuật để hạn chế dịch bệnh lây lan” - ông Lương nhấn mạnh.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast