Hương Khê: Mưa hết, lũ vẫn còn!

Hương Khê là địa phương chịu ảnh hướng nặng nề nhất của trận mưa lũ vừa qua. Mưa hết, nhưng lũ vẫn còn làm cô lập một số địa phương, học sinh phải nghỉ học, phương tiện đi lại duy nhất là những chiếc thuyền.

Để vào được xã Hương Điền người dân phải đi bằng thuyền

Để vào được xã Hương Điền người dân phải đi bằng thuyền

Sau những trận mưa dài ngày tầm tã, chúng tôi về Hương Khê – nơi bị thiệt hại nhiều nhất về người và tài sản do trận mưa đầu mùa vừa qua. Mặc dù nước đã rút những ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện nước lũ vẫn dâng cao, giao thông bị chia cắt. Con đường vào xã Hương Điền ngập chìm trong nước, phương tiện đi lại bây giờ duy nhất chỉ bằng thuyền. Chiếc thuyền nan đưa chúng tôi vào UBND xã chòng chành giữa mênh mông biển nước. Vài người dân cho biết, nước ngập từ hai ngày trước, bây giờ rút đi nhiều nhưng vẫn còn sâu chừng hơn mét. Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Điền dẫn chúng tôi đi xem một số công trình bị sạt lở và cho biết thêm: Hiện tại Hương Điền đang bị chia cắt thành hai vùng. Vùng Đồn Điền xóm 1 và vùng xóm 6 giáp xã Phương Mỹ người dân không thể đi lại được do nước ngập sâu. Thiệt hại nặng nhất sau trận mưa vừa qua ở Hương Điền là mất trắng 30ha diện tích lúa hè thu đang ở kỳ trà xanh. Theo ông Minh thì mưa lũ đến khá bất ngờ nhưng nhờ sự chủ động của người dân nên thiệt hại về người và tài sản khác không đáng kể. Phải hai ngày tới nước mới rút hết, chính quyền địa phương sẽ cắt cử người chèo thuyền phục vụ người dân qua lại.

Mưa lớn làm sát lở tuyến đường tại xã Hương Điền

Mưa lớn làm sát lở tuyến đường tại xã Hương Điền

Dự định đi thuyền từ Hương Điền qua Phương Mỹ của chúng tôi không thể thực hiện được do nước ngập cao và chảy xiết. Qua điện thoại ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch UBND xã được biết: Tuy nước lũ ở sông Ngàn Sâu đã rút những rốn lũ Phương Mỹ hiện 12 thôn xóm vẫn bị cô lập. Người dân ở đây quá quen với lũ nên trước khi lũ về họ đã chủ động cất trữ lương thực để sống chung với lũ. Những ngôi nhà tránh lũ đã chất đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết. Nỗi lo của người dân Phương Mỹ hiện nay là khi nước lũ rút sẽ thiếu nước sạch và dịch bệnh bùng phát…

Hương Đô là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản bởi trận lũ ống gây ra. Theo thống kê ban đầu, trận lũ này Hương Đô có 8 bị thương khi đang vận chuyển tài sản về nơi an toàn. Hơn 150ha lúa và hoa màu ngập chìm trong nước và gần 4.500 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Một số cầu cống, hồ đập kênh mương và đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, ước tính thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng. Ông Đinh Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho rằng: Cơn lũ này cũng khá bất ngờ như cơn lũ vào năm 2007. Trước đó lượng mưa bình thường nhưng vào ngày 5-9 mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên chỉ trong thời gian ngắn nước lũ dâng cao, nhiều hộ dân không kịp trở tay vận chuyển đồ đạc, gia súc gia cầm tránh lũ. Chỉ sau một tiếng đồng hồ UBND xã bị ngập hơn một mét nước. Các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bị ngập sâu từ 1,2m đến 1,7 mét. Hàng trăm em học sinh không thể tham gia khai giảng năm học mới. Hiện chính quyền địa phương đang huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn lũ gây ra.

Đập Lù ở xã Phúc Trạch sạt lở nghiêm trọng, chính quyền huy động lực lượng đến ứng cứu.

Đập Lù ở xã Phúc Trạch sạt lở nghiêm trọng, chính quyền huy động lực lượng đến ứng cứu.

Các tổ chức đoàn thể ra quân dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các trường học và tiến hành sửa chữa tạm thời các tuyến đường bị sạt lở, tạo thuận lợi cho người dân qua lại…Bước đầu chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên trước mắt hỗ trợ những người bị thương. Theo ông Lâm, trận lũ vừa qua cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão lụt ở địa phương. Để tiếp tục chủ động đối phó, hạn chế thấp nhất về thiệt hại do bão lụt gây ra, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời đưa người và tài sản về nơi an toàn, dự trữ lương thực thực phẩm thiết yếu trong mưa lũ…Mặt khác, chính quyền địa phương thường xuyên tục trực chỉ đạo; đảm bảo tốt các phương án “4 tại chỗ” để chủ động khi có sự cố xẩy ra….

Báo cáo của Ban phòng chống bão lũ tỉnh cho biết, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn tỉnh ước tính khoảng 29 tỉ đồng. Theo thống kê ban đầu có hơn 1.500 hộ dân bị ngập lụt nặng, 3.886 ha lúa hè thu bị chìm trong nước lũ. Ngoài ra nhiều công trình giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt sự cố sạt lở ở đập Lù của xã Phúc Trạch (Hương Khê) rất ngiêm trọng, hàng trăm người dân được huy động đến cứu đập trong đêm 6-9.

Trận mưa lớn đầu mùa mưa bão, toàn huyện Hương Khê có 10 người bị thương và hơn 1.500 ngôi nhà dân thuộc các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Đô, Gia Phố, Phương Điền, Phương Mỹ bị ngập chìm trong nước. 1.500 ha lúa và ha đậu hè thu và cây ăn quả bị ngập. Một số trường học, trạm y tế thuộc các xã Hương Đô, Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Hương Lâm, Phúc Đồng... bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m, học sinh phải nghỉ học. Những thiệt hại trên mới chỉ là số liệu thống kê bước đầu và các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ đang tập trung thống kể cụ thể để báo cáo. Hiện nay, huyện đang tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông, an toàn các bến đò ngang, phương tiện cho học sinh đi học và nhân dân di lại. Với phương châm “ xanh nhà hơn già đồng” các xã Phú Gia, Gia Phố, Hương Thủy đang tập trung thu hoạch lúa hè thu….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast