Đảm bảo an ninh mùa lễ hội

(Baohatinh.vn) - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm mới, các địa phương trên cả nước tiến hành tổ chức lễ hội. Hà Tĩnh cũng đã tưng bừng khai hội và hướng về cội nguồn, truyền thống. Cùng với các cấp, ngành, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã và đang đồng loạt ra quân, đảm bảo an ninh trong mùa lễ hội.

Đảm bảo an ninh mùa lễ hội ảnh 1

Công an Can Lộc phối hợp Ban Quản lý chùa Hương, Công ty Cáp treo Hà Tĩnh đảm bảo an toàn cho du khách.

Hà Tĩnh hiện có gần 90 lễ hội dân gian, trong đó, rất nhiều lễ hội phát huy giá trị trong đời sống nhân dân như: lễ hội đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết ở huyện Kỳ Anh; lễ hội đền Lê Khôi, lễ hội chùa Chân Tiên (Lộc Hà), lễ cầu ngư và hội đua thuyền ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng Hội Thống (Nghi Xuân), lễ hội Chùa Hương, Lễ kỳ phúc và hội thi vật làng Thuần Thiện (Can Lộc)… Vào dịp đầu năm mới, đến với các lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của mỗi người dân địa phương và du khách xa gần.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã sớm triển khai khai kế hoạch, bố trí các lực lượng phù hợp chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong mùa lễ hội. Theo đó, tập trung rà soát, bổ sung các phương án đảm bảo trật tự ATGT, phòng chống cháy nổ tại các lễ hội, điểm sinh hoạt văn hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi. Tham mưu chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, lễ hội, nhất là việc đốt hương, vàng mã, quá trình sử dụng điện, gas, xăng, dầu...; đảm bảo ANTT, không để các đối tượng xấu lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt.

Di tích đền Củi, hay còn gọi là đền thờ ông Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân), từ lâu đã nổi tiếng xa gần, không chỉ có phong cảnh hữu tình mà còn gắn với lịch sử từ bao đời nay. Với nhiều người dân trong cả nước, nếu đầu năm mới chưa đến thắp một nén nhang ở chốn linh thiêng thì mùa hành lễ cầu may đầu năm ấy chưa thật sự trọn vẹn. Để đảm bảo ANTT cho du khách đến vãn cảnh và dâng hương, trước dịp chính lễ, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp với Ban Quản lý đền phân công kế hoạch cụ thể, chi tiết, đảm bảo ANTT tại đây. Theo đó, lực lượng công an huyện, công an xã, tổ bảo vệ thường xuyên ứng trực, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bất ổn liên quan đến ANTT.

Vào những ngày cao điểm, lực lượng công an huyện và công an xã có mặt 24/24h ở các điểm nhằm ngăn chặn triệt để nạn móc túi, cướp giật, lừa đảo, hành khất, đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời, cấm các hộ kinh doanh dùng loa đài tăng âm để quảng cáo; cấm tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, kiên quyết không để đối tượng lưu manh hoạt động, đảm bảo cho nhân dân đến du xuân, dự hội an toàn.

Cùng với đền Củi, các di tích, lễ hội khác cũng được lực lượng công an xây dựng phương án, bố trí nhân lực phù hợp nhằm bảo đảm giữ vững ANTT. Tuy nhiên, khi lượng du khách tăng đột biến, điều dễ nhận thấy nhất ở các lễ hội là nảy sinh bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự văn minh lễ hội. Nhiều nơi lập quá nhiều ban thờ, hòm công đức, nhiều du khách đặt tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi, mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh, gây phản cảm cho sinh hoạt lễ hội.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, ban quản lý các di tích trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo ANTT trên diện rộng đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các tiểu thương chủ động trong công tác đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast