Nỗi niềm người bán rong cây cảnh

(Baohatinh.vn) - Trên chiếc xe đạp thồ, những người phụ nữ xa quê vẫn ngày ngày chở cây cảnh đi rao bán khắp TP Hà Tĩnh và các thị trấn lân cận như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc... Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con, họ phải gánh trên vai bao nỗi lo toan, vất vả.

Cực nhọc mưu sinh

Tờ mờ sáng, chị Hiền (quê Vĩnh Phúc) đã áo quần, giày tất đâu vào đó, chuẩn bị cho một ngày “hành quân” trên phố. “Cả hai vợ chồng cùng vào đây kiếm sống, tôi đi bán cây cảnh, còn chồng làm thợ nề. Đi bán cả ngày nên buổi trưa không về phòng trọ, ăn cơm bụi hoặc một mẩu bánh mì cũng xong bữa” - chị Hiền cho biết.

Chiếc xe đạp thồ của các chị chở đủ loại cây cảnh: sanh, lộc vừng, hoa sứ… Theo chị Hiền thì giá của các loại cây không giống nhau, cây vài trăm có, vài chục ngàn hay vài triệu đều có. Trong đó, sanh, lộc vừng là những loại có giá cao nhất, phải tiền triệu mỗi cây. Hầu hết cây cảnh đều đem từ quê vào. Tuy nhiên, ròng rã cả ngày nhưng không phải lúc nào cũng “đắt khách”. Có khi đi lòng vòng không bán được cây nào. “Một chuyến hàng tốn rất nhiều tiền vận chuyển, nên đau ốm nặng quá thì thôi, còn ốm sơ sơ thì phải cố mà đi”, chị Hạnh (quê Vĩnh Phúc) tâm sự.

Nỗi niềm người bán rong cây cảnh ảnh 1
Trên những chiếc xe đạp thồ, những người phụ nữ xa quê vẫn ngày ngày đi bán dạo cây cảnh để mưu sinh

Cuộc sống thường nhật của các chị gặp không ít khó khăn, luôn chất chứa bao nỗi lo về con cái, gia đình. Chị Hạnh than thở: “Tôi vào đây, còn chồng thì ra Hà Nội làm thuê nên nhà cửa, con cái đều gửi ông bà lo liệu. Vào nơi đất khách quê người phải trang trải bao nhiêu khoản: tiền phòng, tiền ăn, điện, nước,... lại phải gửi về ông bà một ít để lo cho con nên nhiều tháng chạy rã chân nhưng vẫn không đủ chi tiêu”. Anh Toàn (quê Bắc Ninh) cũng buồn bã: “Cực lắm! Những lúc trời nắng ráo thì không nói, nhưng khi mưa gió, bão bùng cũng phải mang nón, mang tơi chạy xe đi bán. Tôi thì chạy xe máy, chứ mấy cô đẩy xe đạp còn cực hơn”.

Mặc dù có hàng trăm nghề nhưng họ vẫn chọn và trung thành với nghề bán cây cảnh. Chắc hẳn, ngoài việc kiếm sống, các chị còn có một niềm đam mê đối với nghề. “Ngoài giúp mình kiếm sống, cây cảnh còn góp phần làm đẹp nhà cửa, vườn tược người khác” - chị Hạnh cười.

Nỗi buồn xa xứ

Đi bán cây cảnh khổ bao nhiêu các chị cũng chịu được, duy chỉ có nỗi nhớ nhà, nhớ con là khiến các chị bao đêm đẫm nước mắt. “Hai con đều giao cho ông bà nội rồi vào đây kiếm sống, việc học hành, ăn uống của chúng nó một tay ông bà lo liệu. Hàng năm, chúng tôi về hai lần là tết và ngày mùa, còn nếu có chuyện cần quá thì mới cất công về. Nhiều lúc nhớ con không tài nào ngủ được”, chị Hạnh ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ, chị Duyên (quê Vĩnh Phúc) cho hay: “Nhớ con thì một phần, nhưng lo cho chúng là phần nhiều, lúc con ốm đau, ông bà điện vào nhưng không phải lúc nào cũng về được bởi rất tốn kém. Sợ nhất là mình đi quanh năm, suốt tháng, thời gian ở gần, dạy dỗ con không được là bao, nên sợ chúng hư hỏng. Nghĩ đến đó, tôi lại muốn bỏ nghề”. Anh Toàn thì lại nghĩ: “Vì nuôi con, trang trải cuộc sống nên nén nhang thắp cho ông bà tổ tiên vào ngày giỗ, ngày rằm cũng không làm được. Khi mình có công chuyện thì hàng xóm, anh em giúp đỡ tận tình, còn vợ chồng mình lại đi biền biệt không giúp được cho ai”.

Theo các chị, làm ruộng thì có thời gian chăm sóc con cái, nhưng nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì chỉ đủ ăn, còn tiền chi tiêu, học hành cho con thì phải vay mượn. Chị Hiền tâm sự: “Ở nhà làm ruộng thì được một mùa vài tấn lúa, nhưng có bao nhiêu chi phí, may ra đủ ăn. Cho nên, nhớ nhà, nhớ con nhưng cũng phải bám trụ nơi này”.

Nghe tâm sự của các chị mới hiểu được nỗi lòng của người làm cha, làm mẹ. Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, nuôi con, họ phải gánh trên vai bao nỗi lo toan, vất vả.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast