Kỳ 2: Cần giải pháp căn cơ, bền vững

Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của TƯ và các nguồn vốn hỗ trợ khác, Hà Tĩnh đã ưu tiên tập trung tu bổ, nâng cấp được một số hồ chứa xung yếu. Tuy nhiên, chỉ thế là không đủ. Hà Tĩnh cần có đồng bộ các giải pháp an toàn hồ đập một cách căn cơ, bền vững.

Đảm bảo an toàn hồ đập ở Hà Tĩnh: Cần giải pháp lâu dài, bền vững

Kỳ 1: Hiểm họa chực chờ

Từ đầu tư, nâng cấp...

Trong nhiều thập kỷ qua, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa vừa và nhỏ, như hồ chứa Khe Lang (1959), hồ Thượng Tuy (1960), hồ Cây Trường (1961), hồ Nước Đỏ, Cây Sông (1962). Đặc biệt ngày 26/3/1976 công trình Kẻ Gỗ đã chính thức khởi công xây dựng và đến năm 1978 bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng với tổng dung tích hồ chứa 345 triệu m3 nước. Ngày 14/6/2009, khởi công hồ chứa nước Ngàn Trươi - Cẩm Trang có dung tích toàn bộ 752 triệu m3, đây là hồ chứa có tổng dung tích tương đương toàn bộ các hồ chứa hiện có của Hà Tĩnh. Và ngày 31/12/2011, khởi công xây dựng hồ Rào Trổ có dung tích 162 triệu m3 cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng với lưu lượng 780.000m3/ngày đêm, đây là hồ chứa lớn thứ ba trên đất Hà Tĩnh sau Ngàn Trươi - Cẩm Trang và Kẻ Gỗ.

Thân đập và tràn xả lũ Hồ Kẻ Gỗ vừa được nâng cấp toàn diện bằng nguồn vốn WB
Thân đập và tràn xả lũ Hồ Kẻ Gỗ vừa được nâng cấp toàn diện bằng nguồn vốn WB

Trừ hồ Trào Trổ và hồ Cẩm Trang có dung tích lớn kể trên, chỉ từ năm 2003 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của TƯ, nguồn vốn hỗ trợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, đồng thời huy động nguồn lực địa phương, Hà Tĩnh đã ưu tiên tập trung tu bổ nâng cấp được 67 hồ chứa xung yếu. Trong đó: Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo “Chương trình an toàn hồ chứa’’ đầu tư nâng cấp 13 hồ đập vừa và lớn xung yếu nhất; Nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới nâng cấp 19 công trình (trong đó hai hồ chứa lớn Kẻ Gỗ và Kim Sơn) được sửa chữa với tiêu chuẩn thiết kế mới. Ngoài ra, bằng nguồn vốn tài trợ từ các chương trình và nguồn ngân sách khác, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 36 hồ chứa nhỏ và đã cơ bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2012.

Nhờ đó mà hàng năm, toàn bộ 354 hồ đập ở Hà Tĩnh đảm nhiệm tưới chủ động cho hơn 63.454ha/95.000ha lúa. Ngoài ra hệ thống hồ đập còn cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt; cấp nước cho các ngành công nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác; đồng thời cắt giảm lũ hạ du, cải tạo cảnh quan môi trường...

... đến những giải pháp căn cơ

Tầm quan trọng, tác dụng to lớn mà hồ, đập chứa nước mang lại là không kể hết. Thế nhưng, theo tài liệu phóng viên hiện có, trong quá trình lập Dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa do không tính toán, cập nhật các tài liệu mới nhất về khí tượng, thuỷ văn, độ che phủ rừng ở thượng nguồn, lập hồ sơ kỷ thuật đồng bộ cho cả cụm công trình, mà chủ đầu tư và tư vấn chỉ lựa chọn các hạng mục xung yếu để khảo sát, lập hồ sơ sửa chữa, nâng cấp trước, dẫn đến có hồ chứa chỉ đầu tư được phần thân đập chính, có hồ chứa chỉ đầu tư sửa chữa tràn xả lũ... Với cách làm như vậy nên một số hồ chứa vừa thi công xong đã bộc lộ bất cập cần sửa chữa lại!.

Điển hình như: Hồ chứa nước Đập Lù (Phúc Trạch), mùa lũ năm 2009 và 2010 mực nước hồ chứa đã dâng cao ngang đỉnh đập do tràn xả lũ không đủ thoát lũ; hồ chứa nước Đập Trạng (Hương Thủy) nâng cấp năm 2004 đến nay hai bên mang tràn đã bị hỏng nặng, mái đập thượng lưu bị trượt cần phải được sửa chữa khẩn cấp. Một số công trình sau khi thi công xong đã xuất hiện thấm lớn cả thân đập, vai đập: hồ Khe Chẹt (Vũ Quang), hồ Đập Đá (Hương Khê); hồ Đá Bạc (Hồng Lĩnh)... do chất lượng đất đắp và biện pháp thi công chưa đảm bảo.

Hồ Đá Bạc đã sửa chữa nhiều lần nhưng tình trạng thấm chưa được xử lý dứt điểm
Hồ Đá Bạc đã sửa chữa nhiều lần nhưng tình trạng thấm chưa được xử lý dứt điểm

Một chuyên gia có thâm niên trong ngành thủy lợi tỉnh, bộc bạch: Để đảm bảo an toàn hồ đập, ngoài việc đảm bảo an toàn thân đập còn phải đảm bảo đồng bộ cho cả cụm công trình đầu mối (đập chính, đập phụ, cống lấy nước...), các công trình liên quan khác cùng với an toàn dân sinh, kinh tế, xã hội vùng hạ du chịu ảnh hưởng...

Theo ông này, đối với công việc trước mắt, các địa phương, đơn vị liên quan cần tranh thủ thời kỳ mực nước các hồ chứa xuống thấp, tổ chức kiểm tra ”khám” toàn diện các hồ chứa nước, đánh giá mức độ an toàn của từng công trình, phát hiện sớm các ẩn họa, các hư hỏng để kịp thời xử lý; ưu tiên nguồn vốn để xử lý 20 hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao. Cùng với đó, cần tiến hành rà soát, bổ sung và ban hành quy trình vận hành điều tiết đối với tất cả các hồ chứa nước; Tổ chức giải tỏa các vi phạm trong hành lang các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước, nhằm tạo hành lang thông thoáng cho việc kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố ngay giờ đầu; Tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư dự phòng chuẩn bị tốt phương án "bốn tại chổ" để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xẩy ra. Đối với các hồ chứa tràn xã lũ tự do, cần kiểm tra kỹ, xây dựng phương án tràn xã lũ phụ để khi mưa, lũ lớn xẩy ra cần thiết phải chủ động tháo lũ, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến dân sinh.

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, về lâu dài cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể (đập chính, đập phụ, cống lấy nước dưới đập, hệ thống tràn xả lũ) và các công trình liên quan (đường quản lý, hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống kênh dẫn, các công trình trên kênh, hệ thống thủy lợi trong khu tưới và cả vùng hạ du trong phạm vi hưởng lợi). Trên cơ sở đó xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa. Đặc biệt, đối với các hồ chứa nước có dung tích từ 5,0 triệu m3 trở lên cần nghiên cứu xây dựng tràn điều tiết sâu có cửa để chủ động điều tiết cắt, giảm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình. Kế đến, đổi mới và nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhất là đối với các tổ chức quản lý ở cơ sở cấp xã và các tổ chức hợp tác dùng nước. Coi trọng năng lực chủ đầu tư và việc lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị thi công các hồ chứa nước để đảm bảo an toàn, bền vững cho hồ chứa trong mọi trường hợp.

Theo ngành thủy lợi Hà Tĩnh, tập trung xây dựng một số trạm thủy văn đầu nguồn để có khả năng cảnh báo sớm, nhất là các hồ chứa lớn: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Rào Trổ, Ngàn Trươi, thủy điện Hố Hô là điều cần nghĩ sớm. Tiến hành lắp đặt các thiết bị quan trắc, lượng mưa, mực nước cho các hồ chứa có dung tích 0,2 triệu m3 trở lên, chủ động đối phó với mọi tình huống xấu nhất do thiên tai gây ra là việc không thể không làm. Qua thực tế cho thấy, đối với Thủy điện Hố Hô, thủy điện Hương Sơn, cần nghiên cứu xây dựng đường tràn sự cố, hệ thống cống xả sâu để khi cần thiết xả lũ đảm bảo an toàn cho công trình và dân sinh vùng hạ du, đồng thời phục vụ cho công tác tu sửa khi công trình có sự cố.

Một điều quan trọng khác là cần làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Muốn vậy cần đảm bảo tiến độ giao đất, giao rừng cho dân và doanh nghiệp. Thực hiện rừng có chủ. Hiện các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã tiến hành bàn giao việc quản lý rừng phòng hộ cho các Ban quản lý rừng để việc giữ rừng đầu nguồn được chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

An toàn cho hồ đập là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, những trận mưa, lũ vượt tần suất thiết kế xẩy ra ngày càng nhiều hơn, chính vì vậy nguy cơ xảy ra sự cố vỡ hồ đập rất lớn sẽ gây tổn thất nặng nề đến đời sông dân sinh và nền kinh tế của xã hội mà phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được. Để từng bước nâng cao độ an toàn của hồ đập, đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để Hà Tĩnh hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang thuộc Chương trình an toàn hồ chứa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast