Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận Tổ về kinh tế - xã hội.

Ngày 22/5/2015, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, tập trung thảo luận tại Tổ về quyết toán NSNN năm 2011, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2012, triển khai dự toán NSNN năm 2013 đồng thời tập trung thảo luận đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013.

Tại phiên thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã có 5 lượt ý kiến phát biểu đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 ( gồm ĐB Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn và các ĐB Trần Tiến Dũng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Ngọc Tăng và Nguyễn Văn Sơn). Đa số ý kiến đại biểu trong Tổ cơ bản thống nhất với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ. Đại biểu Trần Tiến Dũng, Trần Ngọc Tăng và Nguyễn Văn Sơn băn khoăn về chính sách an sinh xã hội như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, vấn đề y đức, giá thuốc và quá tải bệnh viện tuyến trung ương vẫn là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó là các vấn đề về Nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi và xây dựng nông thôn mới, việc làm cho người lao động và giải quyết việc làm...

Đại biểu Võ Kim Cự: Những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và yêu cầu tăng trưởng kinh tế năm 2013...
Đại biểu Võ Kim Cự: Những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và yêu cầu tăng trưởng kinh tế năm 2013...

Đại biểu Võ Kim Cự đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ và Bộ, Ngành Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kinh tế 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định như Báo cáo Chính phủ đã nêu: lạm phát tiếp tục được kiềm chế; dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại. Các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, băn khoăn trước tình hình hiện nay đại biểu Võ Kim Cự cho rằng các nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành thời gian qua, những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra; trong khi đó tái cơ cấu nền kinh tế chậm chuyển biến, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa có một chương trình đồng bộ, toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị.

Về tái cơ cấu đầu tư công, đại biểu cho rằng hiện nay mới chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì không thể bao hàm đầy đủ toàn diện các nội dung; mặt khác dự án Luật đầu tư công chậm trình Quốc hội so với dự kiến và chuyển trình Quốc hội từ Kỳ họp thứ 4 lên Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Đại biểu Võ Kim Cự nhất trí với các nhóm giải pháp của Chính phủ nêu và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đề xuất bổ sung vào các nhóm giải pháp một số nội dung sau:

Thứ nhất, Tái cấu trúc nền kinh tế phải đi đôi với cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và giảm gánh nặng cho ngân sách NN.

Thứ hai, cần có chuyên đề của Trung ương về phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương gắn với quy hoạch kinh tế vùng, liên kết vùng và xác định sản phẩm chủ lực của quốc gia, sản phẩm chủ lực vùng, tỉnh và địa phương; có cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích sản phẩm chủ lực nhằm khai thác triệt để tiềm năng lợi thế của vùng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội từng vùng và liên vùng.

Thứ ba, cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của cả nước một cách đồng bộ, thống nhất giữa trung ương và địa phương và quy hoạch ngành, lĩnh vực để đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thật sự hiệu quả, tránh lãng phí do đầu tư dàn trải.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast