Người biểu tình Hồng Kông đòi hạ bệ lãnh đạo

Giới nghị viên và các nhóm đòi dân chủ ở Hồng Kông cảnh báo nếu Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh không từ chức, họ sẽ tiếp tục hành động.

Người biểu tình Hồng Kông đòi hạ bệ lãnh đạo ảnh 1

Người biểu tình Hồng Kông tiếp tục xuống đường ngày 29.9 - Ảnh: AFP

Ngày 29.9, cuộc đại biểu tình phong tỏa khu vực trung tâm Hồng Kông vẫn tiếp diễn rầm rộ với hàng chục ngàn người tham gia, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Tuy nhiên, tình hình hôm qua không hỗn loạn như đêm 28.9, vốn đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động khiến 47 người, trong đó có 12 cảnh sát, bị thương. Cảnh sát thừa nhận đã dùng dùi cui để trấn áp và xịt hơi cay 87 lần vào đám đông.

Đến trưa 29.9, cảnh sát Hồng Kông quyết định rút lực lượng chống bạo động khỏi các khu vực đang bị chiếm đóng sau khi nhận định người biểu tình đã hành xử một cách ôn hòa. Sau đó, các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố “chiến thắng bước đầu” trước sự reo hò của biển người phong tỏa các lối dẫn vào Trung Hoàn, khu trung tâm hành chính - tài chính của Hồng Kông.

Được đà, các nhóm phản đối chính quyền đã lên tiếng đòi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh từ chức. Theo SCMP, 23 nhà lập pháp Hồng Kông ra tuyên bố ủng hộ “phong trào bất hợp tác” của người dân và kêu gọi ông Lương từ chức. Tương tự, Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông tuyên bố nếu không được đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm dân chủ, trong đó việc ông Lương cùng 3 quan chức phụ trách về cải cách bầu cử và chính trị phải từ chức, sinh viên sẽ tiếp tục bãi khóa. Trong hôm qua, đã có thêm học sinh của 3 trường trung học bỏ lớp để tham gia biểu tình. Cùng ngày, người Hồng Kông đang sinh sống tại các thành phố của Úc như Canberra, Sydney và Perth đã xuống đường bày tỏ ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở quê nhà, theo SCMP. Dự kiến, các sự kiện tương tự sẽ diễn ra vào ngày 1.10 ở Canada, Đan Mạch và Ireland. Hồi năm 2005, trưởng đặc khu đầu tiên của Hồng Kông là ông Đổng Kiến Hoa đã phải rời ghế khi chưa kết thúc nhiệm kỳ thứ hai sau khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền của ông.

Hôm qua là ngày bắt đầu một tuần làm việc mới và Hồng Kông đã chứng kiến những hệ quả tức thì của chiến dịch phong tỏa. Nhiều ngân hàng, trường học phải đóng cửa, các tuyến xe buýt phải chuyển hướng do đường phố tê liệt. Nhà môi giới chứng khoán Alex Mak chia sẻ với SCMP rằng ông buộc phải đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi mới tới chỗ làm nhưng ông vẫn ủng hộ phong trào đòi dân chủ. Ngược lại, một cụ bà tỏ ra rất bực bội khi phải xuống xe buýt nửa đường và cho rằng “lũ trẻ” đã gây ra nhiều phiền toái. Lo ngại tình hình căng thẳng, chính quyền Hồng Kông thông báo hủy cuộc bắn pháo hoa mừng Quốc khánh Trung Quốc tại cảng Victoria vào đêm 1.10. Ngoài ra, Singapore, Úc và Mỹ đã ra cảnh báo công dân cần thận trọng khi tới Hồng Kông.

Đến nay, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh vẫn tuyên bố kiên quyết phản đối phong trào biểu tình, đồng thời bác bỏ tin đồn quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp. Bên cạnh đó, giới chức Bắc Kinh bị cho là đã chặn ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram để ngăn những hình ảnh về biểu tình được lan truyền từ Hồng Kông, theo CNN. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố phản đối bất kỳ lực lượng bên ngoài nào ủng hộ “phong trào bất hợp pháp” hay can dự vào việc nội bộ của nước này, theo Reuters. Tuy vậy, Bộ Ngoại giao Anh vẫn tuyên bố quan ngại và đang theo dõi sát sao tình hình tại Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh những quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền biểu tình, cần được bảo đảm. Tương tự, Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông ra thông cáo rằng Washington không ủng hộ bất kỳ ai liên quan đến những diễn biến hiện nay nhưng “ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ những quyền tự do cơ bản được quốc tế công nhận như tự do tụ tập ôn hòa, tự do bày tỏ chính kiến...”.

Lãnh đạo Đài Loan ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông

Ngày 29.9, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố chính quyền của ông “hoàn toàn thông cảm và ủng hộ người dân Hồng Kông trong việc đòi bầu cử lãnh đạo đặc khu theo phương thức phổ thông đầu phiếu đầy đủ”. Ông Mã còn kêu gọi Trung Quốc lắng nghe tiếng nói của người dân đồng thời xử lý cuộc biểu tình một cách thận trọng và hòa bình, theo CNA. Hồi tuần trước, ông Mã khẳng định Đài Loan sẽ không trở thành “Hồng Kông thứ 2” sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lại ý tưởng thống nhất với Đài Loan theo mô hình “một nhà nước, hai chế độ” đang áp dụng với Hồng Kông.

Cùng ngày, khoảng 100 người tuần hành ở Đài Loan kêu gọi cảnh sát Hồng Kông chấm dứt trấn áp biểu tình, theo Reuters. Nhóm này còn đòi ngừng ngay lập tức tất cả đàm phán về kinh tế, chính trị giữa Đài Bắc và đại lục.

Theo Văn Khoa/thanhnien.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast