Đừng để diện tích NTTS phải bỏ hoang

Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm cho cho ngành NTTS bị thiệt hại nặng nề với 2.000 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản (chủ yếu nuôi nước ngọt) bị ngập lụt với sản lượng thủy sản bị thiệt hại là 1.500 tấn; 20 lồng nuôi thủy sản, trên 50 tấn cá giống, cá bố mẹ và 8 triệu con tôm giống mới thả nuôi bị ngập, trôi. Tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Không chỉ mất mát bởi sản lượng thành phẩm và hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi trồng, khó khăn lớn nhất mà người dân phải đối mặt hiện nay là sự khan hiếm về nguồn giống và kinh phí mua giống, trong khi thời vụ xuống giống đã cận kề.

Phần lớn ao hồ NTTS ở xã Hà Linh (Hương Khê) đang đìu hiu chờ cá giống
Phần lớn ao hồ NTTS ở xã Hà Linh (Hương Khê) đang đìu hiu chờ cá giống

Trung tâm Giống Thủy sản Hà Tĩnh là đơn vị sản xuất và cung ứng giống cá nước ngọt duy nhất của tỉnh. Với 4 cơ sở thực nghiệm, sản xuất cá giống ở các địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh và tại Văn phòng Trung tâm, hàng năm Trung tâm sản xuất và cung ứng hàng chục tấn giống cá bột và cá hương đảm bảo nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh. Cơn lũ vừa qua đã xóa sạch nguồn giống chuẩn bị cho nuôi thả vụ xuân hè 2011. Đặc biệt, trên 3 tấn cá bố mẹ cũng bị cuốn trôi, gây tổn thất nặng nề đến việc khôi phục con giống.

Ông Nguyễn Hữu Cầm - Giám đốc Trung tâm Giống Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Dẫu biết rằng thiệt hại là do thiên tai; trong khi chính bản thân Trung tâm cũng đã trắng tay, nhưng với chức năng là đơn vị đảm nhận cung ứng giống cho nông dân, chúng tôi cảm thấy như có lỗi với bà con. Trong khi chờ đợi nguồn hỗ trợ từ tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn kinh phí để mua một lượng cá bố mẹ và cá hương giống để giải quyết phần nào nhu cầu cấp thiết về giống cho bà con trong vụ xuân hè sắp tới”.

Theo ông Nguyễn Hữu Cầm - Giám đốc Trung tâm Giống Thủy sản Hà Tĩnh, để sản xuất ra các loại giống cá bột, đòi hỏi phải thực hiện một quy trình kỹ thuật rất chặt chẽ và phải có một khoảng thời gian nhất định. Theo đó, hàng năm vào thời điểm này, Trung tâm đang gấp rút thực hiện các khâu sản xuất con giống như: tách đàn, nuôi vỗ cá bố mẹ, chuẩn bị đủ cơ số thuốc kích dục, chuẩn bị ao hồ ương giống cá hương… Còn năm nay, hàng chục cán bộ, công nhân viên Trung tâm vẫn khá “nhàn rỗi” do không còn tư liệu sản xuất, mà mấu chốt vẫn là thiếu hụt nguồn kinh phí, trong khi các chính sách của tỉnh về hỗ trợ tái tạo nguồn giống thủy sản vẫn chưa có tín hiệu gì.

Thạch Hà là địa phương bị thiệt hại lớn nhất về NTTS với 540 ha nuôi nước ngọt và trên 300 ha nuôi mặn lợ, trong đó có hàng chục vạn con giống các loại bị nước lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân sửa chữa, gia cố và cải tạo diện tích hồ nuôi để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, ngành thủy sản của huyện đang đau đầu với bài toán tìm kiếm nguồn giống nuôi cho dân. Thời vụ đang đến gần trong khi chưa có sự hỗ trợ về kinh phí từ phía tỉnh và huyện. Đặc biệt, đối với tập tục nuôi thâm canh tập trung như ở Thạch Hà, việc diện tích hồ nuôi đảm bảo trên 2 ha để lọt vào nhóm được hỗ trợ theo nội dung Quyết định 3092 của UBND tỉnh là rất hạn hữu. Trong điều kiện người dân tự bỏ tiền liên hệ mua giống, ngoài phải chi số tiền cước vận chuyển rất lớn, sẽ không dám chắc sẽ đảm bảo nguồn giống khỏe và sạch bệnh.

Ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà nói: “Tỉnh cần gấp rút có chính sách hỗ trợ cho nông dân theo một trong hai kênh: một là, chuyển tiền cho Trung tâm mua cá bố mẹ về sản xuất giống tại các trại giống để bán cho bà con; hai là, nhập thẳng cá bột chuyển về cơ sở ương giống của các địa phương với giá ưu đãi để bà con có cơ hội khôi phục sản xuất”.

Một thực tế hiện nay là người nuôi cá, sau những ngày vất vả đối phó với lũ lụt, chuẩn bị ra đồng để khôi phục sản xuất thì lại gặp trở ngại về nguồn giống nên đã xuất hiện tâm lý bỏ bê, không muốn đầu tư vào tái sản xuất. Chúng tôi đến thăm một số vùng NTTS tập trung của các địa phương như Thạch Sơn, Thạch Kênh (Thạch Hà), Ích Hậu (Lộc Hà), Cẩm Quang (Cẩm Xuyên)… phần lớn hệ thống ao hồ vẫn còn hiện hữu sự hoang tàn, trống trơ bởi sự tàn phá của lũ.

Những năm trước, vào thời điểm này, bà con đã ra đồng đắp sửa bờ bao, làm vệ sinh môi trường, cải tạo lòng hồ với khí thế sôi nổi. Năm nay hầu như những công việc này đều chưa được khởi động, bởi theo nhiều người dân, sợ bỏ thời gian làm đất rồi không có giống để thả thì uổng công. Ông Nguyễn Văn Hướng, chủ trang trại VAC với diện tích nuôi cá 1,5 ha ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) nói: “Chưa có năm nào, việc NTTS lại gặp khó khăn như năm nay. Trang trại của gia đình tôi bị thiệt hại trên 500 triệu đồng, trong đó trên 200 triệu đồng tiền cá. Tưởng sau lũ sẽ khẩn trương làm lại để gỡ ít vốn, nhưng tình hình giống má như hiện nay thì khó quá, thực sự tôi chưa dám nghĩ tới việc khôi phục sản xuất”.

Mấu chốt trong chuỗi những khó khăn đối với ngành NTTS hiện nay là nguồn giống, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định về năng suất, sản lượng và chất lượng thủy sản. Đừng để diện tích ao hồ NTTS phải bỏ hoang! Sự quan tâm chỉ đạo kèm theo một chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của tỉnh trong thời điểm này chính là động lực tiên quyết để người dân yên tâm, chủ động đẩy mạnh khôi phục sản xuất, dành một vụ NTTS thắng lợi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast