Nỗ lực không mệt mỏi vì an ninh hàng hải

An toàn, an ninh hàng hải và phòng chống ô nhiễm môi trường đang là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trang thiết bị và nguồn nhân lực thiếu hụt không khiến công tác tuần tra kém hiệu quả mà trái lại “5 năm lại nay tàu chở hàng XNK xuất phát từ cảng Hà Tĩnh chưa hề bị nước ngoài giữ lại” - Giám đốc cảng vụ Hà Tĩnh Vương Bình Minh khẳng định

Tàu hàng của đối tác được các tàu lai dắt cảng Vũng Áng- Việt Lào kèm vào cảng “ăn” hàng
Tàu hàng của đối tác được các tàu lai dắt cảng Vũng Áng- Việt Lào kèm vào cảng “ăn” hàng

Những năm gần đây tàu XNK mang quốc tịch Việt Nam bị lưu giữ PSC (công tác kiểm tra Nhà nước tại cảng biển) ở nước ngoài ngày càng xu hướng gia tăng. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tất cả các tàu thuyền và các đơn vị thi công trong khu vực cảng biển nhằm khắc phục tình trang như đã nói ở trên.

Trong khi các tỉnh thành khác đang nỗ lực vào cuộc thực hiện văn bản chỉ đạo của cấp trên đội ngũ an toàn và thanh tra hàng hải Cảng vụ Hà Tĩnh lại tỏ ra bình thản. Bởi đó là công việc thường niên mà họ vẫn làm và làm rất tốt bấy nay. 5 năm trở lại nay tàu XNK xuất phát từ Hà Tĩnh ra nước ngoài chưa hề bị lưu giữ PSC. Điều này cho thấy không phải từ bây giờ mà những năm trước công tác tuần tra kiểm soát an toàn, an ninh hàng hải và phòng chống ô nhiễm môi trường được cảng vụ Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng

Nhân viên cảng vụ kiểm tra các thủ tục tàu Indonesia tại cảng Vũng Áng.
Nhân viên cảng vụ kiểm tra các thủ tục tàu Indonesia tại cảng Vũng Áng.

Trưởng phòng Thanh tra an toàn hàng hải Nguyễn Văn Bình, đơn vị chủ công của cảng vụ Hà Tĩnh phàn nàn: “Trang thiết bị của chúng tôi chỉ có 2 chiếc tàu cũ kỹ và 3 nhân viên nhưng phải đảm nhận cả một núi khối lượng công việc từ cảng Xuân Hải (Nghi Xuân) vào cảng Vũng Áng. Trong khi đó BĐKH đang ngày càng có những diến biến phức tạp cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tàu nước ngoài tại khu vực cảng Vũng Áng để triển khai dự án Formosa khiến việc tuần tra kiểm soát trở nên khó khăn”. Bên cạnh đó, các tàu đánh cá nhỏ của ngư dân tại khu vực thủy diện ngày càng có những diễn biến phức tạp cản trở hoạt động của luồng hàng hải và gây mất an toàn cho các đội tàu nạo vét cảng Sơn Dương và các tàu cá của ngư dân các địa phương khác về neo đậu tránh gió, bão.

Thiếu chưa hẳn đã yếu mà vấn đề là làm thế nào để khắc phục khó khăn và tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc của mình. Thế cho nên, hàng ngày 2 chiếc tàu lại chạy qua chạy lại như con thoi trên một đoạn đường dài 120 km từ Xuân Hải đến Vũng Áng để kiểm tra 100% tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài hoạt động trong khu vực quản lý. Đồng thời thực hiện công tác giám sát tuyến luồng và cảng biển chặt chẽ. Bên cạnh đó, cảng vụ còn yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển hàng năm tổ chức thực hiện việc khảo sát và đề nghị công bố thông báo hàng hải vùng nước trước cầu cảng và vùng nước do mình quản lý sử dụng và thực hiện công tác nạo vét vùng nước cầu cảng theo quy định; tăng cường phối hợp với các đơn vị tuyên truyền luật pháp hàng hải cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong khu vực cảng biển. Và rồi sau những nỗ lực hiệu quả thu được đã khỏa lấp nỗi gian truân vất vả của những người thực thi nhiệm vụ

7 tháng đầu năm 2012, Phòng an toàn, an ninh hàng hải đã tiến hành kiểm tra 42 tàu biển Việt Nam và tàu nước ngoài hoạt động trong khu vực quản lý, trong đó có 5 tuyến tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phát hiện 18 khiếm khuyết; 10 tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến nội địa, phát hiện 74 khiếm khuyết và 27 tàu nước ngoài với 90 khiếm khuyết; xử phạt với tổng số tiền là 14 triệu đồng. Việc các tàu thuyền bị xử phạt là biện pháp bất đắc dĩ và theo những người trong cuộc thì đó là giải pháp cuối cùng khi không còn lực chọn nào khác. Nhắc nhở tuyên truyền mới là giải pháp khiến đối tác nhớ lâu và “tâm phục khẩu phục. “Hầu hết các tàu nước ngoài hoạt động trên cảng biển Hà Tĩnh rất có ý thức. Mỗi lần bị chung tôi nhắc nhở, chỉ ra những khiếm khuyết họ đều tỏ ra biết ơn và lập tức khắc phục. Mối quan hệ giữa thanh tra và các tàu nhờ thế cũng trở nên thân mật. Tuy nhiên khó ở chỗ là trước khi rời cảng các tàu thuyền phải sửa chữa khiến khuyết trong khi đó tại khu vực hoàn toàn không có các đại lý cung cấp trang thiết bị” Ông Bình cho biết thêm.

Nhân viên cảng vụ hàng hải kiểm tra xuồng cứu hộ tàu hút cát dự án Formosa.
Nhân viên cảng vụ hàng hải kiểm tra xuồng cứu hộ tàu hút cát dự án Formosa.

Không chỉ đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải mà công tác tìm kiếm cứu nạn cũng đặc biệt được quan tâm và đạt kết quả cao. Việc cứu nạn thành công tàu cá ĐN 90358 năm 2011là một ví dụ điển hình. Vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 5/10/2011 Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh nhận thông tin từ Trung tâm PHTKCN hàng hải khu vực 1, tàu cá ĐN 90358 bị nạn ở vị trí 180 07’N, 106029’E trên tàu có 8 thuyền viên, tàu bị phá nước sắp chìm. Mặc dù điều kiện thời tiết đang có những diễn biến phức tạp (mưa to, gió cấp 8 biển động mạnh) Cảng vụ Hà Tĩnh đã quyết định điều dộng tàu JUAN SEBASTIAN DE ELCANO quốc tịch Luxembourg tham gia công tác TKCN đồng thời thông báo đến tất cả các tàu đang hoạt động trong khu vực sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Đến 9 giờ tàu này đã tìm thấy tàu bị nạn và đến 10 35 phút tiếp cận được với tàu cá và bắt đầu kéo về cảng Vũng Áng. 12 giờ 30 phút cùng ngày với sự hỗ trợ của tàu lai dắt cảng Vũng Áng, tàu bị nạn cùng 8 thuyền viên được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui hoan hỉ của mọi người

Có thể nói trong điều kiện thiếu hụt trang thiết bị và nhân lực nhưng nỗ lực của Cảng vụ Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn trong khu vực mình quản lý góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast