Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện còn 5 HTX dịch vụ bán lẻ điện đang hoạt động. Mô hình này đang nảy sinh nhiều bất cập khi vừa thiếu vốn đầu tư, yếu kém về dịch vụ, gây ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp điện và quyền lợi của khách hàng.

Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

Cách đây chưa lâu, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa bị HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp điện Thành Tâm (xã Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên) tự ý cắt điện khiến gia đình phải "xin" điện hàng xóm...

Khi HTX là... thượng đế!

Vụ việc xảy ra tại HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp điện Thành Tâm (gọi tắt là HTX điện Thành Tâm - xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) hơn 1 tháng nay vẫn đang làm “nóng” dư luận. Theo đó, vào ngày 17/9/2018, biết việc một số hộ sử dụng điện ở Cẩm Nhượng có ý kiến trên mạng xã hội về tiền điện tháng 8 tăng cao bất thường, thay vì cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, giải thích thì HTX lại tự ý tháo công tơ, cắt điện của các hộ đó.

Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Cẩm Nhượng) bức xúc: "Điều mà người dân chúng tôi bất bình chính là thái độ phục vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ. Đây không phải là lần đầu HTX có thái độ “cửa quyền”, thiếu tôn trọng khách hàng. Chúng tôi cần được cung cấp dịch vụ điện một cách chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi của khách hàng".

Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

Gia đình anh Nguyễn Tiến Phượng phải mua máy nổ sử dụng, ảnh hưởng tới việc kinh doanh thủy hải sản.

Không chỉ ở thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, tại HTX điện Thành Tâm, trước đó đã xuất hiện hàng loạt sai phạm, nhất là về áp giá bán điện. Theo kết quả thanh tra của Sở Công thương vào tháng 5/2018, HTX điện Thành Tâm có nhiều sai phạm như: Chưa xây dựng quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, quy trình cấp điện; chưa xây dựng kế hoạch thay thế công tơ định kỳ hàng năm; việc lưu trữ hồ sơ còn bất cập… Ngoài ra, HTX chưa rà soát, xử lý các điểm an toàn hành lang lưới điện; 80 công tơ hết hiệu lực kiểm định vẫn được sử dụng. Đặc biệt, HTX đã áp giá bán điện cao hơn giá điện niêm yết của Bộ Công thương.

“Giọt nước tràn ly”, sai phạm lần này của HTX điện Thành Tâm có những dấu hiệu nghiêm trọng đến mức cơ quan chức năng và lực lượng công an đã phải vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

Lưới điện xã Cẩm Nhượng dù đã được HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp điện Thành Tâm đầu tư, song vẫn chưa đạt yêu cầu.

Sai phạm ở HTX điện Thành Tâm cũng điển hình cho những HTX có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh, bán giá cao hơn giá niêm yết theo kiểu “một mình một chợ”. Điển hình là năm 2017, HTX Dịch vụ điện Tiền Phương (phường Kỳ Phương - TX Kỳ Anh) bị xử phạt hành chính 6 triệu đồng vì áp giá điện sai mục đích sử dụng. Tiếp đó, tháng 4/2018, HTX Dịch vụ điện xã Sơn Tây (Hương Sơn) cũng phải chịu phản ứng gay gắt từ một số hộ dân thôn Kim Thành về việc tháo lắp công tơ kiểm định. Người dân không hài lòng về thái độ phục vụ của một số công nhân HTX này.

Những yếu kém nội tại

Đội ngũ nhân lực của các HTX điện chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nên công tác quản lý, điều hành còn nhiều bất cập, dịch vụ chăm sóc khách hàng có nhiều hạn chế. Cùng đó, nguồn lực của các HTX có hạn nên thiếu sự đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an toàn trong thực hiện dịch vụ cung cấp điện.

Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

Bán kính cấp điện quá xa nên điện áp ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân) nhiều chỗ còn yếu, nhất là mùa nắng nóng.

5 HTX dịch vụ bán lẻ điện này có 9.264 khách hàng, trong đó: HTX Dịch vụ điện Tiền Phương và HTX điện Thành Tâm tự bỏ vốn đầu tư 100%; HTX Dịch vụ điện xã Xuân Viên, HTX dịch vụ điện xã Xuân Liên (Nghi Xuân) và HTX Dịch vụ điện xã Sơn Tây (Hương Sơn) có lưới điện được đầu tư từ dự án REII và một phần tự đầu tư.

Ông Hoàng Anh Hưng – Giám đốc HTX Dịch vụ điện xã Xuân Viên cho biết: HTX có tổng nguồn vốn đầu tư tính đến năm 2018 là 5,2 tỷ đồng, trong đó: vốn nhà nước 3,2 tỷ đồng, vốn HTX 2 tỷ đồng. HTX hiện đang quản lý 5 trạm biến áp với 1.310 hộ sử dụng điện. “Xuân Viên là xã miền núi, bán kính cấp điện quá xa nên tổn thất điện năng lớn, điện áp nhiều nơi yếu. Tuy nhiên, HTX đang phải tích lũy tiền trả nợ Nhà nước nên chưa thể đầu tư lưới điện phù hợp, đáp ứng yêu cầu cấp điện” – ông Hưng nói thêm.

Mô hình HTX bán lẻ điện ở Hà Tĩnh (bài 1): Dịch vụ yếu kém, thiếu vốn đầu tư!

Nhân viên HTX Dịch vụ điện xã Xuân Viên (Nghi Xuân) lắp điện cho người dân trên địa bàn.

Với HTX điện Thành Tâm, mặc dù đơn vị tự bỏ vốn đầu tư 100% nhưng lưới điện cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Anh Nguyễn Tiến Phượng (xã Cẩm Nhượng) cho hay: “Giờ cao điểm hay dịp lễ tết vẫn xảy ra hiện tượng tụt áp, điện chập chờn, ảnh hưởng tới sinh hoạt và SXKD thủy hải sản của bà con. Cửa hàng chúng tôi phải mua thêm máy nổ sử dụng, rất tốn kém”.

Có thể thấy rằng, trong quá trình quản lý, vận hành, các HTX chưa chú trọng đầu tư lưới điện vì nguồn lực rất hạn hẹp. Ông Lê Đức Hùng – Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay: “Thiếu vốn đầu tư vẫn là mẫu số chung của các HTX điện trên địa bàn. Đa phần HTX điện đều không có nguồn lực lớn nên việc đầu tư hệ thống lưới điện còn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ. Điều đó, ảnh hưởng tới việc cung cấp điện, chất lượng điện năng”.

(Còn nữa)

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast