Chương trình MTQG Nước sạch&VSMTNT: Nỗ lực giải ngân nguồn vốn

So với mọi năm, quyết định phân bổ vốn thực hiện chương trình MTQG Nước sạch&VSMT nông thôn đến muộn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục là những giải pháp mà Trung tâm Nước sạch& VSMT nông thôn tỉnh đã thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình…

Các năm trước, ngân sách thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch&VSMT nông thôn thường được trung ương phân bổ từ đầu năm. Theo đó, Trung tâm Nước sạch& VSMT nông thôn tỉnh sẽ lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn này cho từng công trình cụ thể, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công chủ động triển khai công việc. Tuy nhiên, vì điều kiện khách quan, quyết định phân bổ nguồn vốn cho năm nay đến muộn hơn so với mọi năm 5 tháng. Điều này đã gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Ông Nguyễn Viết Nhất, Giám đốc Trung tâm Nước sạch& VSMT nông thôn tỉnh cho biết: “Theo kế hoạch huy động nguồn vốn năm 2012 là hơn 35 tỷ đồng, trong đó vốn từ thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch&VSMT 25 tỷ đồng và vốn dự an ADB 10 tỷ đồng. Nhu cầu là thế nhưng mãi đến tháng 5 thì quyết định phân bổ nguồn vốn Chương trình Nước sạch&VSMT nông thôn mới được cấp với số vốn trên 16,136 tỷ đồng. Để công trường không bị gián đoạn, đẩy nhanh tiến độ gia tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh, với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi đã đứng ra thành lập Ban quản lý dự án để tổ chức thực hiện, quản lý và điều hành việc đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, tiến độ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành; tạo điều kiện thanh toán theo đúng thỏa thuận hợp đồng cho nhà thầu ngay khi có nguồn vốn. Đồng thời, chủ động liên hệ, phối hợp làm việc với các cơ quan, các địa phương liên quan trong việc giải phóng mặt bằng, giám sát, thanh kiểm tra. Dẫu vậy, không phải ở địa phương nào chúng tôi cũng được ủng hộ và đồng hành nên có những thời điểm chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đối ứng và GPMB”. Tính đến thời điểm này, chương trình đã giải ngân được 9,829 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch.

Công trình nước sạch xã Thiên Lộc khởi công đáp ứng niềm mong mỏi về nguồn nước sạch của người dân
Công trình nước sạch xã Thiên Lộc khởi công đáp ứng niềm mong mỏi về nguồn nước sạch của người dân

Bước qua những khó khăn, trên công trình cấp nước xã Gia Phố (Hương Khê) đang trở nên sôi nổi, khân trương cho những công đoạn cuối. Dưới cái nắng oi nồng, hàng chục công nhân vẫn miệt mài với công việc của mình, nhằm tận dụng hết những ngày nắng ráo còn lại. Được khởi công xây dựng từ đầu 6/2011 với tổng mức đầu tư 13.625 triệu đồng, nhà máy có công suất thiết kế 545 m3/ngày đêm này sẽ cấp đủ nước sinh hoạt cho 1.295 hộ 5.513 người dân, hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối tháng 8, công trình đã hoàn thành 96% khối lượng, đạt tiến độ giải ngân 86%. Đây cũng là thời điểm chạy nước rút cho công trình cấp nước Thiên Lộc, một trong những công trình cấp nước quy mô nhất với tổng vốn đầu tư lớn nhất (gần 15 tỷ đồng) từ trước tới nay trên địa bàn Hà Tĩnh. Dẫu có những lúc không mấy thuận lợi, song sát cánh bên nhà đầu tư là ban giám sát cộng đồng nhiệt tình, năng động, góp phần đảm bảo được chất lượng công trình theo đúng thiết kế, đạt độ tin cậy cao. Không bao lâu nữa, cả công trình cấp nước hoành tráng, hiện đại này sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu về nguồn nước sạch lâu nay của địa phương. Ngoài ra công tác duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước liên tục được Trung tâm quan tâm triển khai. Trước mùa mưa lũ năm nay, Trung tâm đã cử cán bộ tiến hành ra soát, kiểm tra và có phương án khắc phục những khiếm khuyết của công trình cấp nước xã Đức Lạng (Đức Thọ), nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn nguồn nước sạch cho người dân địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực và nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho cộng đồng dân cư bằng cách hỗ trợ kinh phí tập huấn, làm pano, áp phích và tờ rơi; xây dựng chương trình văn nghệ thiết thực, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Hiệu ứng của các phong trào nhằm thay đổi hành vi, nếp sống của người dân vùng nông thôn, hướng đến chất lượng cuộc sống và thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của Hà Tĩnh là đến hết năm 2012 sẽ có 51 nghìn người sẽ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh lên 79,1%; 64,26% hộ gia đình có công trình vệ sinh hợp vệ sinh và 6,5 nghìn chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (đạt 66%). Biết rằng bao khó khăn, trở ngại vẫn đang chờ đợi, tin rằng sự nỗ lực và quyết liệt trong chỉ đạo của Trung tâm Nước sạch&VSMT nông thôn sẽ có hiệu ứng tốt hơn nếu có sự vào cuộc một cách đồng bộ từ các địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast