Mắt biển

"Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng". Lời bài hát như chính tiếng lòng của tác giả Hồng Đăng thốt lên niềm kiêu hãnh tự hào, tin yêu tột cùng với biển. Biển đẹp không chỉ bởi làn nước trong xanh, cát trắng mịn màng, mà ấn tượng hơn ấy chính là mắt biển. Ngay từ lúc mặt trời lấp ló đằng đông, đến khi ánh chiều tà trải dài trên trảng cát, hay khi màn đêm buông xuống với muôn vàn vệt sáng lung linh lúc ẩn, lúc hiện giữa trùng khơi, tất cả tạo nên những nét đẹp diệu kỳ, tô thắm cho mắt biển.

Mắt biển nơi chợ cá Cồn Gò xã Cẩm Nhượng- Cẩm Xuyên.
Mắt biển nơi chợ cá Cồn Gò xã Cẩm Nhượng- Cẩm Xuyên.

Nếu như sông Lam, núi Hồng là biểu tượng, niềm tự hào muôn đời của người dân xứ Nghệ, thì theo dọc bờ biển từ Cửa Hội đến Đèo Ngang với những danh thắng nổi tiếng như: biển Xuân Thành, Thiên Cầm, Đèo Con… đã từng để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng bao du khách.

Đến với biển để cảm nhận trọn vẹn hơn từng khoảnh khắc, âu đó cũng là ước nguyện của nhiều người khi hơn một lần thả hồn bên chân sóng. Trời chạng vạng sáng, vầng dương rẽ sóng nhô lên giống hệt như một quả cầu lửa đỏ au thắp lên từ đáy biển. Dường như sau một đêm dài ngủ yên, mắt biển đang cố mở to ra để đón chào ngày mới. Từng tia sáng lung linh đa màu, đủ sắc lúc chiếu thẳng vào bờ, lại có khi ngụp sâu dưới muôn trùng sóng biếc, để lại cả mặt biển bao la tím ngắt.

Khoảnh khắc thức giấc của biển lúc bình minh chợt đến rồi chợt tan nhanh nhường chỗ cho bầu trời xanh màu trứng sáo. Lúc này đứng bên biển đã có thể phóng tầm mắt ra xa, trông thấy rõ mồn một cả khuông trời nối liền mặt nước. Chân trời, gốc biển là đây. Đó là cảm nhận hay nói đúng hơn chân trời, gốc biển chỉ là những khái niệm hư vô, xa xăm trong tiềm thức mỗi người.

Trên mênh mang sóng nước từng chiếc thuyền của ngư dân sau một chuỗi ngày dài buông lưới, thả câu đang lắc lư vượt sóng gió vào bờ. Chắc hẳn trong mỗi khoang thuyền đầy ắp cá tôm, giương cao ngọn cờ Tổ quốc cũng đang chở nặng những tia nắng ấm áp, trong lành nhoi lên từ đáy biển.

Biển đẹp theo dòng thời gian và mắt biển cũng đổi thay nhan sắc đến mức diệu kỳ. Chiều tà buông xuống, những vệt sáng hiếm hoi xuyên qua hốc núi, rặng cây phi lao rồi buông dài xuống biển. Ánh sáng khi rực lửa, lúc mờ phai, tạo cảm giác như hàng nghìn, hàng vạn mắt biển đang đua nhau nhấp nháy. Làn nước biển vốn dĩ xanh trong nhưng dường như lúc này mắt biển đang tô thắm cho gương mặt với những ánh sáng lấp lánh như dát bạc, dát đồng. Còn dưới những hàng cây phi lao cao vút, triền cát phẳng phiu ôm trọn mặt nước trông giống hệt như một hàng mi cong mềm mại, uốn vòng quanh mắt biển.

Mắt biển luôn chở che cho tàu thuyền ngày đêm bám biển, bám ngư trường.
Mắt biển luôn chở che cho tàu thuyền ngày đêm bám biển, bám ngư trường.

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư phủ thì ánh chiều tà gần như biểu thị tất cả những gì đang diễn ra trên biển. Bởi lẽ từ thuở xa xưa khi khoa học chưa phát triển ngư dân thường chỉ biết nhìn biển, nhìn trời vào lúc chiều muộn để có thể đoán được nơi luồng lạch tôm cá sinh sôi, thậm chí còn dự báo được thời tiết và những biển cố sắp xẩy ra trên biển.

Thế hệ đi trước truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho thế hệ đi sau để tất cả những người dân mặn mòi với biển cùng bắt nhịp vươn vai lớn dậy. "Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào". Đúng vậy, trải qua những lần sóng dập, gió dồi biển lại dịu êm, xôn xao gọi nắng để hát lên những khúc tình ca muôn thưở, cho con thuyền rẽ sóng vươn khơi, cho ngư phủ vững tay chèo lái trên mênh mang sóng nước.

Bầu trời, vùng biển Hà Tĩnh không chỉ đẹp vào những lúc bình minh hay khoảnh khắc chiều tà mà đêm đêm mắt biển cũng đã từng làm mê đắm lòng người với những cảm xúc bâng khuâng khó mà lột tả. Từ trên bờ nhìn ra xa là cả một vòng cung sao biển. Không biết đó là ánh đèn thực, hay chỉ là ảo ảnh hắt lên từ mặt nước. Chỉ biết rằng nơi ấy là chốn mưu sinh của lớp lớp ngư dân đêm đêm dong thuyền ra khơi câu mực.

Mong trời yên, biển lặng để ngày mai các ngư phủ trở về với nhiều niềm vui
Mong trời yên, biển lặng để ngày mai các ngư phủ trở về với nhiều niềm vui

Tôi biết nghề đi biển không kể ngày hay đêm, không quản gian lao khó nhọc. Bởi vậy trong tâm thức của mình tôi chỉ mong sao trời yên, biển lặng để ngày mai các ngư phủ trở về với nhiều niềm vui qua một đêm rong ruổi lênh đênh trên sóng nước. Khai thác mọi tiềm lực, nguồn lợi từ biển để làm giàu cho quê hương, đất nước không chỉ dừng lại ở việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản mà còn mở rộng hơn với việc xây dựng các nhà máy, công trường, khu đô thị, du lịch sầm uất ven biển.

Nếu như Khu kinh tế Vũng Áng lung linh, rực rỡ sắc màu và luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì tại các cửa sông như: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu… đã khẳng định được thế và lực mới với việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và giữ vững an ninh quốc phòng. Đánh thức tiềm năng, khơi dậy những giá trị vốn có từ biển để đêm đêm ánh điện tỏa sáng ven bờ, vươn tận khơi xa làm cho biển Hà Tĩnh náo nức hơn, tươi đẹp hơn trong dòng chảy của công cuộc đổi mới.

Bao thời gian, năm tháng trôi qua, mắt biển vẫn đẹp và phát sáng lung linh giữa đại dương xanh thẳm. Từng ngọn Hải Đăng dù cho sóng gió, bão giông hay nắng lửa đêm đêm vẫn thắp sáng lên biển trời. Hải Đăng cao chót vót vừa định hướng cho tàu thuyền cập bến, song cũng là biểu tượng, niềm kiêu hãnh, tự hào của lớp lớp ngư dân ngày đêm bám biển, bám ngư trường. Mắt biển dù được thiên nhiên kiến tạo, hay chính bàn tay con người làm nên thì nó vẫn luôn góp phần rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo, bảo vệ cuộc sống ngư dân đồng thời quan sát những biến cố xẩy ra trên biển.

Ánh điện sáng trưng trên mặt biển, ngọn Hải Đăng chấp chới giữa bầu trời làm cho mắt biển như rộng mở, nhô ra ôm trọn cuộc sống thanh bình cho những làng quê ven chân sóng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast