Đồng thuận hạ lãi suất: Cần tinh thần trách nhiệm cao của các ngân hàng

Cuộc họp thống nhất đồng thuận lãi suất huy động ở mức 14%/năm do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh tổ chức là dịp các tổ chức tín dụng thẳng thắn nhìn nhận căn nguyên của cơn sóng lãi suất kéo dài hơn 1 tháng qua. Thực hiện đồng thuận trên thực tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đó là động thái cần thiết để tạo sự bình ổn thị trường tín dụng, giảm lãi suất đầu ra, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm.

Vì sao có những đợt "sóng" lãi suất?

Theo ông Nguyễn Hữu Lực - Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh, lãi suất tăng trong thời gian qua không phải hoàn toàn do lạm phát hay do các thị trường đầu tư khác thu hút vốn khiến ngân hàng phải đẩy lãi suất lên cao. Nguyên nhân chính ở đây là do sau khi Chính phủ cho phép huy động theo cơ chế thị trường (ngày 5/11), các ngân hàng đã tự phá giá bằng nhiều cách huy động hấp dẫn để lôi kéo khách hàng.

Đầu tiên phải nói tới các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh do quy mô hoạt động còn nhỏ bé, nhu cầu vốn lớn nên đã nhanh chân thiết lập bảng giá lãi suất mới. Theo mô hình hoạt động của các Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh, các chi nhánh thực hiện chế độ lãi suất theo đúng chỉ đạo của Tổng giám đốc chứ không có quyền tự quyết trên địa bàn. Vì vậy khi thị trường tín dụng các thành phố lớn sôi động với mức lãi suất mới của các ngân hàng cố phần ngoài quốc doanh, thì các chi nhánh ở Hà Tĩnh cũng áp dụng lãi suất mới theo chỉ đạo của Ngân hàng TƯ.

Lãi suất huy động đã giảm nhưng lượng khách hàng đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn ổn định
Lãi suất huy động đã giảm nhưng lượng khách hàng đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn ổn định

Trong thời đại thông tin như vũ bão, khách hàng nhanh chóng nắm bắt thông tin và ngay lập tức di chuyển đồng tiền nhàn rỗi của mình đển gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào có giá hấp dẫn nhất. Khi dòng tiền tiết kiệm đã có sự chuyển dịch, các NHTM nhà nước hoặc cổ phần nhà nước trên địa bàn cũng không thể ngồi yên nhìn khách hàng ôm tiền ở ngân hàng mình ra đi. Tất cả các ngân hàng lớn nhỏ trên địa bàn đã cùng bước vào cuộc đua một cách quyết liệt; lãi suất huy động cứ thế lên cao và ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong cuộc đua tranh không điểm dừng ấy, với sự lựa chọn mới của khách hàng, dòng tiền tiết kiệm chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Theo tính toán, mức lãi suất huy động 17-18%/năm trên thực tế đã cao gấp đôi chỉ số giá tiêu dùng ở thời điểm tháng 11. Khách hàng vừa được hưởng giá tiền gửi cao lại có quyền lựa chọn lớn chưa từng có. Còn ngân hàng khi lãi suất huy động lên cao buộc phải đưa lãi suất cho vay lên cao, khách hàng vay vốn không thể tiếp nhận mức giá lãi suất tới 18-20%/năm. Khách hàng khó khăn, bế tắc cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đang bị đe dọa đến sự phát triển an toàn. Đưa lãi suất lên cao, kết quả cuối cùng là ngân hàng đang rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.

Đồng thuận vì mục tiêu chung

Phân tích những khó khăn trong việc thực hiện chủ trương đồng thuận lãi suất, ông Võ Văn Chân - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho rằng, để giải quyết tận gốc cần có sự điều hành kinh tế vĩ mô và những chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như Ngân hàng No & PTNT được Nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp nhưng nguồn vốn phần lớn là do Ngân hàng phải tự huy động để thực hiện nhiệm vụ này.

Năm 2010, Nghị định 41 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn ra đời càng đặt áp lực nặng nề cho ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện chính sách này. Vì vậy, Ngân hàng này đã bước vào cuộc đua lãi suất một cách quyết liệt với những cách khuyến mãi rất sáng tạo để giữ chân nguồn vốn.

Chất lương dịch vụ và thái độ phục vụ mới là lợi thế cạnh tranh bền vững để thu hút khách hàng
Chất lương dịch vụ và thái độ phục vụ mới là lợi thế cạnh tranh bền vững để thu hút khách hàng

Các NHTM cổ phần ngoài quốc doanh cũng không dễ tuân thủ mặt bằng lãi suất chung vì đây đều là những ngân hàng nhỏ, mới ra đời trên địa bàn vì vậy yêu cầu hàng đầu là huy động vốn. Bên cạnh đó, một thực tế là các ngân hàng này chỉ được tham gia vào thị trường liên ngân hàng (là thị trường mà các ngân hàng cho vay và mượn của nhau) với tỷ lệ rất nhỏ nên lại càng khó khăn trong việc đảm bảo các nhu cầu thanh toán trong thời điểm cuối năm, dẫn đến việc phải chấp nhận đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút vốn. Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đang lo ngại diễn biến lãi suất ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang phức tạp, nếu đưa lãi suất huy động xuống thấp sẽ xảy ra tình trạng nguồn vốn chảy ra ngoại tỉnh.

Tuy nhiên tất cả những khó khăn trên sẽ dần được tháo gỡ nếu các ngân hàng trên toàn quốc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: đồng thuận lãi suất ở mức chung là không quá 14%/năm (bao gồm cả các khoản chi khuyến mại). Như Techcombank - Ngân hàng bị “thổi còi” sau sự kiện huy động lãi suất lên tới 17%/năm (ngày 8/11), đến ngày 11/11, đã đưa lãi suất huy động xuống mức tối đa là 15%/năm và từ sáng ngày 15/12, đã nghiêm túc thực hiện mức huy động tối đa 14%/năm.

"Điều quan trọng nhất là các ngân hàng phải ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với khách hàng và sự phát triển của nền kinh tế để tự giác và tự nguyện thực hiện đồng thuận chung. Bên cạnh đó, khách hàng gửi tiền cũng cần nắm bắt thông tin về đồng thuận lãi suất và có sự chia sẻ với ngân hàng, cùng nhau thực hiện tốt việc ổn định thị trường tín dụng, mang lại lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và cả nền kinh tế", Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến - nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi ở Chi nhánh Techcombank Hà Tĩnh, mặc dù lúc đầu, nguồn vốn huy động của ngân hàng này có giảm nhưng chỉ một vài ngày sau đã lấy lại sự ổn định. Điều này chứng tỏ khách hàng đã nắm bắt được xu thế đồng thuận trên thị trường huy động vốn.

Trong những ngày đầu tiên thực hiện đồng thuận lãi suất, tất cả các ngân hàng trên địa bàn đã niêm yết mức lãi suất mới và phần lớn trong số đó đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vẫn tìm cách “lách” bằng các hình thức khuyến mãi, tặng quà không công khai.

Liệu có tảng băng chìm trong việc thực hiện đồng thuận lãi suất?. Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, việc áp dụng chế tài xử phạt đối với những đơn vị vi phạm cam kết đồng thuận gặp khó khăn vì Luật các tổ chức tín dụng không quy định điều này. Nhưng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực hiện những biện pháp xử lý gián tiếp như: kiểm tra chặt chẽ các nghiệp vụ khác để điều chỉnh, quy định việc đồng thuận lãi suất là một tiêu chí trong công tác thi đua khen thưởng của ngành và có thể báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các NHTM TƯ nếu các đơn vị cố tình vi phạm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast