Tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những mô hình khởi nghiệp, làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều trên những miền quê Hà Tĩnh, tạo sức lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hướng đến sản xuất quy mô lớn

Tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

45 ha đất vùng đồng Ghè sử dụng không hiệu quả được anh Trần Ngọc Hồng (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cải tạo trồng lúa, nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2018, anh Trần Ngọc Hồng (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thuê lại 45 ha đất vùng đồng Ghè của các hộ trong thôn để đầu tư sản xuất lúa. Gom được diện tích đủ lớn, anh Hồng đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy cày, máy bơm, máy gặt… đồng thời quy hoạch, cải tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu đảm bảo tiêu chuẩn.

Để tiêu thụ sản phẩm ổn định, kịp thời, anh Hồng đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp thu mua toàn bộ thóc tươi với giá thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch. Vụ xuân năm 2020, 45 ha chủ yếu trồng giống lúa nếp 98, HT1 của anh đã cho năng suất bình quân 6 tấn/ha. Với giá bán tại ruộng là 6,2 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, anh Hồng lãi khoảng 700 - 750 triệu đồng.

“Việc thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất đã tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, góp phần tạo cơ sở để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP” - anh Hồng cho hay.

Tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 650 con và 1.000 con lợn thịt/lứa của anh Nguyễn Thái Huy (thôn Tân Quang, xã Đức Lạng, Đức Thọ), doanh thu mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng

Thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trong xây dựng NTM của địa phương, năm 2014, anh Nguyễn Thái Huy (thôn Tân Quang, xã Đức Lạng, Đức Thọ) chính thức khởi nghiệp chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 650 con và 1.000 con lợn thịt/lứa.

Với quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật, hằng năm, trang trại đã xuất bán gần 100 tấn thịt lợn thương phẩm và hàng nghìn con lợn giống. Doanh thu mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân từ 1,5 - 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về những thành công, anh Nguyễn Thái Huy cho biết, từ năm 2008, anh đã khởi nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên, phải đến 2014, khi có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng, công việc chăn nuôi lúc này mới thực sự phát triển. Theo anh Huy, việc hỗ trợ một phần lãi suất để phát triển sản xuất có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ cho người dân có thêm nguồn vốn mà còn tạo động lực, tinh thần khởi nghiệp.

Giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới

Tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Mô hình trồng cam tiêu chuẩn VietGAP của anh Lê Phương, xã Mỹ Lộc (Can Lộc) quy mô 2 ha, cho thu nhập nhập hơn 1 tỷ đồng/năm

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã quy hoạch sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực và xây dựng, vận hành thành công các mô hình trong nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số sản phẩm hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá.

Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết, hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi rõ nét.

Đặc biệt, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người dân đã đẩy mạnh tái cơ cấu. Các mô hình trang trại, gia trại hướng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 205 mô hình có lợi nhuận từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; 1.541 mô hình lợi nhuận từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm.

Tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Đến nay, toàn tỉnh có 205 mô hình có lợi nhuận từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; 1.541 mô hình lợi nhuận từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Trần Huy Oánh, kết quả nổi bật từ chương trình xây dựng NTM đó là đã đem đến cho người dân một luồng không khí mới, tạo tư duy mới, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, nền nông nghiệp đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa; quan tâm cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, chuỗi giá trị.

Với mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt hơn 130 triệu đồng/ha, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục triển khai, thực hiện những giải pháp, trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ưu tiên nguồn lực và các cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp; lấy doanh nghiệp và hợp tác xã là hạt nhân quyết định, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, tạo bước đột phá cho thu hút đầu tư phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast