Tiến độ đo vẽ bản đồ, cấp GCN QSD đất: Chậm “toàn tập”!

Theo kế hoạch, đến ngày 31/12/2013, các địa phương trên địa bàn tỉnh ta sẽ cơ bản hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Song, vì nhiều lý do khác nhau, đến thời điểm hiện tại, tiến độ hoàn thành đo vẽ, cấp GCN QSDĐ chưa đáp ứng yêu cầu. Xem ra, việc hoàn thành công tác đo vẽ và cấp GCNQSDĐ theo tinh thần nghị quyết (NQ) HĐND tỉnh đề ra trong năm nay khó thành hiện thực.

Tiến độ “ì ạch”

Dự án “xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai Hà Tĩnh giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2015” được triển khai tại 190 xã trên địa bàn 10 huyện. Theo tinh thần NQ 54 của HĐND tỉnh, đến hết tháng 12/2013, các địa phương sẽ hoàn thành việc đo vẽ bản đồ và cơ bản hoàn thành việc cấp đổi GCN tại các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà, Vũ Quang. Những địa phương còn lại sẽ được hoàn thành trong năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ triển khai tại các địa phương hết sức “ì ạch”. Theo thống kê của Sở TN&MT, đến 6/11/2013, mới có 131/190 xã hoàn thành đo vẽ, nghiệm thu và giao nộp sản phẩm, số còn lại đang tiến hành kiểm tra nội, ngoại nghiệp, đo vẽ chi tiết. Thậm chí, có 5 xã mới bắt đầu triển khai đo đạc.

Khu quy hoạch dân cư Đồi Thao – Vườn Cọ (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh)
Khu quy hoạch dân cư Đồi Thao – Vườn Cọ (xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh)

Để phục vụ công tác cấp, đổi GCN QSDĐ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định, ngay từ những tháng cuối năm 2010, các huyện Đức Thọ, Thạch Hà và Cẩm Xuyên đã triển khai công tác đo vẽ bản đồ. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành việc cấp GCN gắn với đo vẽ địa chính tại các địa phương nói trên vẫn ở mức rất thấp (Đức Thọ mới cấp 19,9% nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp, 8,5% nhu cầu đất ở; tương tự, tỷ lệ hoàn thành ở Thạch Hà, đất sản xuất nông nghiệp 5,4%, nhu cầu đất ở 2,8%; Cẩm Xuyên, đất sản xuất nông nghiệp 32,5%, nhu cầu đất ở 34,5%)…

Theo tìm hiểu, ngoài huyện Can Lộc hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính tại 23/23 xã và đảm bảo được tiến độ cấp, đổi GCN theo yêu cầu, các địa phương còn lại vẫn trong quá trình chạy đua với thời gian... Cá biệt, tại một số địa phương ở Đức Thọ, Thạch Hà và Lộc Hà đến nay vẫn chưa hoàn thành công đoạn đo đạc bản đồ địa chính.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, đến 6/11/2013, tiến độ cấp, đổi GCN QSDĐ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chậm, toàn tỉnh còn 168 điểm sử dụng đất của các tổ chức chưa được cấp GCN, các huyện còn tồn đọng 10.336 hồ sơ cấp GCN QSDĐ ở lần đầu.

“Tắc” ở tư vấn

Để hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ, cấp GCN QSDĐ trên địa bàn, Sở TN&MT ký hợp đồng thỏa thuận với 48 đơn vị tư vấn đo đạc địa chính và 4 đơn vị tư vấn kiểm tra nghiệm thu, phân bổ về các địa phương phối hợp với chính quyền sở tại đảm bảo tiến độ đo vẽ theo kế hoạch, sau khi hoàn thành đo vẽ bản đồ triển khai lập hồ sơ cấp GCN QSDĐ. Lãnh đạo tất cả các địa phương đều cho rằng, nhiều đơn vị tư vấn đã không thực hiện đúng cam kết, quá trình thực hiện tại các địa phương bộc lộ nhiều tồn tại, chậm khắc phục, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch được giao. Đa số các đơn vị tư vấn nằm ở ngoại tỉnh, nên không bố trí máy in, phương tiện tác nghiệp phải di chuyển nhiều lần, vừa mất thời gian, vừa dễ thất lạc.

Sau khi được cấp GCN QSDĐ với diện tích 3.036 m2, HTX Hải Hà (Thạch Kim - Lộc Hà) an tâm đầu tư trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền cho bà con ngư dân.
Sau khi được cấp GCN QSDĐ với diện tích 3.036 m2, HTX Hải Hà (Thạch Kim - Lộc Hà) an tâm đầu tư trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền cho bà con ngư dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Hồ (Đức Thọ) - Trần Hải, năm 2012, đơn vị tư vấn (Công ty CP Trắc địa Ngân Hà) bắt đầu triển khai công tác đo vẽ, nhưng một thời gian dài, cán bộ tư vấn không có mặt tại địa phương. Sau nhiều lần liên lạc, đôn đốc, đơn vị mới cử cán bộ đến làm việc. Quá trình xét duyệt sản phẩm do tư vấn bàn giao cho thấy, do nhân lực đơn vị tư vấn vừa mỏng, vừa yếu, lại thay đổi thường xuyên nên quá trình thực hiện không theo quy trình, việc xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất, chỉ giới quy hoạch, chủ sử dụng đất còn nhiều hạn chế nên nhiều hồ sơ sau khi được bàn giao phải xét đi, xét lại nhiều lần.

Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ - Phạm Quang Thạnh phản ánh, trong quá trình xây dựng hồ sơ, một số đơn vị tư vấn lập hồ sơ không đồng bộ, sai sót, phải làm đi làm lại. Ví dụ như Công ty Gia Cường, đo vẽ ở xã Đức Lạc, kết quả đo đạc bàn giao cho xã số thửa đất sai lệch so với kết quả nghiệm thu bàn giao lần 1; Công ty CP Xây dựng Mai Linh đo vẽ tại xã Đức Thanh, chênh lệch diện tích trên bản đồ và kết quả đo đạc, ký giáp ranh không đúng chính chủ; Công ty CP Trắc địa Ngân Hà đo vẽ tại xã Trường Sơn bàn giao hồ sơ cho xã không đồng bộ, lúng túng trong khâu in giấy…

“Bên cạnh vấn đề năng lực, sự phối hợp giữa các đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương còn thiếu nhuần nhuyễn. Lẽ ra, các đơn vị phải thực hiện theo quy trình cuốn chiếu, hoàn thành đến đâu thì trình xét duyệt đến đó, đằng này, các đơn vị tư vấn tập hợp hồ sơ trong cả quá trình, bàn giao cùng một lúc hàng ngàn hồ sơ, gây khó khăn cho công tác thẩm định, xét duyệt”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà - Phan Thanh Nhàn cho biết.

Các địa phương thiếu quyết liệt

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, bên cạnh năng lực yếu kém của một số đơn vị tư vấn, quá trình triển khai đo vẽ và cấp GCN ở một số địa phương chậm trễ còn bắt nguồn từ sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương đo vẽ bản đồ, cấp GCN QSDĐ cho người dân chưa được thực hiện một cách rộng rãi. Quá trình thực hiện không bố trí cán bộ tham gia dẫn đạc, không xác định mốc giới, chỉ giới quy hoạch, năng lực của một số cán bộ địa chính xã còn yếu nên chậm xét duyệt hồ sơ, không nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; có nơi, cán bộ xã không biết được ai là chủ sử dụng đất vì trước đó các lô đất đã bị cắt xén, bán trao tay từ người này qua người khác.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi đất nông nghiệp được các địa phương báo cáo đã hoàn thành, nhưng trên thực tế lại chưa thực hiện. Do đó, các đơn vị phải tạm dừng việc đo vẽ để thực hiện công tác chuyển đổi đất nông nghiệp, thậm chí, một số xã như Mai Phụ, Thạch Mỹ (Lộc Hà), Đức Châu (Đức Thọ), Thạch Đài (Thạch Hà)... sau khi đo vẽ xong vẫn thực hiện chuyển đổi, làm thay đổi kết quả đo đạc, không thể kế thừa tài liệu đo đạc để phục vụ cấp GCN.

Ngoài ra, việc các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí kịp, hồ sơ lưu trữ qua các thời kỳ không đảm bảo, hàng nghìn GCN QSDĐ cũ đang nằm tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài tỉnh... đã phần nào làm giãn tiến độ đo vẽ, cấp GCN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Các địa phương cần xác định công tác đo vẽ bản đồ, cấp GCN QSDĐ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, Sở TN&MT rà soát nghiêm túc các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện đo vẽ bản đồ, cấp GCN QSDĐ, giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa tư vấn và các địa phương; nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm sau thanh tra, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, giao đất trái thẩm quyền...

Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh: Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ chỉ đạo các đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, thiết bị và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch. Kiên quyết xử lý, chấm dứt hợp đồng với những đơn vị tư vấn năng lực yếu, không có năng lực hoàn thành nhiệm vụ để bàn giao cho đơn vị khác có năng lực, cam kết bỏ vốn thi công thực hiện xong trong tháng 11/2013. Đồng thời bố trí cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Văn Việt: Để đẩy nhanh tiến độ, hàng tuần, đảng ủy các xã, thị trấn kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện việc cấp GCN QSDĐ; hội đồng tư vấn xét cấp GCN có ít nhất một buổi tiến hành xét duyệt, thông báo cho cán bộ phòng TN&MT phụ trách tham gia, hướng dẫn (đồng thời kiểm tra hồ sơ); ưu tiên xét duyệt các hồ sơ dễ trước, hồ sơ nào còn vướng mắc để sau. Hồ sơ sau khi được xét duyệt đủ điều kiện chuyển luôn cho đơn vị tư vấn để in GCN nhằm rút gọn thời gian thẩm định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast